Nguyên giám đốc công viên địa chất có phải là chủ nhân thực sự của Mã Pí Lèng Panoroma?

Ông Nguyễn Lê Huy (nguyên Trưởng ban BQL Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn) đang bị đồn là 'chủ nhân thực sự' của công trình Mã Pí Lèng Panorama.

Mới đây, thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội cho biết bà Vũ Thị Ánh chỉ là "hình nhân thế mạng" vì khu nhà 7 tầng, xây kiên cố với cả ngàn mét vuông, giá thành xây dựng chắc chắn không nhỏ nên khó tin là bà Ánh có số tiền này.

Ông Huy cho biết ông vô tình có mặt trong buổi khởi công tòa Panorama

Ông Huy cho biết ông vô tình có mặt trong buổi khởi công tòa Panorama

Thông tin trên khẳng định người đứng đằng sau công trình sai phạm Mã Pí Lèng này "chính là Nguyễn Lê Huy - giám đốc Ban quản lý dự án Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn".

Trên Tuổi trẻ sáng 9/10 khi nói về cáo buộc liên quan tới mình, ông Nguyễn Lê Huy cho biết ông đã nghe thông tin và ông phủ nhận những thông tin này.

Ông Huy nói ông là cử nhân luật nên nhận thức được các quy định của luật pháp và thượng tôn pháp luật.

"Bản thân tôi là cử nhân luật, công trình của tôi được xây dựng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra khách quan, trung thực để kịp thời xử lý vụ việc", ông Huy nói.

Về hình ảnh có mặt trong buổi khởi công công trình Mã Pí Lèng Panorama, ông Huy nói: "Rất vô tình, hôm đó tôi đi mua đồ qua, họ khởi công có mời. Chỗ bạn bè mời thì mình tham dự, chứ có gì đâu. Tôi mong mọi thông tin phải trung thực. Có vậy thôi", ông Huy thông tin thêm về mình trên Helino và cho biết, hiện tại đã nghỉ hưu được 3 năm.

Ông Huy cũng cho biết thêm bà Vũ Thị Ánh là bạn học của ông từ thời thơ ấu, "bạn bè chơi với nhau từ bé". Khi bà Ánh xây dựng công trình trên đèo Mã Pí Lèng, chính ông là người đầu tiên góp ý với bà Ánh không nên xây dựng công trình với quy mô lớn bằng bê tông như vậy nhưng bà Ánh vẫn quyết tâm làm.

Phủ nhận mình là chủ nhân thật sự của công trình trên đèo Mã Pí Lèng nhưng ông Huy cho biết ông sở hữu một homestay cách nhà hàng - nhà nghỉ Mã Pí Lèng Panorama khoảng 3km về phía đỉnh đèo Mã Pí Lèng, nằm ở ngay vùng lõi của danh thắng quốc gia Mã Pí Lèng.

Ông Huy cho biết homestay của ông xây dựng trên đất ông mua từ người dân và ông chỉ dựng một ngôi nhà sàn bằng vật liệu gỗ. Ông Huy nói ông tôn trọng tất cả những người tôn trọng sự thật, còn những người không điều tra, xem xét mà chỉ quy chụp thì "kệ người ta".

Công trình sai phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng

Liên quan đến vụ việc này, sáng 9/10, trên Helino ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, lãnh đạo Sở đã họp với các sở, ban ngành liên quan để đưa ra kết luận, tham mưu tỉnh tìm hướng giải quyết đối với tổ hợp nhà hàng, khách sạn Panorama trên đèo Mã Pí Lèng.

Theo kết quả cuộc họp, đoàn liên ngành kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang hai đơn nguyên giáp đường quốc lộ, để phục vụ cho việc dừng chân, ngắm cảnh, tháo dỡ các đơn nguyên còn lại và tiến hành cải tạo đất và trồng cây xanh trên phần diện tích đã phá dỡ, hoàn thành trước 15/11.

Các Sở ban ngành tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày.

Ông Hưng thông tin thêm, công trình có kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp các mặt sàn kết cấu thép, dùng để ngắm cảnh, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.

Mặt trước công trình gồm hai đơn nguyên: Đơn nguyên một gồm tầng nổi và một tầng âm; đơn nguyên hai gồm một tầng nổi, một tầng tum, một tầng âm. Sáu cấp còn lại được xây thấp dần dọc theo sườn núi, mỗi cấp một tầng. Trong đó cấp cuối cùng, chủ đầu tư tận dụng làm kho chứa đồ, không sử dụng vào mục đích kinh doanh.

Hiện công trình đã hoàn thiện được 5 cấp, phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và đơn nguyên cấp thứ 7 đang được hoàn thiện.

Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở Xây dựng, qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226m2, diện tích sàn gần 500m2 và gần 80m2 sàn ngắm cảnh khung thép.

Các thành viên đoàn kiểm tra đã kiểm tra cụ thể vị trí xây dựng công trình trên cơ sở đối chiếu với bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Mã Pí Lèng.

Qua kiểm tra thủ tục hồ sơ liên quan, chủ đầu tư chỉ cung cấp cho đoàn công tác một bộ bản vẽ thiết kế, chưa qua thẩm định, ngoài ra, không có thêm một tài liệu nào khác. Phía chủ đầu tư báo cáo, hiện gia đình mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất xây dựng, thổ cư.

Khách sạn Mã Pí Lèng Panorama được xây dựng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, dù công trình này đã đi vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Cục Di sản Văn hóa cho biết, tuy công trình này nằm ngoài vùng bảo vệ II của danh thắng Mã Pì Lèng, nhưng theo Luật Di sản văn hóa, công trình ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường thì phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Tuy nhiên, nhà nghỉ này chưa có ý kiến của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguyen-giam-doc-cong-vien-dia-chat-co-phai-la-chu-nhan-thuc-su-cua-ma-pi-leng-panoroma-2019100914113062.htm