Nguyên đơn thắng kiện

Anh Biền và chị Hường là công nhân của một công ty sản xuất thực phẩm. Sau một thời gian làm việc chung, hai người nảy sinh tình cảm và dọn về ở cùng một nhà trọ, tự nguyện chung sống như vợ chồng.

Trong thời gian này, họ đã có với nhau một bé trai. Những tưởng đó là sợi dây gắn kết, thế nhưng ngược lại, từ đây nhiều mâu thuẫn phát sinh. Do khó khăn trong cuộc sống, áp lực công việc khiến cả hai thường xuyên mâu thuẫn, cãi lộn, cuối cùng anh Biền và chị Hường chia tay nhau.

Suốt mấy năm liền chị Hường một mình nuôi con. Thi thoảng anh Biền có ghé thăm con nhưng không hỗ trợ gì. Bỗng nhiên một ngày, anh Biền đến trường đón con rồi đưa về quê và nhắn tin cho chị Hường là mình sẽ nuôi con. Anh Biền không có việc làm ổn định, nay đây mai đó. Khi đưa con trai về quê, anh để lại cho bố mẹ anh chăm sóc. Chị Hường tìm đến tận quê anh Biền để đón con về nuôi dưỡng nhưng bị gia đình anh Biền khước từ, thậm chí nhiều lần chị còn bị ngăn cách tình cảm mẹ con. Bức xúc trước hành động trên, chị Hường quyết định khởi kiện anh Biền ra tòa án với yêu cầu không công nhận mối quan hệ vợ chồng với anh Biền và được quyền nuôi con. Hai người không có tài sản chung nên không nảy sinh tranh chấp. Tòa đã thụ lý giải quyết vụ án này...

Sau một thời gian, tòa án tổ chức buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hòa giải để chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Hường, luật sư khẳng định, anh Biền và chị Hường tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn dù cả hai đều đủ điều kiện kết hôn. Kết hôn là quyền con người được quy định trong Hiến pháp. Nam, nữ có quyền kết hôn nhưng quyền kết hôn phải trong khuôn khổ của pháp luật, nghĩa là phải thực hiện đăng ký kết hôn. Thông qua việc đăng ký kết hôn, Nhà nước công nhận hôn nhân của đôi nam nữ đã phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng.

Tuy nhiên, anh Biền và chị Hường chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn thì không phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng. Khi hai bên có mâu thuẫn, tranh chấp, tòa giải quyết bằng cách không công nhận quan hệ vợ chồng. Điều này phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 3, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình

Xét tình hình thực tế, anh Biền không có công việc ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng nuôi con. Mặt khác, trong quá trình khởi kiện của chị Hường, tòa có gửi thông báo cho bị đơn về các biên bản làm việc nhưng anh Biền vẫn giữ im lặng, không phản đối. Việc này được xem như sự thừa nhận của anh Biền về các yêu cầu cũng như chứng cứ mà nguyên đơn đã đưa ra và cung cấp cho tòa án. Trong khi đó, con trai chị Hường có nguyện vọng được ở với mẹ. Chị Hường bảo đảm đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con nên căn cứ vào Điều 84, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, chị Hường có quyền được nuôi dưỡng con.

Phiên tòa kết thúc, chị Hường thắng kiện. Xúc động nói lời cảm ơn luật sư và hội đồng xét xử, chị Hường cũng có lời với anh Biền và bố mẹ anh rằng chị không bao giờ có ý định ngăn cản bố-con, ông bà-cháu gặp nhau, chỉ là tình cảm giữa chị và anh đã không còn...

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/nguyen-don-thang-kien-729259