Nguy hiểm khi rắn lục đuôi đỏ tấn công

Từ đầu tháng 5 trở lại đây, nhiều người bị rắn lục đuôi đỏ cắn đã phải nhập viện. Đặc biệt, tại đồng bằng sông Cửu Long, khi mùa mưa đến cũng là lúc các loài rắn sinh sôi.

Một người bị rắn lục đuôi đỏ cắn điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long.

Tại xã An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), mới đây một nông dân (anh Khanh) khi đi thăm đồng đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân phải khi đang đi thăm đồng. Chỉ là một vết cắn nhỏ, nhưng ngay sau đó nạn nhân đã hôn mê, người nhà vội vã đưa vào Khoa Nội tiêu hóa và bệnh máu (Bệnh viện Quân y 121) cấp cứu.

Cũng may do điều trị kịp thời nên nạn nhân đã tai qua nạn khỏi.

Người bị rắn lục đuôi đỏ cắn kể lại: “Khi bị rắn cắn tôi cũng không biết nó là loại rắn gì. Khi tôi rọi đèn pin mới thấy con rắn lục đuôi đỏ vẫn nằm gần đó”.

Trường hợp một nạn nhân khác (ông Bé), nhà ở khu vực chợ Tầm Vu (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn, vào ngày 17/5.

Ông Bé cho biết, khoảng 7h sáng, trong lúc lấy củi ra phơi, ông bị con rắn lục đã nằm sẵn trong bó củi cắn vào ngón trỏ. Ít phút sau tay ông đã sưng tấy, đau nhức dữ dội.

Người nhà đã lấy dây chun buộc vào ngón trỏ bị rắn cắn, nhưng đau nhức lại càng tăng.

Ông Bé cũng được đưa vào Bệnh viện Quân y 121 cứu chữa.

Tại thời điểm này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều trận mưa lớn. Theo giới chuyên gia thì thời tiết như vậy tạo điều kiện cho rắn sinh nở, trong đó có rắn lục đuôi đỏ. Không chỉ ngoài cánh đồng, mà ngay trong vườn nhà dân loại rắn nguy hiểm này cũng bò vào.

Đại tá, BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Vinh- chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa và bệnh máu (Bệnh viện Quân y 121) cho biết, từ đầu năm đến nay Khoa đã tiếp nhận gần 100 ca do bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Trong vòng 10 ngày trở lại đây có tới 30 trường hợp nhập viện. Trong đó có trường hợp do chủ quan đã diễn biến xấu nên nạn nhân đã suy đa tạng nặng, phải lọc máu liên tục.

BS Vinh lưu ý, khi bị rắn cắn, không chủ quan mà phải vào viện ngay. Trường hợp bị rắn độc cắn thì phải đến các tuyến bệnh viện chuyên khoa, điều trị chống độc đặc hiệu để đảm bảo tính mạng.

Những trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn xảy ra quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào đầu mùa mưa, có nghĩa là thời gian nay.

Tại Bệnh viện Vĩnh Long, có thời kỳ trong quãng thời gian ngắn đã phải tiếp nhận tới 34 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Theo BS Hồ Bích Thủy (BV Vĩnh Long), người bị loài rắn này cắn sẽ bị rối loạn đông máu. Rắn lục đuôi đỏ có nọc độc hơn rắn lục thường. Người không may bị chúng cắn nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Với trẻ em, khi người lớn sơ ý, cũng dễ bị rắn cắn. Có thể kể đến trường hợp cháu bé 3 tuổi ở Bình Dương, khi chơi gần đống củi khô đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào ngón trỏ trái. Tay cháu sưng rất nhanh, người nhà lập tức đưa cháu vào BV Nhi Đồng 2 (TP HCM).

BS Lê Thị Thùy Linh (BV Nhi Đồng 2) cho biết, cháu bé đã được truyền huyết thanh kháng nọc rắn, kháng sinh và các biện pháp điều trị hỗ trợ tích cực.

BS Linh lưu ý, khi bị rắn cắn, tránh can thiệp vào vết cắn (như rạch, hút máu, đắp lá cây, thuốc không rõ loại) vì có thể gây nhiễm trùng, tăng hấp thu nọc độc và chảy máu tại chỗ.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải nẹp gỗ để tránh cho chi bị cắn vận động, sau đó băng ép đủ chặt nhưng không được ga-rô động mạch. Nếu con rắn đã bị giết thì nên mang theo đến bệnh viện để xác định loại rắn gì một cách nhanh nhất và chính xác, phục vụ công tác điều trị.

Đáng kể nhất là một vụ bị rắn lục đuôi đỏ tấn công tại Quảng Nam (vào tháng 11/2014): trong số 8 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn có 3 người bị nhiễm độc nặng.

Cùng thời gian này, tại một số địa phương ở Thanh Hóa, rắn lục đuôi đỏ bất ngờ xuất hiện, cắn người.

Một nông dân ở thôn Trung Hòa, xã Hoằng Trinh, Hoằng Hóa, khi đang dắt xe máy vào nhà thì bất ngờ bị một con rắn lục đuôi đỏ tấn công.

Nạn nhân lập tức tím tái, nôn nao, khó thở, chân trái sưng to và chuyển sang màu thâm tím.

Trong những ngày đầu điều trị tại bệnh viện, chân trái của nạn nhân bị tê liệt. Khi thông tin loang ra, người dân chủ động đi tìm diệt loài rắn nguy hiểm này.

Tại xã Triệu Lộc (huyện Hậu Lộc), người dân phát hiện và bắt được hơn 14 con rắn lục đuôi đỏ náu mình trong bụi rậm.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao rắn liên tục xuất hiện cắn người?

Không ít ý kiến cho rằng do tình trạng phá rừng khiến rắn mất nơi trú ẩn, nên đã bò cả vào nơi con người sinh sống. Việc chúng tấn công người như một biện pháp tự vệ và cũng có thể hiểu theo cách chúng phản kháng.

Theo GS TS Đặng Huy Huỳnh (Hội Động vật học), rắn thường sống ở những khu vực rừng núi, nhiều cây cối rậm rạp. Tuy nhiên, tình trạng tàn phá rừng, rắn không còn nơi trú ẩn, mất chỗ ở nên quay ra tìm về nhà dân.

Việc này tương tự như đàn voi ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đã phá rẫy của người dân. “Rừng không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi cung cấp các nguồn thức ăn cho rắn sinh tồn.

Rừng bị tàn phá, khu vực nhà dân thường có chuột, ếch, nhái, côn trùng- những thức ăn mà rắn ưa thích, nên cũng là một khả năng lý giải việc rắn tìm đến khu vực dân cư sinh sống”- theo GS Huỳnh.

Bệnh nhân bị rắn cắn cần được: bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn); cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Cùng đó là phải nhanh chóng băng ép bất động để làm chậm triệu chứng liệt. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

Khi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế vẫn cần duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...). Tuyệt đối không nên tự ý chích, rạch, chọc vào vết thương bị cắn, không chườm đá, hút nọc độc...

(Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)

Nguyễn Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/nguy-hiem-khi-ran-luc-duoi-do-tan-cong-tintuc404806