Nguy hiểm rình rập

Theo báo cáo của Tổ chức Từ thiện Phóng viên không biên giới, trong năm 2016, ít nhất 74 nhà báo thiệt mạng trong khi làm việc. Phần lớn trong số này bị giết hại có chủ ý

Chiếc áo giáp chống đạn nặng nề, gây không ít bất tiện nhưng lại là vật không thể thiếu đối với những nhà báo tác nghiệp ở khu vực chiến sự nguy hiểm như anh Adam Harvey - phóng viên của đài ABC.

Mục tiêu của khủng bố

Thế nhưng, nhà báo thường trú Đông Nam Á của đài truyền hình Úc này vẫn bị bắn vào cổ trong lúc đưa tin về cuộc chiến ở TP Marawi, trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines, hôm 15-6.

Theo Adam Harvey, tác nghiệp ở khu vực giao tranh ác liệt trong thành phố vốn đang bị nhóm khủng bố Maute - có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm giữ, anh không quên mặc áo chống đạn, thậm chí cả mũ bảo hiểm nhưng lại trúng đạn khi đã được dời tới vùng an toàn.

"Chúng tôi dừng xe và tôi mở cửa sau ô tô để lấy một số đồ ăn, nước uống. Rồi tôi chợt thấy nhói đau một cách lạ thường một bên cổ. Tôi ngã xuống đất, trong đầu đinh ninh là mình đã trúng phải một mảnh bom. Tôi bắt đầu bị chảy máu và rất may là chúng tôi có một hộp sơ cứu y tế được đài trang bị nên thực hiện ngay các bước sơ cứu ban đầu" - anh Harvey kể.

Adam Harvey là phóng viên nước ngoài đầu tiên bị bắn khi tác nghiệp tại TP Marawi, miền Nam Philippines Ảnh: EPA

Nhà báo nước ngoài đầu tiên trúng đạn tại mặt trận Marawi tiết lộ dù vết thương rất đau nhưng do không bị bất tỉnh nên anh vẫn còn đùa cợt với những người cùng đi về mảnh bom. Thế nhưng, anh bắt đầu cảm thấy nghiêm trọng khi hình chụp X-quang tại trung tâm y tế địa phương cho thấy rõ một viên đạn đã găm vào ngay phía sau cằm mình.

Rất may, viên đạn không rơi vào vị trí gây nguy hiểm tới tính mạng và được các bác sĩ gắp bỏ thành công sau khi Harvey về nước.

Người phát ngôn phủ Tổng thống Philippines Ernesto Abella đã cảnh báo các nhà báo quốc tế cần hết sức thận trọng khi tác nghiệp tại Marawi bởi họ đang trở thành mục tiêu của khủng bố. Khu vực nói trên mặc dù được quân đội bảo vệ an ninh nhưng chỉ cách khu vực đang nằm trong tay phiến quân Maute chưa đầy 2 km.

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla nhắc nhở các phóng viên rằng Marawi đang là nơi cực kỳ nguy hiểm vì sự hiện diện của các tay súng bắn tỉa - vốn được cho là một vũ khí lợi hại của IS, rải rác quanh thành phố. Cũng theo tiết lộ của ông Padilla, nhà báo Harvey trúng đạn từ phía đối diện của doanh trại quân đội, một khu vực đang diễn ra xung đột.

Cũng nếm mùi tay súng bắn tỉa IS hồi tháng 5 nhưng ở mặt trận Iraq, nhà báo chiến trường Ammar Alwaely lại có một trải nghiệm có thể nói là độc nhất vô nhị. Theo tờ Daily Mail (Anh), ông Alwaely thoát chết kỳ diệu sau khi lọt vào tầm ngắm của một tay súng bắn tỉa tại TP Mosul. Cứu tinh không phải áo giáp chống đạn hay mũ bảo hiểm mà chính là chiếc camera cầm tay - món quà do một đồng nghiệp tặng.

Theo các nhân chứng, viên đạn suýt chút nữa đã xuyên thẳng vào tim, nếu như ông Alwaely không cầm trên tay chiếc máy quay. Sau khi chiếc máy quay đã lãnh "giúp" nhà báo này một viên đạn, ông và những người đi cùng lập tức khom người xuống, nấp sau một chiếc xe để né làn đạn từ các tay súng bắn tỉa.

Chết chóc đeo đuổi

Theo báo cáo của Tổ chức Từ thiện Reporters Without Borders, trong năm 2016, ít nhất 74 nhà báo, cả chuyên nghiệp và không chuyên, thiệt mạng trong khi làm việc. Ba phần tư trong số đó bị giết hại có chủ ý. Với 19 nhà báo bị đoạt mạng, Syria trở thành đất nước chết chóc nhất đối với những người làm nghề đưa tin. Afghanistan, nơi có 10 nhà báo bị giết hại, đứng thứ hai trong danh sách và xếp ngay phía sau là Mexico, nơi dù không xảy ra chiến tranh và cũng chưa có bóng dáng của IS nhưng bạo lực băng đảng khốc liệt cũng cướp sinh mạng của 9 nhà báo.

Dù con số nhà báo mất mạng trong khi làm việc của năm 2016 được cho là chấn động nhưng vẫn còn thấp hơn một năm trước đó, khi 101 nhà báo, trong đó có 12 người bị thảm sát tại tòa báo châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris - Pháp. Sự sụt giảm này một phần do thực tế nhiều nhà báo đã thoát khỏi những quốc gia nguy hiểm như Syria, Iraq, Libya và Afghanistan.

Tuy nhiên, dù có trốn chạy khỏi những "địa ngục" này, sinh mạng của không ít nhà báo vẫn chưa hết bị đe dọa vì những cuộc truy sát của khủng bố.

Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các nhà báo Syria được cho là do các sát thủ IS tiến hành trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã được ghi nhận. Một trong những vụ gây chú ý nhất phải kể tới trường hợp nhà báo Ahmed Abd al-Qader, Giám đốc trang tin tức Syria "Eye on the Homeland" chuyên vạch trần các tội ác của IS tại Syria.

Trong hơn 1 năm tá túc ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo 36 tuổi này ít nhất 2 lần bị tấn công, chưa kể tới hàng trăm tin nhắn khủng bố qua internet và gửi tới nhà dù anh liên tục thay đổi chỗ ở. Lần đầu tiên vào tháng 3-2016, anh bị 2 kẻ lạ mặt tấn công và nổ súng trên đường phố nhưng may mắn thoát chết, chỉ bị thương nhẹ.

Ahmed tin chắc chúng thuộc hàng ngũ IS và sợ rằng chúng muốn lấy mạng anh như đã từng làm với em trai Ibrahim và một đồng nghiệp tên Fares Hamadi. Ba tháng sau, Ahmed bị bắn 3 phát đạn qua cửa sổ ô tô khi vừa lên xe của một người bạn. Một viên đạn khiến nhà báo Syria này vỡ hàm. Ahmed quyết định đưa vợ và 2 con sang Pháp tị nạn nhưng những tin nhắn đe dọa thủ tiêu vẫn tiếp tục đeo đuổi anh.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-6

Bị đe dọa sau phóng sự

Không đối diện với bom rơi, đạn nổ như những đồng nghiệp làm việc ở các mặt trận Syria hay Iraq… nhưng nữ nhà báo Ấn Độ Sandhya Ravishankar cũng phải nếm trải một cuộc sống không khác gì ở địa ngục sau khi thực hiện loạt bài phóng sự phản ánh nạn trộm cát tràn lan ở bang Tamil Nadu. Loạt bài viết đã động chạm đến một tay trùm cát được cho là có quan hệ mật thiết với một số quan chức cấp cao.

Tờ Huffington Post (Mỹ) hồi tháng 3 đưa tin 2 cảnh sát phải túc trực canh gác tại nhà Ravishankar để bảo đảm an toàn cho cô. Tuy vậy, họ cũng chẳng làm được gì nhiều với hàng loạt lời đe dọa thủ tiêu gửi tới điện thoại hay những chiến dịch bôi nhọ nữ nhà báo này trên mạng xã hội.

Đỗ Quyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nguy-hiem-rinh-rap-20170622215227584.htm