Nguyện chung sức chung lòng xoa dịu nỗi đau tâm linh lịch sử

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), nhất là năm nay nghe công bố còn hơn 5.000 hồ sơ tồn đọng về thương binh, liệt sĩ; hơn 200 nghìn mộ liệt sĩ chưa được quy tập; khoảng 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính,… trong lòng những người cao tuổi chúng tôi càng dấy lên nỗi niềm day dứt về thực trạng tồn đọng chính sách đối với người có công.

Nhiều đồng đội chúng tôi trước khi qua đời đã trăn trối, coi đây là nỗi đau tâm linh lịch sử kéo dài hơn nửa thế kỷ nay, có tâm nguyện thiết tha được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị chung sức chung lòng, tìm mọi biện pháp giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Vì, nếu không giải quyết được thì hệ quả không chỉ là Đảng ta, Nhà nước ta chưa thực hiện trọn vẹn đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Mà điều quan trọng hơn là làm sao để thế hệ trẻ hôm nay thật sự tự hào về sự hy sinh oanh liệt của cha ông họ, từ đó mà có lòng tin để vững vàng tiếp bước trên con đường cách mạng mà cha ông đã đi. Còn đặc biệt hơn là, để họ không bị mất đi lòng tin vào Đảng, vào chế độ, để họ rèn đúc tinh thần sẵn sàng xả thân như tấm gương cha ông họ, phòng khi Tổ quốc lâm nguy.

Tất thảy mọi người Việt Nam yêu nước, từ tận đáy lòng đều nhận thấy rõ, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt và nhiều cán bộ cơ quan chức năng đã cố gắng hết mình, nên công tác giải quyết chính sách đã đạt được những kết quả đáng kể.

Tuy nhiên, thực trạng đau lòng vẫn càng thêm day dứt, bởi thời gian trôi thêm một ngày, cũng đồng thời mất thêm một khả năng giải quyết.

Nguyên nhân của tồn đọng thì nhiều, nhưng theo những người trong cuộc chúng tôi thì rất tâm tư về công tác chính sách đối với các thế hệ cha ông, tức là làm những vấn đề thuộc về lịch sử, trong khi đó, có một số cán bộ tham mưu, cơ quan chức năng lại lãng quên lịch sử. Từ đó dẫn đến vô cảm với những nỗi đau lịch sử, thậm chí đem áp đặt biện pháp, cơ chế xin - cho, ban ơn, cửa quyền vào công tác chính sách. Đặc biệt như, còn một số trường hợp thanh niên xung phong hy sinh rất anh dũng, nhưng vì “vướng” quy định hiện hành, nên đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ, thậm chí không được đưa hài cốt vào nghĩa trang liệt sĩ, đang có nguy cơ hài cốt những đồng chí này sẽ vĩnh viễn không còn tồn tại.

Chúng ta đều biết, sự nhiêu khê trong các thủ tục hành chính là một nguyên nhân làm trì trệ sự phát triển bền vững của xã hội. Việc máy móc rào cản về thủ tục hành chính trong giải quyết chính sách người có công sẽ không khỏi tác động, làm băng hoại đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa và làm méo mó chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi cho đây cũng là một nguy cơ dẫn đến căn bệnh suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa cần phải cảnh giác cao.

Từ thực trạng bức xúc nêu trên, những cựu thanh niên xung phong cao tuổi chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định một số giải pháp đặc cách, mang tính đột phá theo tinh thần chỉ đạo rất tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa qua.

Trong đó, ý kiến đồng chí Trương Tấn Sang, khi đương nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã nhiều lần trăn trở: “Cán bộ làm chính sách phải có tâm, có đức, phải thấm nhuần sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, phải đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử để thấu đau những nỗi đau của các thế hệ người có công, thì mới giải quyết được tồn đọng…”.

Và, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi còn làm Chủ tịch Quốc hội: “Đối với những trường hợp tồn đọng chính sách do vướng các quy định hiện hành, thì cơ quan chức năng phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi cho đúng với giai đoạn lịch sử đã diễn ra. Trường hợp chưa sửa kịp, thì báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định giải pháp đặc cách có lý, có tình để giải quyết, chứ không được để kéo dài mãi nỗi bức xúc đối với người có công”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/33548602-nguyen-chung-suc-chung-long-xoa-diu-noi-dau-tam-linh-lich-su.html