Nguyễn Ái Quốc còn có bút danh là Nguyễn Ố Pháp?

Một số đầu sách, bài báo viết rằng Nguyễn Ái Quốc có bút danh Nguyễn Ố Pháp. Sự thật là thế nào? Điều đó có đúng không?

Những cuốn sách nói về Nguyễn Ố Pháp

Bernard Fall là người đầu tiên đưa vấn đề này trong cuốn sách của ông viết bằng tiếng Anh: The Viet-Minh Regine: Covernment and Administration in the Democratic Republic of Vietnam, in ở New York năm 1956. Cuốn sách này được dịch sang tiếng Pháp: Le Vietminh - La Ré publique Démocratique du Vietnam 1945-1965, hiệu sách Armand Colin phát hành ở Paris năm 1960.

Nguyễn Ái Quốc ở Pháp.

Nguyễn Ái Quốc ở Pháp.

Bernard Fall là người Mỹ gốc Pháp, sinh ở Viên (Áo) năm 1926 trong một gia đình tiến bộ, tham gia kháng chiến chống phát xít Đức. Mẹ ông bị địch bắt đi đày, bố ông bị phát xít Đức bắn chết, ông tham gia kháng chiến trên đất Pháp từ năm 1942, 16 tuổi. Sau này, nước Pháp được giải phóng, ông học luật ở Pháp và ở Mỹ, làm giáo sư khoa quan hệ quốc tế và đại học Harvard. Gia đình ông cư trú ở Mỹ từ năm 1950. Ông là nhà nghiên cứu, nhà báo có tên tuổi, xông xáo trên các chiến trường. Trong một cuộc hành quân cùng với đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ ở Quảng Trị, không may ông vấp phải mìn, qua đời ngày 21/2/1967.

Trong cuốn Le Vietminh của Bernard Fall, bản tiếng Pháp trang 27 viết: Sau một thời gian ở Matxcơva, phải chăng Hồ Chí Minh trở lại Pháp một thời gian ngắn, viết một bài ký tên “Nguyễn Ố Pháp”?

Xin lưu ý bạn đọc về ý kiến của tác giả: 1. Sau một thời gian ở Matxcơva, vào năm 1924-1925; 2. Phải chăng, có nghĩa là còn nghi vấn, không phải khẳng định.

Jean Lacouture, giáo sư Pháp viết cuốn Hồ Chí Minh, NXB Seuil, Paris, xuất bản năm 1967, nhắc lại ý của Bernard Fall, ở trang 32, cũng với tinh thần “ngờ vực”, “có thể” xem như một giả thuyết.

Tạp chí Planète-Action (Hành tinh – Hành động) ra ngày 15/3/1970, số đặc biệt Hồ Chí Minh, xuất bản ở Paris có bài “Người viết tốt…” (Le calligraphe…) ký tên tác giả là Michele Zecchini, cựu công nhân in typo báo L’Humanité đảng viên Đảng Xã Hội) ở trang 28, tác giả viết: Lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Ái Quốc từ Marseille trở lại Paris, ông ta gầy và biểu lộ lòng căm giận thực dân Pháp đến cực điểm. Trong thời kỳ này, ông viết một loạt bài ký tên Nguyễn Ố Pháp.

Zecchini không nói rõ Nguyễn Ái Quốc từ Marseille trở lại Paris vào lúc nào? Ký tên Nguyễn Ố Pháp là những bài gì? Đăng ở báo nào? Số bao nhiêu? Ngày tháng năm nào?

Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp họp ở Marseille, khai mạc ngày 25/12/1921. Theo Zecchini, Nguyễn Ái Quốc đã dùng bút danh Nguyễn Ố Pháp (khẳng định như thế) ký tên ở một số bài, khác hẳn với ý kiến của Bernard Fall và G.Lacouture.

Xin nói thêm: Bài của Michele Zecchini có rất nhiều điều sai về Nguyễn Ái Quốc. Bài này đã được Nguyên Chương dịch đăng trên báo Hà Nội mới, số 7497, ngày 20/5/1990 với nhan đề “Người viết chữ đẹp”, riêng đoạn nói về Nguyễn Ố Pháp đã lược bỏ.

Tài liệu mơ hồ của Zecchini về Nguyễn Ố Pháp đã được Hoàng Minh Giám sử dụng đưa vào bài: “Một công nhân Italia, đảng viên Đảng Xã hội Pháp kể chuyện về Bác Hồ” đăng trên báo Tổ quốc số 5/1986.

Bài này, những người biên tập cuốn Hoàng Minh Giám, con người và lịch sử đưa vào và cả lời giới thiệu in trong tạp chí (tr.179-184) và cả lời giới thiệu in trong tạp chí (tr.13). Ở đây, Zecchini là công nhân báo Le Populaire, nhưng chính ông lại viết là công nhân báo L’Humanité.

Nguyễn Ái Quốc tại đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18.

Một điều đáng nói nữa là: những người biên tập cuốn sách ở tr.184, viết: “Về bút danh này (Nguyễn Ố Pháp), gần đây cuốn Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền của Đặng Hữu Thụ có cung cấp thêm những thông tin mới.

Thật là cả một mớ tài liệu hỗn độn, tùy tiện đưa vào sách báo, cung cấp những thông tin sai cho bạn đọc.

[...]

Cuốn sách của Đặng Hữu Thụ xuất bản ở Paris năm 1991, […] ở trang 29, Đặng Hữu Thụ viết: “Vì cái bút hiệu này, có một giai thoại kể ra buồn cười. Lúc đầu, các cụ chọn bút hiệu Nguyễn Ố Pháp được đổi ra Nguyễn Ái Quốc. Từ một tên chung do 5 người, Nguyễn Ái Quốc trở thành tên riêng cho Nguyễn Tất Thành”.

Một giai thoại bịa đặt vu vơ như vậy phải chăng có thể lấy làm căn cứ cho việc biên tập một cuốn sách đúng đắn, có giá trị?

Nguyễn Ố Pháp không thể là Nguyễn Ái Quốc

Thu Trang Gaspard (người Việt ở Pháp) tác giả cuốn Hồ Chí Minh ở Paris (1919-1923), NXB L’Harmattan, xuất bản năm 1992, ở trang 75, tác giả trích lại đoạn Zecchini nói về Nguyễn Ái Quốc, tức Nguyễn Ố Pháp. Cuốn này đã được dịch in ở Hà Nội, lần thứ nhất năm 1986 (NXB Thông tin Lý luận) và tái bản (NXB Chính trị Quốc gia).

Đức Vượng viết cuốn Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh, NXB CHính trị Quốc gia, 1995, ở trang 50: “Chỉ có bút danh Nguyễn Ố Pháp (với hàm ý ông Nguyễn ghét sự thống trị của Pháp ở Đông Dương) là do một số người viết chung”.

Tác giả không nói rõ: Một số người đó là những ai? Mập mờ, phải chăng hàm ý cả Nguyễn Ái Quốc? Bút danh đó đã sử dụng ở bài viết nào? Báo nào? Bài gì?...

Sách Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh khẳng định Nguyễn Ố Pháp không phải là Nguyễn Ái Quốc.

Gần đây, trong cuốn Hồ Chí Minh, một cuộc đời (Hồ Chí Minh: A Life) của William J.Duiker, xuất bản ở New York năm 2000, tác giả sử dụng bài viết của Zecchini để sử dụng bút danh của Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Ố Pháp (tr.85).

Theo một số tài liệu ít ỏi đã sưu tầm được, xin giới thiệu trên báo Le Paria có 3 bài và một mẩu tin về Nguyễn Ố Pháp như sau:

1. Số 31, ngày 11/12/1924: “Nhân dân các thuộc địa tôn kính nước Nga Xô Viết”, ký tên: Nguyễn Ố Pháp.

Số 32, không có ngày, tháng 2 và 3/1925: “Hoạt động của Đảng Cộng sản ở nghị viện về vấn đề thuộc địa”, ký tên: Nguyễn Ố Pháp.

Số 35, không có ngày, tháng 8/1925: “Cuộc nổi dậy mãnh liệt của nhân dân cách mạng Campuchia”, ký tên Nguyễn Ố Pháp.

Số 36 và 37/10 và 11/1925 đưa tin: Đại hội Quốc tế của những người lao động trong ngành giáo dục họp ở Paris, rồi chuyển sang Bruxelles, Nguyễn Ố Pháp tham dự tố cáo chế độ ngu dân thuộc địa ở Đông Dương và số phận khốn khổ của giáo viên và sinh viên bản xứ.

Thời gian từ tháng 12/1924 đến tháng 11/1925, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động bí mật ở Quảng Châu. Xét về nội dung tư tưởng của Nguyễn Ố Pháp: “Nguyễn Ái Quốc không phải là người ghét Pháp, Người chỉ ghét chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc Pháp. Người sát cánh chiến đấu với giai cấp công nhân Pháp, tham gia Đảng Xã hội rồi Đảng Cộng sản với những người Pháp chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Người đấu tranh vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa, kết tình đồng chí thân thiết với những người Pháp cùng lý tưởng giải phóng.

Việc tham dự Đại hội quốc tế của những người lao động trong ngành giáo dục tuyệt đối không thể là Nguyễn Ái Quốc vào tháng 8/1925 ở Paris.

Từ đó có thể kết luận: Nguyễn Ái Quốc không phải là Nguyễn Ố Pháp, cũng không phải là tên của một nhóm người, trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ố Pháp tên thật là gì. Chúng tôi chưa biết rõ.

Có người phỏng đoán Nguyễn Ố Pháp là Bùi Công Trừng. Chắc là không phải. Hồi ký của ông và một số thư để lại cho biết: năm 1926, Bùi Công Trừng có liên hệ với nhóm “Việt Nam hồn” ở Paris từ trong nước và bí mật đi Pháp. Ông không thể có mặt ở Paris khi Đại hội quốc tế của những người lao động trong ngành giáo dục họp ở Paris tháng 8/1925.

Trích sách "Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh"

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-ai-quoc-con-co-but-danh-la-nguyen-o-phap-post843595.html