Nguyễn Chí Diểu- nhà cách mạng năng động, nhiệt huyết

Thừa Thiên - Huế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử lâu đời. Trong số nhiều nhân vật đã đi vào lịch sử Thừa Thiên - Huế và được Đảng, Nhà nước và nhân dân tưởng nhớ và tôn vinh, không thể không nhắc tới nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu - một chiến sĩ cộng sản giàu ý chí, nghị lực; một nhà cách mạng năng động, sáng tạo, có những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đầu vô cùng khó khăn, gian khổ.

Người cán bộ cách mạng lớp đầu của Đảng

Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908, tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế và mất năm 1939, do mắc căn bệnh lao trong những năm bị giam trong ngục tù thực dân. Ông sinh trong một dòng họ nhiều đời làm quan. Năm 1925, ông thi đỗ vào Trường Quốc học Huế; năm 1927 thì bị đuổi học do tham gia bãi khóa đòi thả cụ Phan Bội Châu tại trường Quốc học. Năm 1927, Nguyễn Chí Diểu được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Đến năm 1928, ông trở thành Xứ ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Đảng Tân Việt. Năm 1929, một bộ phận Đảng Tân Việt trở thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Kể từ đây, Nguyễn Chí Diểu chính thức trở thành người chiến sĩ cộng sản.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Nguyễn Chí Diểu được điều vào hoạt động ở Nam Kỳ và được cử là Bí thư Tỉnh Gia Định. Tại đây, đồng chí bị thực dân Pháp bắt vào tháng 10-1930 và bị kết án khổ sai chung thân rồi lưu đày ra Côn Đảo. Tháng 6 - 1936, Nguyễn Chí Diểu được trả tự do và năm 1937, được bầu là Ủy viên Trung ương, rồi Ủy viên Thường vụ. Đồng chí là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I, là Ủy viên Ban Thường vụ thời kỳ 1936 - 1939 cho đến lúc qua đời vì bệnh nặng.

Nguyễn Chí Diểu là chiến sĩ cách mạng lớp đầu tiên của Đảng, có đóng góp to lớn trong vai trò là người trực tiếp và bí mật tạo nguồn cho tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng tại Huế; tham gia sáng lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn và trực tiếp kêu gọi hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam; người đã kiên cường, anh dũng đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương.

Người chiến sĩ cách mạng năng động, nhiệt huyết, sáng tạo

Với nhận thức chính trị sâu sắc và bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ cách mạng, Nguyễn Chí Diểu đã bộc lộ lòng nhiệt tình cách mạng thông qua những hoạt động năng nổ, mạnh mẽ; đặc biệt trong việc tích cực thu hút, dẫn dắt những người ưu tú, có năng lực phẩm chất và tinh thần cứu quốc tham gia đứng trong hàng ngũ của Đảng Tân Việt và sau này là Đông Dương cộng sản Liên đoàn và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 9-1925, Nguyễn Chí Diểu bắt đầu cuộc đời của một học sinh trung học tại Trường Quốc học Huế. Thời bấy giờ, phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải nổi lên mạnh mẽ. Cuối năm 1925, cụ Phan Bội Châu được ân xá và về an trí tại Huế. Tháng 3-1926, nhà chí sĩ Phan Chu Trinh qua đời tại Sài Gòn. Sau các cuộc đấu tranh đòi nhà cầm quyền thực dân ân xá cho cụ Phan Bội Châu và tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh; Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn và Võ Nguyên Giáp lập câu lạc bộ thơ yêu nước, vận động học sinh hằng tuần đến Bến Ngự nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện. Nhóm học sinh này đã tìm kiếm và chuyền tay nhau đọc báo chí bí mật từ nước ngoài chuyển về, trong đó có nhiều sách báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết và biên tập như: Le Paria, Việt Nam hồn, Bản án chế độ thực dân Pháp...

Những hoạt động yêu nước của thanh thiếu niên, học sinh Huế khiến nhà cầm quyền Pháp tức giận. Đặc biệt, sau phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu của học sinh Quốc học do Nguyễn Chí Diểu là một trong những người đứng đầu, chúng đã kiếm cớ đuổi Nguyễn Chí Diểu ra khỏi trường bằng cách vu cáo cho anh vi phạm kỷ luật thi cử. Kết cục là Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học; sự việc này đã làm dấy lên một cuộc bãi khóa lớn của học sinh trường Quốc học, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới phong trào bãi khóa ở Huế năm 1927.

Việc tham gia Tân Việt và tiến hành những hoạt động yêu nước đầu tiên đã cho thấy ở Nguyễn Chí Diểu một tinh thần yêu nước nồng nàn, một nhiệt tình cách mạng và năng động. Đây là bước khởi đầu cho những chặng đường cách mạng gian khổ và vẻ vang sau này của Nguyễn Chí Diểu.

Sự năng động và nhiệt tình cách mạng trong ông được bộc lộ rõ nét qua quá trình bí mật tạo nguồn cho Tân Việt cách mạng Đảng ở Huế. Khi Tổng bộ Tân Việt được chuyển vào Huế, Nguyễn Chí Diểu được cử phụ trách xây dựng cơ sở của Tân Việt ở ba tổng: Mậu Tài, Dương Nổ, Ngọc Anh.

Dù bị nhà trường thực dân buộc thôi học, Nguyễn Chí Diểu vẫn bám trường học, thành phố để phát triển và huấn luyện đảng viên, tạo nguồn nhân lực cho cách mạng. Một trong số những người được đồng chí Diểu dẫn dắt, gửi gắm đi theo con đường cách mạng là Võ Thuần Nho, em ruột của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau đó Võ Thuần Nho thi được vào học tại Trường Quốc học và nhanh chóng trở thành hội viên “Hội học sinh đỏ” và bước vào cuộc đời cách mạng.

Thời kỳ hoạt động ở Sài Gòn - Gia Định, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, tháng 10- 1930, trên đường đi công tác, đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị địch bắt và sau đó, bị đày ra Côn Đảo. Trong khi phần lớn anh em cách mạng bị đẩy về Banh II là banh tù chính trị, thì Nguyễn Chí Diểu bị giam ở Banh I, nơi giam giữ phần lớn tù khổ sai. Tại đây, đồng chí đã nêu cao khí phách kiên cường bất khuất của người cộng sản, tiếp tục đấu tranh bền bỉ trong nhà tù thực dân. Là đảng viên cộng sản kiên trung, lại chịu khó học hỏi, đồng chí cũng luôn là người hoạt động sôi nổi, có năng lực; đồng chí được Chi bộ nhà tù Côn Đảo tín nhiệm bầu vào Chi ủy và trở thành một trong những đảng viên nòng cốt của chi bộ.

Tháng 8-1934, Nguyễn Chí Diểu đã tổ chức một cuộc đấu tranh chống đàn áp, cưỡng bức lao động thậm tệ của bọn cai ngục; đã gây tiếng vang rất lớn và được nhiều tờ báo công khai lấy đó để phản ánh gay gắt chế độ nhà tù thực dân. Vì vậy, Nguyễn Chí Diểu bị đẩy vào biệt giam trong hầm xay lúa. Cuộc sống cực khổ, không khí bụi bặm, ngột ngạt khiến sức khỏe của Nguyễn Chí Diểu sa sút và mắc bệnh lao phổi nghiêm trọng.

Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, bằng những kinh nghiệm đấu tranh trong thực tiễn nhà tù Khám lớn Sài Gòn và trình độ lý luận sắc bén của mình, Nguyễn Chí Diểu đã cùng với các đồng chí trong chi bộ xác định mục tiêu đấu tranh trong tù là một bộ phận trong toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng, phải bảo vệ sinh mạng, duy trì tinh thần chiến đấu và rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng. Nguyễn Chí Diểu đã cùng với nhiều đồng chí nòng cốt trong Chi bộ tiến hành tổ chức học tập văn hóa, học tập lý luận cách mạng cho anh em tù nhân. Qua việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhiều anh em tù nhân là những đảng viên Quốc dân Đảng và các đảng phái khác đã có cảm tình tốt với những người Cộng sản, sẵn sàng ủng hộ và đứng về phe những người Cộng sản.

Người Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ có nhiều đóng góp to lớn

Tháng 7-1936, Nguyễn Chí Diểu và một số đồng chí được ân xá trở về đất liền. Sau khi ra tù, Nguyễn Chí Diểu tiếp tục hoạt động, cống hiến cho Đảng và cách mạng trên các cương vị: Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Trong giai đoạn này, sự mẫn cảm, sáng tạo của đồng chí tiếp tục được bộc lộ và phát huy.

Ngày 14-3-1937, các đại biểu của các Xứ ủy trên cả nước được triệu tập về họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng do Tổng Bí thư Hà Huy Tập và Ban Trung ương lâm thời triệu tập. Tại Hội nghị, đánh giá những cống hiến, đóng góp của Nguyễn Chí Diểu cho Đảng, cho phong trào cách mạng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, các đại biểu đã nhất trí bầu đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng và được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Trong Xứ ủy Trung Kỳ thời kỳ 1936 - 1939, đồng chí Nguyễn Chí Diểu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng sớm nhất.

Ngay sau Hội nghị Trung ương, Nguyễn Chí Diểu trở về Huế cùng với Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào cách mạng toàn xứ và trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ và phong trào quần chúng Thừa Thiên Huế. Tháng 4-1937, đồng chí thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ, triệu tập các đồng chí cán bộ, đảng viên chủ chốt thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên-Huế lần thứ hai. Cuối tháng 8-1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu rời Huế vào Nam để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được bầu vào Ban Chấp hành và là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương.

Tháng 3-1938, trước tình hình tổ chức Đảng ở Trung Kỳ đã phát triển và liên lạc được với nhau, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tổ chức lại Xứ ủy Trung Kỳ và giao lại cho Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh. Đầu tháng 4-1938, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại do đồng chí Nguyễn Chí Diểu làm Bí thư, cơ quan Xứ ủy đóng ở Huế.

Như vậy, có thể khẳng định đồng chí Nguyễn Chí Diểu là một trong những nhà lãnh đạo tài năng, quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là Ủy viên Thường vụ Trung ương từ Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 9-1937. Song, do căn bệnh lao quái ác mắc phải trong thời gian ngục tù tại Côn Đảo, sức khỏe Nguyễn Chí Diểu suy giảm nhanh chóng. Đồng chí mất vào một ngày giữa tháng 9-1939, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng các chiến sĩ cách mạng, đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Tấm gương dũng cảm, kiên trung, năng động, sáng tạo của Nguyễn Chí Diểu trở thành biểu tượng và là động lực to lớn khích lệ đồng chí, đồng đội tiếp tục cống hiến và chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Cuộc đời tuy ngắn ngủi với 31 năm, thì có tới 1/3 chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã được Đảng giao nhiều trọng trách và có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đồng chí là biểu tượng sáng ngời của tấm gương người chiến sĩ cách mạng năng động và sáng tạo.

PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nguyen-chi-dieu-nha-cach-mang-nang-dong-nhiet-huyet-554375