Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã đến nơi an nghỉ cuối cùng

Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã đến nơi an nghỉ cuối cùng, cạnh các đồng đội là nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thượng tướng Trần Văn Trà...

17h30: Ông Lê Mạnh Hà, con trai Đại tướng Lê Đức Anh thay mặt gia quyến cảm ơn những người đến tiễn đưa cha mình về an nghỉ với đồng đội tại Nghĩa trang TP HCM.

Bên ngoài, trong tiếng mõ cầu kinh, dòng người tiếp tục xếp hàng chờ thắp nén nhang tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Lễ an táng kết thúc.

Để tỏ lòng tiếc thương Đại tướng Lê Đức Anh, Ban tổ chức lễ tang đề nghị các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia quyến và nhân dân dành một phút mặc niệm trước linh cữu.

17h: Ông Lê Mạnh Hà cùng các thành viên trong gia đình thắp hương trước phần mộ Đại tướng. Tiếp theo là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và gia quyến thả những bông hoa đầu tiên xuống huyệt mộ, nơi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh yên nghỉ.

Những người thân trong gia đình Đại tướng Lê Đức Anh

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc Hội tại lễ an táng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Có mặt tại lễ an táng còn có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo trung ương và TP.HCM.

16h50: Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Tổ chức lễ tang, tuyên bố lễ an táng bắt đầu, Nghĩa trang TP.HCM là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Lê Đức Anh.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban tổ chức lễ tang, nói: "Sáng nay, lễ truy điệu đồng chí nguyên Chủ tịch nước đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội. Giờ, chúng ta có mặt ở đây để thực hiện nghi thức an táng. Nghĩa trang TP HCM là nơi yên nghỉ cuối cùng của đồng chí Lê Đức Anh. Nghi thức an táng xin được phép bắt đầu".

Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về đến Nghĩa trang TP HCM (quận Thủ Đức), nơi thực hiện nghi thức an táng. Ảnh: VNE

16h30: Linh xa đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tiến vào Nghĩa trang TP.HCM. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các lãnh đạo ra đón trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ.

Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về đến Nghĩa trang TP HCM (quận Thủ Đức), nơi thực hiện nghi thức an táng. Ảnh: VNE

16h15: Tại nghĩa trang TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo TP HCM đã có mặt chuẩn bị đón linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh.

Thủ tướng và mọi người thắp hương cho cựu lãnh đạo Nhà nước, thành phố, yên nghỉ tại đây.

16h: Đoàn xe tiến về nghĩa trang TPHCM, chuẩn bị an táng nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh.

Xe chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua cổng Quân khu 7. Ảnh: VNE

Ảnh: Nguyễn Khoát

15h50: Đoàn xe rời sân bay Tân Sơn Nhất, đưa linh cữu Đại tướng về tới nhà riêng trên đường Pasteur. Đoàn dừng lại trước cổng nhà Đại tướng Lê Đức Anh. Người dân hai bên đường tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước.

Đ

Đoàn xe dừng trước nhà Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Nguyễn Khoát

Ảnh: Nguyễn Khoát

15h10: Người dân không ngại mưa giông đứng 2 bên đường để đợi tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh. Nhiều người mang theo di ảnh để tượng niệm ông. Được biết, lúc này máy bay chở thi hài Đại tướng Lê Đức Anh đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đã tới sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Nguyễn Khoát

Tại góc đường Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ, người dân cầm di ảnh đứng tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Nguyễn Khoát

Phần mộ để an táng Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Nguyễn Khoát

14h40: Dù trời mưa khá nặng hạt nhưng đông đảo người dân vẫn tới khu nhà riêng của nguyên Chủ tịch nước để tiễn biệt ông. Người dân đứng nghiêm trang tỏ lòng thành kính tới Đại tướng Lê Đức Anh.

Nghĩa trang TPHCM, nơi an táng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: Nguyễn Khoát

Ảnh: Nguyễn Khoát

14h20: Tại TPHCM, an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được thắt chặt. Công tác chuẩn bị để đón thi hài nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh đã được hoàn tất. Dự kiến, lúc 15h, thi hài của nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Trời Sài Gòn lúc này hiện có mưa nhỏ.

Linh xa đón thi hài Đại tướng Lê Đức Anh tại TPHCM. Ảnh: Nguyễn Khoát

An ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất được thắt chặt. Ảnh: Nguyễn Khoát

Cơn mưa tại khu nhà riêng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Ảnh: Nguyễn Khoát

Sau lễ viếng và truy điệu cử hành lúc 7h sáng nay, linh cữu nguyên Chủ tịch nước di chuyển và dừng trước nhà số 5A Hoàng Diệu - nơi nguyên Chủ tịch nước sinh sống trong những năm tháng cuối đời. Sau đó, đoàn xe di chuyển qua lăng Bác và ra sân bay Nội Bài.

Tại TP.HCM, linh cữu đi qua Quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur rồi đến nghĩa trang TP.HCM.

Sáng nay, lễ viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh diễn ra đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại lễ viếng, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng các ban, bộ, ngành, đoàn thể TƯ, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, các lực lượng vũ trang, các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban tổ chức lễ tang cho biết sáng nay đã có hơn 1.000 đoàn vào viếng cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hội trường Thống Nhất TP.HCM và Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều lãnh đạo các nước cũng đã gửi điện chia buồn.

Trong hai ngày Quốc tang (3,4/5), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng.

Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới Phía Bắc.

Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.

Tháng 2/1987, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.

Nhóm phóng viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/le-an-tang-dua-nguyen-chu-tich-nuoc-dai-tuong-le-duc-anh-ve-dat-me-2019050313364843.htm