Nguyên lãnh đạo Ngân hàng SCB đã khai những gì?

Ngày thứ 3 của phiên tòa xét xử 86 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành phần xét hỏi. Đáng chú ý, các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tích cực giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội trong thời gian dài.

Các công ty vay trong "hệ sinh thái" của bà Trương Mỹ Lan

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) xác nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết. Theo đó, bị cáo này vào làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 7/2013. Trước đó, bị cáo làm việc tại một công ty kiểm toán quốc tế. Do điều kiện gia đình và đã làm việc ở Hà Nội 18 năm nên bị cáo muốn trở về quê hương sinh sống. Lúc đó, Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, là một trong 5 bị can đã bỏ trốn, đang bị truy nã) mời Võ Tấn Hoàng Văn về làm việc tại Ngân hàng SCB, giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Chiến lược của ngân hàng này. Biết Ngân hàng SCB là ngân hàng lớn ở phía Nam chứ chưa tìm hiểu kỹ cơ cấu, làm việc ở vị trí này được 6 tháng thì Võ Tấn Hoàng Văn được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc phụ trách vận hành ngân hàng. Thời gian này, Tổng giám đốc ngân hàng trên là Lê Khánh Hiền. Tháng 11/2013, Lê Khánh Hiền từ chức nên HĐQT bổ nhiệm Võ Tấn Hoàng Văn làm Quyền Tổng giám đốc, đến tháng 12/2013 thì bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.

Các bị cáo tại tòa: Bùi Anh Dũng, Chu Lập Cơ, Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn

Chủ tọa phiên tòa hỏi rằng trong biên bản lấy lời khai, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo thành lập các công ty ở hội sở, điều hành các hoạt động của ngân hàng và đưa Văn lên làm Tổng giám đốc. Vì sao bà Lan không quen biết với Văn lại đưa Văn lên làm Tổng giám đốc? Bị cáo này trả lời: "Bị cáo có thể đưa Ngân hàng SCB vượt qua giai đoạn khủng hoảng (tái cơ cấu), cần người có kinh nghiệm lên điều hành nên bị cáo tham gia". "Ngân hàng SCB huy động tiền gửi của dân được 511.000 tỷ đồng, với lãi suất gần như cao nhất trong các ngân hàng thương mại, nhưng cho vay thì chỉ cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay dưới sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan?" - Chủ tọa phiên tòa hỏi. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn trả lời rằng ở vị trí Tổng giám đốc, khi xét duyệt cho vay thì tất cả tên người vay đều không có tên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hay bà Trương Mỹ Lan. Chỉ khi sự việc vỡ lở, Văn mới hình dung ra tổng thể các công ty vay là "hệ sinh thái" của bà Trương Mỹ Lan.

Về hành vi cùng tài xế mang tiền đến nhà của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, quê Thái Bình, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước), Võ Tấn Hoàng Văn khai nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Cụ thể là khi bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với bị cáo Nhàn rồi chỉ đạo Văn trực tiếp đưa đến nhà bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra. Sau đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của Ngân hàng SCB; cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của ngân hàng này và kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tái cơ cấu.

"Ngân hàng SCB cần có sự nương tựa để giải quyết các chuyện trong quá khứ và sự phát triển trong tương lai, nên khi có dự án có tài sản bảo đảm là bất động sản thì bị cáo rất tin tưởng sẽ đưa Ngân hàng SCB vượt qua giai đoạn tái cơ cấu" - Bị cáo Văn khai tại tòa. Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khẳng định không được hưởng lợi từ việc này và không được chia cổ phần, mà chỉ làm việc với tư cách người làm thuê cho Ngân hàng SCB. Bị cáo này đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho bị cáo Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, tố giác hành vi của bị cáo Nhàn (từ trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án), đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, làm rõ vụ án nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ.

Bị cáo nghĩ rằng "bà chủ” thưởng Tết 40 tỷ đồng!

Từng làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB phụ trách Khối doanh nghiệp, bị cáo Bùi Anh Dũng đã được bị cáo Trương Mỹ Lan cất nhắc lên vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB. Bị cáo Bùi Anh Dũng bị truy tố về các tội danh: tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bùi Anh Dũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng SCB. Năm 2013, bị cáo này giữ chức vụ Giám đốc Chi nhánh Bến Thành, năm 2018 giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB. Đây cũng là một trong những bị cáo được xét hỏi trước.

Bị cáo Bùi Anh Dũng cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Theo đó, do được Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch Ngân hàng SCB) giới thiệu là người "hiền lành", "không quậy phá" nên từ tháng 12/2020, Bùi Anh Dũng được bị cáo Trương Mỹ Lan cất nhắc lên làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB. Làm việc dưới sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng biết rõ khoản vay nào là của bà này và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đối với các khoản vay này, Bùi Anh Dũng chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền của Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan.

Thực tế, các đơn vị tại Ngân hàng SCB không tiến hành việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, cũng không quan tâm đến phương án vay vốn. Các khoản vay thực chất là rút tiền cho bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được theo dõi riêng trên hệ thống dữ liệu "Core Banking" của Ngân hàng SCB, được tạo thêm trường dữ liệu với ký hiệu là "HSTT". Những khoản vay này được bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định của pháp luật. Bị cáo Bùi Anh Dũng trình bày tại tòa: Ngoài lương khoảng 500 triệu đồng/tháng, hai dịp Tết 2020 - 2021 còn được "bà chủ” thưởng 40 tỷ đồng. Bị cáo này còn được bị cáo Trương Mỹ Lan ưu ái tặng cho 500.000 cổ phiếu SCB.

Cáo trạng xác định từ ngày 10/4/2013 đến ngày 04/12/2020, theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng đã ký 254 tờ trình thẩm định, 129 biên bản họp hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 14 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT đồng ý cho 322 khách hàng vay 404 khoản để bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng không đúng mục đích. Số khoản vay này có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 209.101 tỷ đồng. Hành vi trên của bị cáo Bùi Anh Dũng đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan, gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 187.607 tỷ đồng.

Từ ngày 09/12/2020 đến ngày 22/9/2022, theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, Bùi Anh Dũng với vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 158 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT, 144 nghị quyết đồng ý cho 143 khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 207 khoản tại Ngân hàng SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 203.203 tỷ đồng. Hành vi này của bị cáo Bùi Anh Dũng đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 104.259 tỷ đồng của Ngân hàng SCB và gây thiệt hại cho ngân hàng số nợ lãi phát sinh là 26.331 tỷ đồng. Tại tòa, bị cáo Bùi Anh Dũng khai đến khi vụ việc vỡ lở mới nhận thức hành vi sai phạm của mình gây ra hậu quả quá lớn, đã tự nguyện trả lại khoảng 35 tỷ đồng và muốn khắc phục bằng số cổ phiếu "bà chủ” cho.

Chồng bị cáo Trương Mỹ Lan tích cực giúp sức cho vợ

Trong số gần 40 bị cáo được xét hỏi trong ngày 07/3/2024, các bị cáo này đều là người làm công. Nhiều bị cáo được HĐQT do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo đưa lên vị trí lãnh đạo trong thời gian rất ngắn, nhưng chỉ sau khi đảm nhận công việc cũng nhanh chóng từ nhiệm. Trong đó, bị cáo Hoàng Minh Hoàn khai chỉ đảm nhiệm vị trí Quyền Tổng giám đốc được một tháng thì thấy kế thừa toàn bộ quy trình duyệt vay hồ sơ bên dưới trình lên và buộc phải ký, không ký sẽ cho nghỉ việc nên phải ký. Thấy quá áp lực nên Hoàng Minh Hoàn đã làm đơn từ nhiệm và được HĐQT ra quyết định sau 2 tháng 9 ngày đảm nhiệm chức vụ. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi này, Hoàng Minh Hoàn đã ký khống các hồ sơ vay của các công ty trong "hệ sinh thái" của bị cáo Trương Mỹ Lan, mà cáo trạng xác định là gây thiệt hại hơn 2.449 tỷ đồng. Bị cáo Diệp Bảo Châu cũng đảm nhận vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB, trình bày tại tòa rằng mình buộc phải thực hiện lệnh của cấp trên, nếu không làm sẽ bị đuổi việc ngay.

Trong khi đó, theo cáo trạng, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Times Square (gọi tắt là Times Square), đã ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông công ty, chấp thuận thế chấp tài sản của công ty bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ định. Sau khi có tài sản bảo đảm để vay vốn, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Times Square lập nhiều hồ sơ vay vốn khống, nhờ người đứng tên các khoản vay và ký khống hồ sơ, thủ tục vay vốn. Bằng phương thức này, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, bị cáo Chu Lập Cơ đã giúp vợ hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống để giải ngân số tiền vay tại Ngân hàng SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là hơn 29.441 tỷ đồng, thời hạn vay vốn trong 5 năm. Toàn bộ số tiền vay vốn được sử dụng cho mục đích riêng của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đến năm 2017, các khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi nên các khoản nợ đến hạn mà không thể trả được. Ngày 15/8/2017, bị cáo Chu Lập Cơ ký biên bản họp HĐQT Times Square, chấp thuận tiếp tục sử dụng tài sản của Times Square để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm gia hạn nợ, tổng dư nợ được bảo đảm là hơn 35.541 tỷ đồng.

Tính đến ngày 17/10/2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do bị cáo Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản vay, với tổng dư nợ là 39.217 tỷ đồng. Sau khi đối trừ giá trị tài sản bảo đảm của các khoản vay mà bị cáo Chu Lập Cơ thực hiện, cáo trạng xác định bị cáo này đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại đối với Ngân hàng SCB số tiền là 9.116 tỷ đồng.

Văn Toàn - Hà An

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/nguyen-lanh-dao-ngan-hang-scb-da-khai-nhung-gi_159768.html