Nguyễn Đình: Những dấu chân lặng lẽ

Giữa những tháng ngày xôn xao với không ít phát ngôn, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm một điều: đừng bao giờ coi thường những người lặng lẽ, vì bên cạnh ta luôn có những con người đang sống và làm việc như một ngọn núi lửa, âm ỉ nhưng rất mạnh mẽ. Nguyễn Đình là một kiểu người như vậy.

Tính cách điềm đạm, ít nói, vẻ ngoài bụi bặm, lại từng thi đấu ở nhiều giải vô địch võ cổ truyền và quyền Anh, Đình khiến không ít đồng nghiệp bất ngờ khi nhập cuộc rất nhanh trong vai trò phóng viên văn hóa, giáo dục của báo Sinh viên Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Lúc đó, anh đã có sở thích hoài cổ, khoái lang thang chợ đồ cổ Lê Công Kiều, thích sưu tầm gốm sứ xưa, ưa thú uống trà tiêu dao khề khà cùng những người bạn vong niên lớn hơn anh vài thế hệ, trong đó có nhà nghiên cứu Lý Lược Tam - một trong những cầu nối quan trọng để anh hiểu sâu về đời sống văn hóa của Chợ Lớn... Sau gần hai mươi năm làm báo, đã đặt chân đến hàng chục quốc gia và tiếp xúc với cả nghìn người, anh vẫn tự nhận mình không quá quảng giao, có khá ít bạn thân và... không dùng facebook.

Trong thời gian làm việc ở báo Sài Gòn Tiếp Thị (bộ cũ), Nguyễn Đình tung hoành ngang dọc với những đề tài mang tính khám phá, phiêu lưu mạo hiểm, không chỉ trong lĩnh vực báo viết mà cả truyền hình. Với vốn tiếng Anh chuyên ngữ ở trường đại học, tiếng Hoa sành sõi, am hiểu văn hóa và không ngại thử thách, chàng phóng viên tuổi Ngọ rong ruổi nhiều không kém các hướng dẫn viên du lịch, kiêm đủ trong các vai trò: viết bài, chụp ảnh, viết kịch bản, quay phim và không ít lần làm cả người dẫn chương trình, góp phần tạo nên nhiều thước phim có giá trị như Ký sự Tân Đảo - đi tìm dấu tích người Chân Đăng ở các hòn đảo ngoài Thái Bình Dương (New Caledonia, Vanuatu) - HTV7, hay Ký sự nơi tận cùng thế giới, hành trình 28 ngày đi tìm các bộ tộc Dani, Lani, Yali, Korowai, Citak Mitak có đời sống hoang dã như người tiền sử, trú ẩn dưới tán rừng già và đầm lầy trên đảo Irian Jaya ở Indonesia - vùng rừng rậm thứ hai thế giới chỉ sau Amazone (Đài truyền hình Đồng Tháp 2016)...

Là một người viết dấn thân và cầu toàn, anh thích khai thác những đề tài mang tính xâu chuỗi, tốn thời gian, thể lực và cả tiền túi. Khi đeo bám một đề tài nào đó thì anh rất “lì lợm”, không quan tâm đến ý kiến của bất cứ ai, chỉ lặng lẽ tìm kiếm, cặm cụi tới lui, chụp ảnh, phỏng vấn và viết. Nhờ vậy mà nguồn tư liệu anh thu thập được trong suốt những năm qua như các lớp trầm tích, ngày càng dày và dày hơn.

Nguyễn Đình (phải) và họa sư Trương Lộ tại thư trai nhân dịp cho chữ đầu năm

Chứng kiến quá trình làm việc của anh từ những ngày đầu anh bước chân vào nghề báo, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại thúc giục Đình bóc giở những lớp tư liệu mà anh đã tích lũy được để sắp xếp và hệ thống lại thành sách. Đôi lúc, anh cũng thú nhận rằng mình bị “mắc kẹt” khi dung lượng của những bài báo hay ký sự truyền hình không cho phép anh diễn tả hết những điều ghi nhận được. Nhưng khi cảm thấy chưa đủ thời gian, chưa đủ thông tin cho đề tài đó, anh vẫn để dành, nhẫn nại trở lại và trở lại lần nữa, dù chỉ để chụp thêm một bức ảnh, gặp thêm một nhân vật, chứ không chịu “ăn lúa non” chỉ để có tác phẩm.

Với đề tài Chợ Lớn cũng vậy.

Không ít người dù sống ở Sài Gòn lâu năm, nhưng chưa từng vô Chợ Lớn. Và cũng không ít người dù đã vô Chợ Lớn nhiều lần vẫn không dám nhận là mình biết Chợ Lớn. Thực ra, dù mỗi ngày đều đi qua những con đường ở vùng Chợ Lớn, cũng khó có thể nói là biết Chợ Lớn. Dù mỗi tuần đều đi ăn ở vài quán hàng hay gặp gỡ bạn bè ở khu người Hoa, cũng khó có thể nói là biết Chợ Lớn. Những người càng hiểu Chợ Lớn thì càng ít dám khẳng định là mình biết Chợ Lớn!

Trong thời đại mà chỉ cần dăm chuyến du lịch, vài tháng sinh sống, người ta đã có thể viết cả cuốn sách về một quốc gia nào đó, thì Nguyễn Đình phải mất gần hai mươi năm, kể từ ngày viết bài báo đầu tiên về thú uống trà của người Hoa khi đang là sinh viên, mới hoàn thành cuốn sách Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn.

Anh đến với Chợ Lớn ban đầu vì thích một nền văn hóa, sau đó là thấy gần gũi thân thuộc. Hai mươi năm tiếp cận khu vực đô thị có thể nói là chưa bao giờ hết bí ẩn này, Đình bắt đầu từ việc lê la ở các tiệm trà, hàng quán, tiệm thuốc bắc, tán gẫu bằng tiếng phổ thông với đủ loại người để luyện tiếng Hoa. Càng tìm hiểu, anh càng nhận ra rằng hầu hết các đề tài về Chợ Lớn đều không thể thực hiện trong thời gian ngắn, mà cần đeo đuổi bền bỉ, mỗi ngày góp nhặt một chút tư liệu, hình ảnh mới có được cái nhìn tương đối thấu suốt và am tường.

Để viết về thư pháp, anh đã đeo bám nhiều cái tết bởi phong tục cho chữ đầu năm của các thư gia chỉ diễn ra một ngày vào đầu năm mới. Để viết về thú sưu tầm gốm sứ cổ trong cộng đồng này, anh đã gặp gỡ giới chơi cổ ngoạn cũng như các nhà nghiên cứu, cùng xem triển lãm, cùng sưu tầm, cùng lui tới trầm trồ ngắm nghía những món cổ vật... nhiều năm liền. Cũng những công phu đó, khi viết về thú vui uống trà, chơi trà cụ của người Hoa, có thể nói anh hoàn toàn là người trong cuộc.

Nhờ nhiều lần trở lại, anh mới tường tận sự xuống cấp của những di tích vùng Chợ Lớn, tình trạng xâm hại kiến trúc cổ, trộm cắp hiện vật ở hội quán, đền miếu... Có những bức tượng gốm Cây Mai tuyệt đẹp trên cổng chùa vài tháng trước còn xuất hiện oai vệ trong những bức ảnh của anh, lần sau quay lại đã không dấu tích. Anh cũng thấy được những cố gắng không ngừng của cộng đồng người Hoa Chợ Lớn trong việc giữ gìn nguyên vẹn các đền miếu, hội quán, chùa, nhà thờ... những kiến trúc tiêu biểu mang sắc thái Chợ Lớn xưa, cũng là điểm ngoạn cảnh của du khách trong, ngoài nước.

Lớp học thư pháp mỗi dịp cuối tuần của họa sư Trương Lộ tại Hội quán Tuệ Thành

Những khung cảnh đời thường gắn bó với lối sống bình dị của người Hoa ở khu “Saigon Chinatown” này chưa bao giờ ngừng thu hút anh trong suốt những năm la cà tìm ăn món cháo Tiều, uống cà phê ăn bánh bao ở tiệm nước, lắng nghe tiếng rao người đàn ông Quảng bán món “khổ qua cà ớt”, lang thang ở Quảng Đông Nhai (Triệu Quang Phục) tìm hiểu nghề mài kéo, bốc thuốc, vào phố Phan Xích Long khám phá thế giới đồ tiềm, theo chân những đoàn lân sư rồng cả khi họ trình diễn, tập luyện hay nghỉ ngơi... Đó là những lát cắt thú vị về cuộc sống của bao thế hệ người Hoa từ xa xưa, khi quảy gánh tha hương sang định cư trên vùng đất này. Họ mải mê làm ăn và cũng chịu nhiều khó khăn, bất công, cực nhọc trong một xã hội đầy biến động như ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Kể cả với quá trình tích lũy tư liệu dày dặn và sự am hiểu sâu sắc như vậy, Nguyễn Đình vẫn không có tham vọng thực hiện một tác phẩm mang tính tổng quát, mà chỉ giới thiệu năm đề mục, cũng là những nội dung quan trọng, đặc sắc nhất trong đời sống văn hóa Chợ Lớn: Lễ hội, Thư họa, Nghệ thuật lân sư rồng, Kiến trúc, Đời thường (chủ yếu là ẩm thực). Anh cũng chọn một góc nhìn khách quan, tiết chế cảm xúc, sẵn sàng lùi lại thay vì thể hiện cái tôi, và chính nhờ vậy mà lượng hình ảnh và thông tin dồi dào đã tự mình phô bày vẻ quyến rũ của Chợ Lớn một cách rực rỡ, chân thật và sống động đến choáng ngợp.

Một người có máu giang hồ, thích đấm bốc, ưa phiêu lưu như Nguyễn Đình vốn không dễ mủi lòng, nhưng sau khi gấp lại trang sách cuối cùng, chúng ta vẫn cảm nhận được niềm tiếc nuối kín đáo của tác giả trước một không gian văn hóa lâu đời, độc đáo ở Sài Gòn đang phôi pha trong cơn lốc làm ăn, khi quyền lực và sự hám lợi bất chấp mọi điều đang thắng thế. Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn được trình bày đẹp như sách ảnh, nhưng hãy thưởng thức nó như một tập ký sự, để nhận ra sự trân trọng cũng như đóng góp không nhỏ của tác giả trong việc lưu giữ những vốn quý của một vùng văn hóa quan trọng và có chiều sâu cho mảnh đất phương Nam này.

Phạm Công Luận - Ảnh: NVCC

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguyen-dinh-nhung-dau-chan-lang-le-13980.html