Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Một vị tướng tài ba và giản dị

Dọc sông Truồi trong xanh, sáng 24-4, chúng tôi về làng Bàn Môn thuộc X.Lộc An, H.Phú Lộc, TT-Huế- quê hương của Nguyên Chủ tịch nước-Đại tướng Lê Đức Anh. Con đường liên thôn dẫn về quê hương Đại tướng đang được người dân khẩn trương sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh và trong khuôn viên Nhà văn hóa thư viện mang tên Đại tướng Lê Đức Anh- nơi dự kiến tổ chức lễ viếng cũng đang được gấp rút sửa sang, dọn dẹp.

Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng-Đại tướng Lê Đức Anh (trái) và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng-Đại tướng Lê Đức Anh (trái) và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một trong 8 vị tướng chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh

Hồi nhỏ, cậu bé Lê Đức Anh được ba mẹ đặt là Lê Văn Giác. Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G nên phải ngồi phía sau. Vì vậy, thầy giáo nói ba mẹ ông đổi tên sang vần A để được ngồi lên phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Cái tên Lê Đức Anh có từ hồi đó. Trải qua tuổi thơ và những ngày đi học trong cảnh nghèo khó, cậu học trò Lê Đức Anh đã sớm đồng cảm với những người bị áp bức và tham gia hoạt động cách mạng từ thời trẻ. Từ làng quê xứ Truồi, lịch sử đã đưa ông tới và gắn bó với vùng đất Nam bộ suốt mấy chục năm gian lao và anh dũng...Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm 8 người, trong đó có ông Lê Đức Anh. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Lê Đức Anh (được thăng vượt cấp từ Đại tá cuối năm 1974) là Phó Tư lệnh Quân giải phóng, Phó Tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh Binh đoàn 232. Đây là cánh quân đã khóa chặt hướng Tây và Tây nam Sài Gòn. Ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Quân và dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giải phóng địa bàn bằng lực lượng tại chỗ, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...

Đánh giá về đồng chí Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: "Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam-Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh".

Nhà văn hóa thư viện Đại tướng Lê Đức Anh- Nguyên Chủ tịch nước dự kiến sẽ là nơi tổ chức lễ viếng.

Bùi ngùi Bàn Môn

Ông Nguyễn Bùi-Bí thư Đảng ủy X.Lộc An (H.Phú Lộc) cho biết, ngay trong đêm 22-4, sau khi nhận được tin Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần, chính quyền địa phương và người dân đã nhanh chóng triển khai công tác dọn dẹp nhà thờ Đại tướng ở làng Bàn Môn, xã Lộc An. Theo ông Bùi, Khu nhà thờ Đại tướng Lê Đức Anh được xây dựng năm 2011 và hoàn thành vào tháng 4-2012 với tên gọi chính thức là "Nhà văn hóa thư viện Đại tướng Lê Đức Anh- Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam". Sở dĩ có cái tên như vậy vì lúc sinh thời Đại tướng không muốn xây dựng khu tưởng niệm mà chỉ mong muốn có một khu để trẻ em trong xã đến vui chơi đọc sách. Nơi đây được xây dựng trên diện tích khoảng 4.000 m2 gồm các hạng mục như nhà lưu niệm, sân vườn, thư viện. Cạnh nhà văn hóa thư viện là khu nhà thờ dòng họ của Đại tướng, hiện có gia đình anh Lê Hữu Đức gọi Đại tướng bằng ông nội chú sinh sống và chăm lo hương khói. Ngày 24-4, từ con đường bê tông liên thôn dẫn vào Nhà văn hóa thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, hàng chục người dân đang tất bật sửa chữa để chuẩn bị cho lễ viếng. Với những việc làm này cũng đã thấy được tấm lòng quý mến của người dân quê hương đối với Đại tướng. Bên trong khuôn viên Nhà văn hóa thư viện Đại tướng, người thân và chính quyền địa phương đang dọn dẹp, sửa sang lại một số chỗ. Theo thông tin từ anh Lê Hữu Đức, tại Nhà văn hóa thư viện sẽ tổ chức lễ viếng vì có những người muốn đi viếng nhưng không thể ra Hà Nội được.

Trong hồi tưởng của những người dân Bàn Môn về Nguyên Chủ tịch nước-Đại tướng Lê Đức Anh thì ông là người giản dị, liêm khiết, gần gũi với nhân dân, dạt dào tình cảm với quê hương. Hỏi thăm nhiều người về thông tin Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, họ đều tỏ ra bùi ngùi, tiếc nhớ đến ông- người con ưu tú vùng đất xứ Truồi. Nhớ lại những lần Đại tướng Lê Đức Anh về thăm quê, ông Lê Trung Thành (50 tuổi), người trông coi nhà văn hóa, cũng là người gọi Đại tướng Lê Đức Anh bằng chú kể: "Mỗi lần về quê, ông thường thích ăn những món ăn đơn sơ ở quê hương. Đặc biệt một thứ không thể thiếu được là chè Truồi. Mọi người ở đây ai cũng biết đến ông với đức tính giản dị, liêm khiết. Con cháu trong thôn lấy ông là tấm gương sáng để học hỏi". Theo ông Thành, đã nhiều năm rồi, vì lý do sức khỏe nên Đại tướng không thể về thăm quê. Nhưng nhiều người thân ở quê mỗi lần ra Hà Nội thường hay ghé thăm ông. "Vừa rồi ra Hà Nội, tôi có đến thăm ông. Ông không còn nói được nhưng qua ánh mắt, nụ cười tôi cảm nhận được ông vui mừng vì có người ở quê đến thăm. Tôi nói với chú gắng giữ gìn sức khỏe để cuối năm về thăm con cháu. Nghe tôi nói vậy, ông gật đầu. Nhưng không ngờ ông không thể về thăm quê thêm một lần nữa"-ông Thành kể..

Ở cạnh Nhà văn hóa thư viện Đại tướng Lê Đức Anh nên khi hay tin Đại tướng qua đời, vợ chồng ông Trần Đình Hàng (85 tuổi) và bà Hồ Thị Tám (81 tuổi) vô cùng xúc động, tiếc thương. "Từ ngày đất nước giải phóng đến nay, Đại tướng nhiều lần về thăm quê hương và bà con làng xóm. Còn nhớ năm 2012, khi Đại tướng Lê Đức Anh và gia đình về quê dự lễ khánh thành Nhà văn hóa thư viện được xây dựng tại đây, tôi may mắn có dịp trò chuyện với Đại tướng. Ông gần gũi, thăm hỏi cuộc sống, công việc làm ăn của bà con. Điều này khiến tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi..."- ông Hàng nhớ lại.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_205381_nguyen-chu-tich-nuoc-le-duc-anh-mot-vi-tuong-tai-.aspx