Nguyễn Đình Xô, anh hùng đất Kinh Bắc

Cuối tháng 4-2018, gia đình, người thân, đồng đội và các cấp chính quyền, tổ chức chính trị xã hội cùng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đón nhận tin vui khi Chủ tịch nước quyết định truy tặng liệt sĩ Nguyễn Đình Xô danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Một lần nữa, gương đấu tranh, kiên cường của Nguyễn Đình Xô, người con quê Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh được đồng đội, nhân dân tôn vinh và tự hào.

Người khuất phục đòn roi

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Tăng hiện cư trú tại thôn Nội Viên, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cùng nhập ngũ vào đơn vị và cũng bị bắt, bị giam tại Nhà tù Phú Quốc kể: Tháng 8-1966, trong một trận chiến đấu tại Đức Vinh-Gia Lai, Nguyễn Đình Xô bị thương gãy cánh tay phải và ngất, rồi bị địch bắt. Sau nhiều ngày bị tra tấn dã man mà không khai thác được thông tin cần thiết, địch chuyển Nguyễn Đình Xô đến Nhà tù Vùng III chiến thuật, rồi Nhà tù Biên Hòa. Đến tháng 10-1967 địch đưa anh Xô ra Nhà tù Phú Quốc, giam ở trại A3, sau chuyển qua trại phân khu B5.

 Ông Hoàng Huy Tập (áo xanh) và anh Võ Quang Bắc (áo trắng) cháu của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô thăm Nhà tù Phú Quốc năm 2016.

Ông Hoàng Huy Tập (áo xanh) và anh Võ Quang Bắc (áo trắng) cháu của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô thăm Nhà tù Phú Quốc năm 2016.

Ông Vũ Văn Kim, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đầy tỉnh Bắc Ninh kể lại: Tại Phú Quốc, Nguyễn Đình Xô được tổ chức bí mật bầu làm Bí thư chi đoàn và anh tiếp tục vận động đấu tranh với địch. Ngày 7-3-1969, bọn cai tù tạo cớ, bắt Nguyễn Đình Xô cùng hai người khác đưa ra phòng điều hành khu A3 đánh đập. Chúng buộc các anh phải khai ra tổ chức bí mật, người cầm đầu cuộc đấu tranh.

Chúng xiềng tù nhân, lột quần áo, dùng cật nứa phật mạnh vào hạ bộ. Sau cái búng đầu tiên, mặt Xô biến sắc, da tái nhợt. Đến cái thứ hai, Xô há hốc mồm, cái thứ 3 thì anh ngất xỉu, người mềm nhũn lăn ra nền nhà. Chúng dùng mũ sắt múc nước lạnh đổ vào người. Đợi Xô tỉnh, chúng lại tra hỏi, lại búng, lại phật… Thấy nước đổ lênh láng tràn cả ra bên ngoài, đoán là các anh bị tra tấn dã man nên anh em trong trại A3, cách phòng điều hành chừng 20-25m đổ cả ra sân hô phản đối và đòi chấm dứt ngay hành động đánh đập tù nhân vô cớ. Khiêng về phòng giam, cả ba người bị tra tấn đều ướt sũng nước, tóc tai rũ rượi, mặt tái nhợt. Ít ngày sau đó, có phái đoàn Hồng Thập Tự ra đảo, Nguyễn Đình Xô đã thẳng thắn tố cáo hành động tra tấn dã man của bọn cai ngục. Cả phái đoàn sửng sốt, căm phẫn. Họ hứa sẽ can thiệp và lên án ngay.

Ngày 12-4-1969, khoảng 9 giờ sáng, thấy bọn cai ngục, phòng nhì triệu hồi 12 tù nhân, trong đó có Nguyễn Đình Xô thì ông Kim vội đi tìm Xô để dặn dò. Gặp ông, Xô cười và nghiêm giọng: "Tôi đi lần này là đi hẳn. Cũng không hy vọng về trại nào khác đâu. Về phần tổ chức, tôi đã trao đổi với đồng chí Hùng, đồng chí ấy hiện là phó bí thư chi đoàn, từ nay sẽ là bí thư thay tôi. Anh biết vậy để có sự liên hệ trao đổi”. Anh Xô trao cho ông Kim chiếc áo tù tạm gọi là lành lặn có chữ TP ở sau lưng như kỷ vật cuối cùng và dặn: “Nếu còn sống sót trở về thì nhắn giùm quê hương Lạc Vệ-Tiên Sơn và gia đình rằng: Nguyễn Đình Xô này quyết giữ trọn lời hứa trước lúc lên đường chiến đấu...”.

Ông Nguyễn Văn Thuận, là một trong 12 tù nhân bị tra tấn với đồng chí Xô ngày đó kể lại trong tham luận trình bày tại hội thảo về gương đấu tranh, hy sinh của Nguyễn Đình Xô do UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Hội CCB, Hội Chiến sĩ cách mạng bị bắt, tù đầy tỉnh Bắc Ninh tổ chức năm 2016: "Tất cả chúng tôi bị chúng đánh đập vô cùng tàn bạo. Tên Thiếu úy Đỗ Văn Long, giám thị khét tiếng Trại giam Phân khu 5 Nhà tù Phú Quốc đã trực tiếp tra tấn Nguyễn Đình Xô. Chúng còng chân, tay Xô vào chân bàn và thành ghế. Tiếp đó, chúng đóng đinh dài 2 đến 3cm vào các đầu ngón tay của Xô. Chiếc thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư… cứ mỗi lần đóng đinh vào một ngón tay chúng lại hỏi: "Có phải mày là lãnh đạo Đảng Cộng sản trong nhà tù không?". Nguyễn Đình Xô cắn răng chịu đựng và chỉ trả lời một từ “không”.

Trước thái độ kiên quyết của Nguyễn Đình Xô, tên Long vô cùng tức tối, hắn mở khóa còng tay rồi đưa chiếc kìm bắt anh tự rút từng chiếc đinh ghim trên các đầu ngón tay. Không do dự, Nguyễn Đình Xô thản nhiên cầm kìm rút từng chiếc đinh ra khỏi đầu ngón tay, khiến máu chảy ra lênh láng. Tên Long túm tóc, dúi đầu Nguyễn Đình Xô vào vũng máu và cười khẩy: “Cho mày ăn tiết canh”. Nguyễn Đình Xô lặng lẽ cúi xuống rồi bất ngờ ngẩng mặt, phun cả máu và nước bọt vào mặt hắn. Tên Long tức tối dùng đinh 8cm đóng vào mắt cá chân khiến anh Xô giãy giụa và bị ngất. Sau đó, chúng bỏ anh vào chiếc bao bố buộc túm lại, chúng đun nước sôi, múc từng gáo giội lên cơ thể anh. Nguyễn Đình Xô quằn quại đau đớn. Anh lấy hết sức bình sinh chửi tên Long và bọn cai ngục: “Chúng mày là quân sát nhân, quân chó săn bán nước…”. Mỗi gáo nước giội lên cơ thể anh chúng lại hỏi nhưng không thu được gì. Khi chúng giội đến xoong nước thứ ba lên đầu thì cũng là lúc người thanh niên quê hương Kinh Bắc 24 tuổi Nguyễn Đình Xô trút hơi thở cuối cùng.

Anh hùng của đồng đội

Mới đây, trong trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Hoàng Huy Tập, nguyên là Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh và hiện là Phó chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đầy tỉnh Bắc Ninh rưng rưng cảm xúc khi biết tin, liệt sĩ Nguyễn Đình Xô được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ông tự hào nói rằng: “Tôi và các cựu chiến binh (CCB) từng bị giam cầm ở Nhà tù Phú Quốc đều coi liệt sĩ Nguyễn Đình Xô là anh hùng từ lâu. Tấm gương đấu tranh, sẵn sàng hy sinh của anh ấy là biểu tượng sáng ngời của người Kinh Bắc, một chiến sĩ cộng sản bất khuất, kiên trung và sẽ còn sống mãi với thời gian”.

Ông tâm sự, năm 2016, vào sau dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27-7), ông đã cùng Thượng tá Võ Quang Bắc, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trường Sĩ quan Công binh, là cháu của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô đến Phú Quốc để tìm hài cốt, theo sơ đồ mộ chí do một người bạn cung cấp. Sau 47 năm kể từ khi an táng vội vã năm 1969, phần mộ của liệt sĩ Xô tại Nghĩa trang Nắm Đấm thuộc huyện đảo Phú Quốc và rất nhiều đồng đội khác hy sinh thời đó đã được quy tập về một nơi khác.

Ông Tập tư lự, tuy không tìm thấy phần mộ và hài cốt, nhưng ông và anh Bắc rất tự hào khi được nhân viên thuyết minh của khu di tích kể về gương anh dũng đấu tranh với bọn cai ngục của đồng chí Xô. Chị Trần Thị Ngọc Giàu, Phó giám đốc Khu di tích Nhà tù Phú Quốc nói với ông rằng, sau thuyết trình về hành động dũng cảm của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, chị chứng kiến rất nhiều khách tham quan đã khóc. Họ thổ lộ với chị rằng, hành động đấu tranh của tù binh và nhất là tấm gương hy sinh của Nguyễn Đình Xô giúp họ hiểu, thấm thía hơn rất nhiều về giá trị của độc lập, tự do và hòa bình hôm nay.

Đã gần 50 năm trôi qua, hành động đấu tranh với cai ngục Nhà tù Phú Quốc của Nguyễn Đình Xô vẫn còn mãi và in đậm trong trí nhớ đồng đội. Anh ngã vào lòng đất mẹ với khí phách hiên ngang, bất khuất. Ghi nhớ công lao của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Thêm một lần nữa, Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội các cấp cùng nhân dân tỉnh Bắc Ninh tự hào vì người anh hùng ấy.

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nguyen-dinh-xo-anh-hung-dat-kinh-bac-544584