Nguy hiểm từ những 'con tàu chết'

Thời gian qua tại Quảng Ngãi liên tục xảy ra các vụ cháy, mắc cạn tàu thuyền. Nhiều trường hợp tàu bị nạn xảy ra ngay cửa biển, khu neo đậu tàu thuyền ở các cảng biển. Hầu hết các tàu thuyền sau khi bị nạn đều không được trục vớt mà nằm ngay trong khu vực ra vào, vũng neo đậu gây mất an toàn cho các tàu thuyền ra vào ở các bến cảng. Đặc biệt hiện nay, khi mùa mưa lũ sắp đến những “con tàu chết” gây khó khăn, nguy hiểm cho công tác phòng tránh mưa bão.

Xác tàu ở cửa biển

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, ông Võ Văn Phụng chủ tàu QNg 32541TS đưa tàu vào cửa biển Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú để bán cá. Do tàu chìm ngay khu vực ra vào cửa biển chắn ngang lạch chạy nên ông phải mất hơn hai giờ để đưa tàu cập bờ. Nếu như trước đây tàu ông chỉ hơn ba mươi phút thì nay ông và các thuyền viên phải mất nhiều thời gian mới cập tàu an toàn.

Ông Phụng than thở “Trước đây tàu vào rất nhanh nhưng từ khi con tàu này bị chìm ngay lạch ra vào vũng neo đậu thì việc di chuyển rất khó khăn. Chúng tôi muốn đưa tàu vào thì phải đi qua một bên, tàu to nên phải lái hết sức cẩn thận không thì sẽ bị va đập hư hỏng tàu”.

Ngay cửa biển Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, tàu QNg 7123TS bị chìm gần hai năm qua. Tàu có công suất hơn 600Cv bị chìm ngay giữa cửa biển, cách cầu An Phú khoảng 200m. Do bị mắc cạn và chìm khá lâu nên tàu đang trong tình trạng hư hỏng, mục nát. Thân tàu nằm ngang chiếm 1/3 cửa biển, chặn dòng chảy, lối ra vào của tàu thuyền. Cách xác tàu Qng 7123TS khoảng 300m hướng ra biển là xác một tàu cũng bị chìm và trong tình trạng mục nát.

Người dân ở đây cho biết, các tàu này bị mắc cạn và chìm gần hai năm qua. Chỉ riêng khu vực cửa biển Cổ Lũy và cầu An Phú nối hai xã Nghĩa An, Nghĩa Phú đã có ba tàu thuyền chìm, mắc cạn. Hầu hết các tàu có công suất lớn nên khi bị nạn không trôi ra biển mà nằm ngay luồng lạch ra vào.

Tại cảng biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, hơn một năm qua, nhiều tàu thuyền của ngư dân vào vũng neo đậu cũng gặp trở ngại. Tại đây, hai tàu cá QNg 98748 TS và QNg 98032 TS của ngư dân Nguyễn Lượm bị cháy vẫn chưa trục vớt. Gần hai năm qua, tàu cháy vẫn nằm ngay vũng neo đậu chiếm diện tích lớn cửa ra vào gây khó khăn, nguy hiểm cho các tàu thuyền của ngư dân vùng biển Sa Huỳnh.

Theo thống kê, tại các cửa biển Cổ Lũy xã Nghĩa Phú, TPQuảng Ngãi và cảng Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ hiện có sáu xác tàu bị nạn. Hầu hết các trường hợp tàu bị nạn đều có công suất lớn nên nằm rải rác chiếm diện tích lạch, cửa sông, cản trở lối ra vào của tàu thuyền.

Nguy hiểm nhưng không thể trục vớt

Xác các tàu bị nạn nằm ngay cửa biển, vũng neo đậu tàu thuyền chặn dòng chảy, hạn chế lối ra vào của các tàu cá. Nhiều tàu cá lớn mắc cạn che khuất tầm nhìn của thuyền trưởng, gây mất an toàn đường thủy. Để đi qua khu vực này, hầu hết các tàu cá đều phải chuyển hướng sang hai bên để tránh va đụng vào xác tàu ở cửa biển cũng như tránh tông vào các tàu ngược chiều.

Anh Trần Văn Lành, Thuyền trưởng tàu QNg 67352, chia sẻ “Tàu chắn hẹp hết luồng ra vào nên muốn vô là phải quan sát kỹ. Mình vừa phải tránh tàu mắc cạn đó, mà cũng vừa phải tránh tàu ngược chiều. Lỡ có tàu nó vô mình ra biển không quan sát kỹ sẽ tông nhau vì luồng hẹp quá”.

Ông Võ Thái Ngọc, ở xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi lo lắng “Tôi đi đánh bắt thường xuyên lo nhất là ban đêm. Ban ngày thì có khi còn thấy mà tránh né chứ ban đêm có thấy rõ đâu. Nhiều khi tông vô xác tàu rồi đụng nhau nữa. Nhất là tàu các tỉnh khác về họ không quen nên nguy hiểm lắm. Ở đây đã có mấy vụ va đụng hư hỏng rồi”.

Mỗi ngày, tại các cửa biển, vũng neo đậu tàu thuyền cảng Sa Huỳnh, Cổ Lũy có hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào cảng để bán cá và chuẩn bị cho phiên biển mới. Tàu thuyền ra vào tấp nập tại các khu vực neo đậu, trong khi đó, vùng nước có tàu chìm, mắc cạn luồng nước chảy mạnh, xiết gây nguy hiểm cho ngư dân. Đặc biệt, các ghe, thúng đánh bắt ven bờ qua lại của bà con dễ bị lật, trôi khi gặp tàu lớn hoặc luồng nước chảy mạnh.

Nguy cơ tai nạn, rủi ro cho ngư dân các cửa biển luôn hiện hữu nhưng việc trục vớt hay di chuyển tàu đi nơi khác vẫn chưa làm được. Sau khi bị nạn, hầu hết chủ các tàu trên đều bỏ tàu chứ không trục vớt. Anh Nguyễn Lượm, thôn Thạch Đức 2, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ xót xa: “Biết là để cũng mất an toàn cho các tàu, anh em ngư dân, nhưng nếu trục vớt tôi không có đủ tiền. Chi phí trục vớt, đưa tàu đi nơi khác mấy trăm triệu, nợ vay ngân hàng đóng tàu thì chưa trả. Lấy tiền đâu ra để trục vớt, đưa tàu đi được chứ”.

Ông Phan Thành Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú chia sẻ “Chúng tôi đã nhiều lần khảo sát, kiểm tra để có biện pháp an toàn cho vùng cảng biển. Nhưng với các tàu bị nạn nằm ngay cửa biển thì chỉ có cách trục vớt hoặc di chuyển đi nơi khác. Nhưng chi phí rất cao, ngân sách của địa phương không để thực hiện được. Chúng tôi cũng nhiều lần tìm nguồn tài trợ, động viên ngư dân nhưng hầu hết họ khó khăn không thể làm gì được”.

Cảng biển Sa Huỳnh, Cổ Lũy là những cảng biển lớn của tỉnh Quảng Ngãi với hơn 1.700 nghìn tàu thuyền neo đậu. Chính quyền địa phương ở đây cho biết, lo ngại nhất hiện nay là mùa mưa lũ sắp tới, tàu thuyền trở về neo đậu rất nhiều. Bên cạnh đó, công tác bố trí, điều động đưa tàu đi trú tránh bão liên tục thực hiện để bảo đảm an toàn tài sản cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, các tàu bị nạn nằm trong khu vực cửa biển, vũng neo đậu sẽ hạn chế di chuyển, đi lại cũng như ứng cứu sự cố của các phương tiện tàu thuyền chung quanh. “Để bảo đảm an toàn cho bà con ngư dân mùa mưa lũ, chúng tôi kiến nghị cần phải có phao báo hiệu cảnh báo nguy hiểm ngay khu vực các tàu bị chìm, mắc cạn. Đồng thời, khoanh vùng để bố trí các tàu neo đậu an toàn, tránh va đập làm hư hỏng tài sản của bà con ngư dân. Về lâu dài chúng tôi cũng mong các cấp hỗ trợ để giải quyết xác các tàu thuyền này nhằm thông luồng cho các cửa biển, cửa sông”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33597302-nguy-hiem-tu-nhung-%e2%80%9ccon-tau-chet%e2%80%9d.html