Nguyễn Đức Toàn - nghệ sĩ tài hoa

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với gia đình họa sĩ tổ chức trưng bày triển lãm tranh 'Những giai điệu vẽ bằng sắc màu' và giới thiệu sách của ông tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội).

“Làng”- một tác phẩm của Nguyễn Đức Toàn.

“Làng”- một tác phẩm của Nguyễn Đức Toàn.

Triển lãm “Những giai điệu vẽ bằng sắc màu” giới thiệu 60 bức tranh của Nguyễn Đức Toàn như Chải tóc (sáng tác năm 1983); Cô gái Hà Nội (1988); Ráng chiều (1989); Làng (1990); Chim (1991)... Đây không phải là những tác phẩm xuất sắc nhất của ông nhưng sẽ giúp người xem thấy được tiến trình tiến triển trong hội họa của ông.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt: Ở nước ta có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề nghiệp thứ hai của mình là Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Bản thân Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha là cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20. Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc đã có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng Tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ. Từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn là tác giả của các ca khúc nổi tiếng như “Quê em”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, “Chiều trên bến cảng” hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn của đất nước khi đó. Ông vẽ rất nhiều, rất nhiều và vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài (vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc). Trong các họa sĩ - nhạc sĩ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất.

Vẫn theo nhà phê bình Quang Việt: Âm nhạc tạo cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn một năng lực “nghe” hình - màu mà không phải họa sĩ nào cũng có. Các bức tranh của Nguyễn Đức Toàn có lẽ cũng đã ra đời, là kết quả của một quá trình trải nghiệm trong lĩnh vực cảm xúc như thế. Nếu ông hay bắt đầu một bài hát với một câu văn thật giản dị như một câu nói thường ngày, kiểu như “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng. Ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến” thì ông cũng hay bắt đầu một bức tranh với một cấu tứ giản dị tưởng như đã quen thuộc lắm, quen tới mức sáo cũ, chẳng hạn: Những con đường làng, những gốc đa, những cái cổng; những mảng ruộng, những ngôi nhà, những đống rơm; mái chùa cổ, mặt trăng; hoặc thiếu nữ, hoa, lá, cây...

Nhạc sĩ-họa sĩ Nguyễn Đức Toàn.

Mặc dù vây, khi nhắc đến Nguyễn Đức Toàn thì đa phần mọi người lại biết đến đó là một nhạc sĩ tài hoa với giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc năm 2000. Bởi với ông từng quan niệm hội họa chính là cuộc dạo chơi, để thỏa “thú vui” nghệ thuật của mình. Lúc sinh thời, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ “Trước hết tôi vẽ không phải vì bí không làm được bài hát nữa, vả lại cùng một lúc làm nhiều nghề cũng là bình thường, có nghề tay trái, có nghề tay phải, chưa kể có hai chân nữa!”. Bởi với ông trong nghệ thuật, mỗi ngành là một sân chơi đầy lý thú và các ngành hỗ trợ cho nhau. Ông vẽ tranh với ý tưởng của họa sĩ chuyên nghiệp, với yêu cầu như một họa sĩ chính cống chứ không xuê xoa, dễ dãi, vin cớ mình là nhạc sĩ mà nhí nhố lăng nhăng vẽ bừa bãi. “Tôi vẽ không phải bởi muốn khoe mình có lắm tài, vì nhiều người đã biết tôi, vốn đã học vẽ ở Trường Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc. Chỉ có một điều tôi chưa nói ra rằng: Về nhạc tôi đã từng là dũng sĩ đánh đông dẹp bắc, làm tốt nhiệm vụ được trao, nên trong hội họa tôi không đủ sức xông pha, đành chỉ vẽ tranh hoa lá cành. Đã nhiều lần tôi thử vẽ đề tài chiến đấu và sản xuất, xây dựng đều không ổn, lại quay về cây đa, giếng nước, chùa làng. Trong hội họa lắm khi nhỏ mà có ý nghĩa về cuộc đời, về nghệ thuật lại lớn, nên tôi yên tâm nhảy múa trên mảnh đất của mình. Qua nhiều năm tôi vẽ và vẽ, tưởng như đã phụ tình với âm nhạc”- họa sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ.

Thực tế cho thấy tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn bán được khá nhiều và dư luận từng cho rằng ông vẽ tranh chạy theo thị hiếu của khách nước ngoài. Trong những năm cuối của thế kỷ 20, ông đã tổ chức triển lãm tranh ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, tất cả 10 lần. Tranh của ông bán được, cuộc sống cải thiện hơn, có tiền mua đàn, mua xe máy… Ông từng bày tỏ: “Đã nhiều lần tôi tiếp xúc với các khách mua tranh đến từ Pháp, Ý, Thụy Điển… đến Hà Nội, tôi hỏi các ông vì lẽ gì mà mua tranh tôi thì họ đều trả lời rằng vì tranh tôi vẽ rất Việt Nam. Trong nghệ thuật lắm khi chỉ cần một tiêu chí ấy, đã đủ cho mình yên tâm mà tiếp tục làm việc”.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nguyen-duc-toan-nghe-si-tai-hoa-tintuc442945