Nguyễn Đức Cảnh: Người gieo hạt giống cách mạng trong công nhân

Trong suốt chặng đường vẻ vang đồng hành cùng dân tộc, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam rất vinh dự và tự hào vì đã đóng góp cho Đảng và Nhà nước nhiều đồng chí lãnh đạo ưu tú, trưởng thành từ phong trào công nhân, hoạt động công đoàn. Một trong những vị lãnh đạo tiền bối đó là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thâm nhập vào phong trào công nhân, vì chỉ có thâm nhập vào phong trào, mới gieo được hạt giống cách mạng trong công nhân.

Người sáng lập tổ chức Công hội Đỏ

Lịch sử phong trào công nhân và hoạt động tổ chức Công đoàn Việt Nam ghi nhận, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là nhà hoạt động chuyên nghiệp trong phong trào công nhân và Công hội Đỏ từ thời kỳ trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cũng là người đã sớm nhìn ra sức mạnh của giai cấp công nhân và khẳng định đây chính là lực lượng có thể thay đổi thời đại.

Tự hào về người con của quê hương, Tượng đài Nguyễn Đức Cảnh được đặt trang trọng tại Quảng trường trung tâm thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

Tự hào về người con của quê hương, Tượng đài Nguyễn Đức Cảnh được đặt trang trọng tại Quảng trường trung tâm thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình

Nhấn mạnh bản chất cách mạng của Công đoàn Việt Nam có được một phần không nhỏ là nhờ bắt nguồn từ sự khởi đầu đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã hiện thực hóa tư tưởng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Công hội - những giá trị cốt lõi đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam”.

Theo ông Trần Thanh Hải, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng nền tảng lý luận về tổ chức Công đoàn cách mạng và được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hiện thực hóa, tạo nên những giá trị cốt lõi, nhất là về quy trình hình thành tổ chức, công tác cán bộ, phương thức hoạt động. Theo đó, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là sự vận dụng sáng tạo lý luận “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.

Tổ chức Công hội mà Nguyễn Ái Quốc thiết kế là “Tổ chức Công hội phải thống nhất với hệ thống từ cơ sở, cấp tỉnh và toàn quốc”. Trên cơ sở đồng nhất về nhiệm vụ của tổ chức Công hội cách mạng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp biên soạn, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng các thành viên ưu tú của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tích cực thâm nhập phong trào công nhân, kết nạp hội viên, thành lập tổ chức Công hội.

Năm 1928, Công hội phát triển mạnh mẽ nhất, chủ yếu là ở các nhà máy, xí nghiệp. Đến cuối năm 1928 thì thành lập Công hội cấp tỉnh. Bước đi này, không chỉ xây nền móng của tổ chức mà thông qua hoạt động còn làm cho quần chúng lao động nhận thấy sứ mệnh của tổ chức Công đoàn.

Qua nghiên cứu về những giá trị tư tưởng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh để lại với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn hiện nay, tại tọa đàm khoa học "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương chia sẻ: Công nhân nhiều nơi thường hỏi, tại sao Công đoàn thành lập trước cả Đảng Cộng sản?.

Sau khi nghiên cứu cho thấy: Thứ nhất, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người đầu tiên nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào phong trào công nhân Việt Nam.

Thứ hai, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khởi động phong trào vô sản hóa, tham gia phong trào và tổ chức phong trào vô sản hóa. Đồng chí sử dụng phương pháp thích hợp để đưa Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Thứ ba, đồng chí gây dựng các tổ chức Công hội đầu tiên và tham gia sáng lập tổ chức Công hội Đỏ Bắc Kỳ.

Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, chúng ta tự hào tôn vinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giai cấp công nhân, nhân dân lao động cần tiếp tục rèn luyện, noi theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, giai cấp công nhân trong sạch, vững mạnh.

Kế tục và phát huy tư tưởng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Chia sẻ thêm về cuộc đời - tư tưởng - tình cảm của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với tổ chức Công đoàn, Tiến sĩ Nguyễn Mai Anh - Phó Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc tư tưởng của đồng chí về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Khu trưng bày tư liệu về đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Nhà tù Hỏa Lò

Mục tiêu cao cả này chính là động lực để đồng chí đấu tranh và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động nói chung và đề cao sức mạnh của giai cấp công nhân nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mai Anh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không những có công lao lớn trong việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào hoạt động của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, làm sáng tỏ hơn, phong phú hơn lý luận cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trực tiếp dẫn dắt phong trào công nhân và hoạt động của Công hội Đỏ ngay từ những ngày đầu thành lập.

Ngay từ khi gia nhập tổ chức Thanh niên, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã thấm nhuần quan điểm muốn làm cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng, và từ quan điểm giai cấp công nhân, đồng chí đã khẳng định Đảng muốn vững phải lấy giai cấp công nhân làm trọng, và Đảng có vững thì cách mạng mới thành công. Với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng phải có đường lối cách mạng đúng đắn, thực sự đoàn kết các thành phần, các giai cấp, mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mai Anh, học tập, phát huy tư tưởng cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đặc biệt đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam hiện nay phải bảo đảm 6 yếu tố: Thứ nhất, luôn coi trọng vị trí, vai trò của giai cấp công nhân. Thứ hai, tiếp tục khẳng định tính giai cấp công nhân trong Đảng.

Thứ ba, phát huy truyền thống tập hợp, đoàn kết công nhân, người lao động, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hoạt động để vận động công nhân lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động xứng đáng là tổ chức đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt chú trọng chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là trung tâm và xuyên suốt.

Thứ tư, luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho giai cấp công nhân. Thứ năm, thường xuyên quan tâm chú trọng công tác xây dựng các tổ chức Đảng trong hệ thống công đoàn trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên công nhân có đạo đức cách mạng trong sáng, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đứng vững trước những âm mưu, thủ đoạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của kẻ địch; tăng cường đoàn kết, thống nhất, góp phần xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh.

Thứ sáu, Công đoàn Việt Nam cần chủ động, tích cực, tăng cường nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp phát triển đất nước, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, xác định rõ những nhiệm vụ cần tập trung để giai cấp công nhân Việt Nam có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Ngọc Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguyen-duc-canh-nguoi-gieo-hat-giong-cach-mang-trong-cong-nhan-94136.html