Nguy hiểm khi tập luyện thể thao sai cách

Tập thể dục thường xuyên vốn là thói quen tốt cho sức khỏe và có thể giúp tăng cường tuổi thọ. Tuy nhiên, nếu tập luyện không đúng cách hoặc mắc một số sai lầm khi luyện tập sẽ làm giảm hiệu quả đáng kể của việc tập thể dục, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị chấn thương khớp cổ chân cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị chấn thương khớp cổ chân cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Cách đây 2 tháng, anh Đ.V.T. (33 tuổi, ở Bắc Ninh) có cảm giác đau buốt tại chân sau khi tham gia 1 trận bóng đá, mặc dù sau đó vẫn đi lại bình thường nhưng khi vận động mạnh thì cổ chân xuất hiện cảm giác đau buốt. Sau một thời gian dài không thuyên giảm, bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và được các bác sĩ chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước và rách sụn phải.

PGS.TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Bệnh nhân T. là một trong những trường hợp nhập viện khá muộn. Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương khớp gối, chỉ định phẫu thuật nội soi. Hiện bệnh nhân đã được phẫu thuật, tuy nhiên do điều trị muộn nên chân phải có dấu hiệu teo nhỏ hơn so với chân trái, bên chân bị chấn thương cũng mất cơ và khó khăn khi gồng. Bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật”.

Thống kê từ Bộ Y tế cho biết, 1/2 số ca chấn thương xương khớp ở nước ta xảy ra ở những người chơi thể thao nghiệp dư. Đáng nói hơn, không chỉ chấn thương về xương khớp, không ít những trường hợp đột ngột tử vong khi đang tham gia thể thao hoặc sau đó đã được ghi nhận. Đơn cử, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã từng ghi nhận trường hợp một học sinh lớp 9 trường THCS Nam Phương Tiến A đột quỵ và sau đó đã không qua khỏi sau khi tham gia giải chạy tại địa phương.

BS Khánh cho hay: Chấn thương thể thao là chấn thương rất thường gặp, không chỉ xảy ra ở những vận động viên chuyên nghiệp mà đa phần gặp ở những người chơi thể thao nghiệp dư. Qua thực tế lâm sàng, khai thác bệnh sử người bệnh, chúng tôi nhận thấy có một vài nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này, như người bệnh chơi bộ môn thể thao không phù hợp với lứa tuổi, tình trạng cơ thể, hoặc không khởi động kỹ trước khi tập luyện. Thậm chí có những người đã tập luyện rất lâu, có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn gặp phải chấn thương vì tập luyện với cường độ quá cao. Đương nhiên, cũng có những trường hợp chấn thương do những biến cố không lường trước được, ví dụ như thiết bị, nơi tập luyện không đảm bảo an toàn. Đáng nói hơn, gần đây bệnh viện cũng tiếp nhận không ít người bệnh gặp chấn thương do tự tập luyện theo những hướng dẫn chưa được kiểm chứng qua mạng xã hội mà không có sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết: Tập thể dục nâng cao sức khỏe rất là tốt. Tuy nhiên nếu không đảm bảo an toàn tập luyện, kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...

Bệnh viện Thể thao Việt Nam từng tiếp nhận một số trường hợp bị đột tử trong khi đang đá bóng nghiệp dư, vào viện cấp cứu thì đã ngừng tim, không thể cứu được. Các trường hợp này thường là những thanh niên trẻ (30-40 tuổi), đá bóng nghiệp dư, có bệnh lý tim mạch, huyết áp tiềm ẩn trước đó nhưng không đi khám sàng lọc nên không biết. Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa nên không được phát hiện.

Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi tập các môn thể thao, cần tìm hiểu kỹ và trang bị kiến thức về môn thể thao đó, để khi tập có kỹ năng phòng, tránh chấn thương. Điều quan trọng nhất để phòng, tránh chấn thương khi chơi thể thao là người tập cần khởi động thật kỹ trước khi tập, đặc biệt là các khớp vận động nhiều hay chịu tác động lực.

Người tập cần có đồ bảo hộ phù hợp với môn thể thao đó, như các môn đua xe đạp cần phải có áo bảo hộ, mũ; môn đá bóng cần có giày đá bóng, sân tập đảm bảo an toàn; môn boxing cần có găng tay, mũ và miếng ngậm bảo vệ răng…

Với mỗi người tập thể thao có những môn ưa thích khác nhau, nhưng cần lưu ý tập môn phù hợp với thể trạng, sức khỏe, lứa tuổi. Một người 65 tuổi không nên tập thể thao với cường độ của một người 25 - 30 tuổi. Thời lượng tập thể thao cũng nên phù hợp lứa tuổi, nếu cảm thấy mệt, hãy tập từng chút một, không nên gắng sức quá sẽ dễ gặp chấn thương.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguy-hiem-khi-tap-luyen-the-thao-sai-cach-5712618.html