Nguyên chủ tịch HĐQT VNS chuyển nhượng nhà: Sẽ thu hồi?

Trước việc nguyên chủ tịch HĐQT VNS chuyển nhượng nhà cho con, ĐBQH cho rằng có dấu hiệu tẩu tán tài sản và công an sẽ thu hồi lại.

Là một trong những bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO), ông Mai Văn Tinh (69 tuổi, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) đã chuyển nhượng căn hộ ở phố Láng Hạ (Hà Nội) trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Bị cáo Tinh cho biết căn hộ là tài sản duy nhất của ông và vợ. Ông tặng nhà cho con gái với mong muốn sau này có nơi nghỉ ngơi, được con cháu chăm sóc và ông không nghĩ đây là hành vi tẩu tán tài sản.

Nhận định trước vụ việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng đây là một đại án rất lớn của quốc gia nên cần phải xử lý nghiêm minh.

Trong khi công an đang điều tra việc vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì việc ông Mai Văn Tinh chuyển nhượng tài sản cho người thân đứng tên sẽ càng làm thất thoát tài sản tiền bạc, ngân sách của nhà nước.

Hành động này của Nguyên chủ tịch HĐQT VNS cũng có dấu hiệu của việc tẩu tán tài sản. Việc số tài sản trên được chuyển nhượng, sang tên cho con gái rõ như ban ngày nên không có lý do gì cơ quan điều tra lại không thu hồi. Đặc biệt việc tẩu tán tài sản cho người thân lại càng khó khăn hơn cho chính bản thân bị cáo.

Thời gian qua cũng có nhiều vụ án bị cáo tẩu tán tài sản của mình cho người khác chứ không phải người thân nhưng cơ quan điều tra vẫn tạm giữ số tài sản đó.

Nếu tài sản là tiền thì sẽ tiến hành niêm phong, trong trường hợp tài sản là bất động sản thì cơ quan điều tra sẽ khống chế không cho mua bán hay san nhượng.

Với những trường hợp này, tạm thời tài sản sẽ được giao cho gia chủ và chủ sở hữu chỉ để sử dụng chứ không được mua bán, sang nhượng trao tăng trong khi điều tra. Khi cơ quan điều tra điều tra cụ thể, họ sẽ thu hồi tài sản đó để trừ nợ cho hành vi gây thất thoát của bị cáo.

Nguyên chủ tịch HĐQT VNS

Nguyên chủ tịch HĐQT VNS

Bên cạnh đó ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn lo ngại rằng có thể thông tin về việc điều tra bị lọt ra bên ngoài nên những bị can này mới biết để sớm chuyển nhượng tài sản. Tuy nhiên cũng có thể nhận thấy những người vi phạm thường nhạy cảm nên sẽ tìm cách tẩu tán để giữ hộ cho bản thân sau này.

Hiện nay luật của mình cũng quy định rằng đâu phải việc tẩu tán tài sản là hết nhiệm vụ, hết trách nhiệm, quan trọng nước mình có chính sách rất nhân văn, khoan hồng đó là nếu tham nhũng, gây thất thoát tài sản nhưng cam kết hoàn trả lại tài sản cho nhà nước thì sẽ được khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, nếu không sẽ bị phạt nhiều năm tù. Hiện nay chính sách này đang được người dân rất hoang nghênh, đồng bào cử chi, quốc hội ủng hộ.

Trong nhiều vụ đại án có thể thấy những người tham nhũng tẩu tán tài sản nếu có tiền họ sẽ sằn sàng trả lại để được pháp luật khoan hồng.

"Luật pháp của mình cũng quy định rõ, khi là bị cáo, bị can tức là tạm thời người đó chưa phạm tội, khi tòa tuyên án mới phạm tội. Trong khi điều tra xét xử thì cư quan công an mới đề nghị là phong tỏa tài sản.

Lúc bản thân họ chưa là bị can bị cáo thì tài sản của cá nhân là bất khả xâm pham. Tôi nghĩ rằng hiện nay còn có sự sơ hở trong luật pháp nên những người có liên quan đến tham nhũng, dính líu đến thất thoát tài sản của nhà nước họ đã tẩu tán tài sản riêng tư để lo cho họ sau này khi ra tù" -ĐBQH Phạm Văn Hòa thẳng thắn nói.

Thu Thủy

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/phap-luat/tin-tuc-phap-luat/nguyen-chu-tich-hdqt-vns-chuyen-nhuong-nha-se-thu-hoi-3430677/