Nguy hiểm từ nạn gia súc thả rông

Đường Trần Đại Nghĩa (Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là tuyến đường giao thông huyết mạch nối giữa Đà Nẵng và Đô thị cổ Hội An nên lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn. Lâu nay, nhiều người đi trên đường này vô cùng bất an khi thường xuyên gặp nhiều đàn bò đông đúc chừng 10-15 con dàn hàng ngang đi trên đường. Nhiều con gặm cỏ ở dải phân cách, thong thả “đi dạo” trên vỉa hè tìm thức ăn, thỉnh thoảng ra đứng giữa đường gây cản trở giao thông. Tại nút giao thông Bùi Tá Hán, Lê Văn Hiến, người dân cũng phản ánh có một đàn bò thường hay xuất hiện cả ban ngày lẫn đêm. Nguy hiểm hơn còn có cả đàn 3 con trâu xuất hiện vào buổi tối, nếu không chú ý quan sát, người điều khiển phương tiện giao thông rất khó nhận ra các “chướng ngại vật” di động này. Anh Nguyễn Minh, một tài xế bức xúc: “Ngày nào, tôi cũng lái xe qua đoạn đường này thường xuyên gặp đàn bò đi trên đường. Mỗi lúc như vậy, đành phải dừng xe chờ cả đàn đi qua mới dám đi tiếp, nếu cố đi mà va phải đàn bò có khi vừa hỏng xe vừa mất tiền đền cho chủ”. Còn trên những lô đất chưa xây dựng ở các khu dân cư mới, khu tái định cư vô tình trở thành những bãi chăn thả, đàn trâu bò tự đi tìm kiếm thức ăn, không có người chăn dắt. Sáng sớm, tại khu đô thị Phước Lý (Q.Cẩm Lệ và Liên Chiểu), đàn bò hàng chục con dàn hàng trên đường, có khi “chia nhóm” đi vào các khu dân cư kiếm thức ăn. Khi đã căng bụng, chúng tụ tập ra giữa đường nằm nhởn nhơ, là mối nguy hiểm cho người đi xe trên đường…

Gia súc thả rông cản trở đường đi, gây nguy hiểm trên đường Trần Đại Nghĩa.

Gia súc thả rông cản trở đường đi, gây nguy hiểm trên đường Trần Đại Nghĩa.

Việc nuôi trâu bò thả rông đã gây nhiều hệ lụy, là hiểm họa cho người đi đường. Đối với cánh tài xế, việc trâu bò đi trên đường đã trở thành nỗi ám ảnh. Anh Mai Thanh Hiền thường xuyên chạy trên đường Trần Đại Nghĩa cho biết, đoạn đường này quy định xe được phép chạy 40-50 km/h, khi xe đang chạy tốc độ cao gặp phải đàn trâu bò đột ngột băng ngang đường nếu không quan sát rất dễ xảy ra tai nạn. Tài xế cũng không dám bấm còi lớn, sợ chúng hoảng hốt chạy tán loạn càng dễ gây tai nạn cho người khác. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do va chạm với gia súc thả rông. Mới đây nhất, khoảng 17 giờ 30 ngày 9-11, xe máy BKS 43H1-229.75 lưu thông trên đường Trần Đại Nghĩa do thiếu quan sát đã đâm vào một con bò đi trên đường. Hậu quả 2 nam thanh niên trên xe bị thương phải đưa đi cấp cứu, xe máy hư hỏng nặng, còn con bò chết ngay tại chỗ. Tình trạng thả rông gia súc không chỉ gây tai nạn mà còn làm mất vệ sinh do chúng phóng uế. Ngoài ra chúng còn bới tung, lục lọi các thùng rác trong khu vực để tìm thức ăn, các chậu hoa, cây cảnh và hoa màu người dân tăng gia cũng bị đàn gia súc tàn phá. Vào mùa khô, cỏ khan hiếm, chủ đàn để mặc cho trâu bò gặm cả phế liệu, rác thải công nghiệp…

Tai nạn giao thông giữa bò và xe máy ngày 9-11 làm 2 người bị thương.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, ngoài xử phạt hành chính thì công tác tuyên truyền vận động cho người dân cần được chú trọng và đặt lên trên hết. Con trâu, con bò cũng là gia tài lớn đối với nhiều người, nhất là với người nông dân hết đất sản xuất đang loay hoay chuyển đổi ngành nghề. Ông Huỳnh Công Tiến – Phó Chủ tịch UBND P.Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn cho biết, trước đây, Đội Quy tắc đô thị phường ra quân tháo gỡ hết chuồng trại do người dân tự ý dựng lên ở các bãi đất trống, đất đã giải tỏa. Vận động các hộ dân viết cam kết không để gia súc thả rông gây ảnh hưởng đến cộng đồng, cương quyết xử lý và đồng thời tạo điều kiện để người dân chuyển đổi ngành nghề. Năm 2018, Đội Quy tắc đô thị phường Hòa Hải đã bắt gần 20 lượt gia súc thả rông trên các tuyến đường. Để có chỗ nuôi nhốt bò thả rông bị bắt, phường phải bố trí đất trong khuôn viên. Cái khó là nếu xác minh không được chủ nuôi thì cũng không thể để bò nhịn đói mà phải đi cắt cỏ cho chúng ăn và dọn dẹp vệ sinh khi nuôi nhốt tại trụ sở. Phường cũng đang liên hệ với chủ trại nuôi bò ở Hòa Khương để gửi bò lên chăm sóc cho đến khi có chủ đến nhận, mọi chi phí nuôi dưỡng do chủ bò chi trả. Theo ông Tiến, vướng mắc chính ở đây là người nuôi không ý thức được hành vi của mình, thậm chí có hộ bị bắt, tịch thu bò và phải viết cam kết không tái phạm cả chục lần nhưng sau đó vẫn đâu vào đấy. Một trong những nguyên nhân khiến các chủ nuôi “nhờn luật” là do mức xử phạt chưa có tính răn đe lớn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông chỉ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng. Tại Hòa An, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, hiện nay địa bàn phường chỉ còn 2 hộ nuôi bò, trong đó có một hộ nuôi nhốt bài bản, còn hộ kia phường cũng đang vận động. Gần đây, người dân phản ánh tình trạng bò thả rông ở khu đô thị Phước Lý nhiều một phần là do các hộ nuôi ở các phường giáp ranh như Hòa Phát (Q.Cẩm Lệ), Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) nên rất khó xử lý triệt để.

Chăn nuôi trâu bò thả rông trong khu dân cư và trên đường phố hoàn toàn không phù hợp. Để tránh những tai nạn đáng tiếc, các cấp chính quyền cùng các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, kịp thời có biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này, yêu cầu các hộ chăn nuôi có ý thức hơn nữa trong việc quản lý vật nuôi, không chăn, thả trâu, bò trên đường giao thông, chuyển đàn trâu bò ra khỏi khu đô thị. Đặc biệt, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và ý thức được việc chăn thả trâu, bò trên đường là vi phạm pháp luật, dễ gây nguy hiểm cho người và các loại phương tiện tham gia giao thông.

MAI VINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/66_198566_nguy-hiem-tu-nan-gia-suc-tha-rong.aspx