Nguyên liệu thực phẩm là 'lỗ hổng' bếp ăn học đường

Vấn đề này được nhận diện, phân tích trong hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2019, ngày 10/5.

Căng tin Trường THPT Nguyễn Du. Ản: Báo Giáo dục và thời đại

Căng tin Trường THPT Nguyễn Du. Ản: Báo Giáo dục và thời đại

Hiện trên địa bàn TPHCM có 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong các trường học. Trong đó, 1.280 bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn, 630 căn tin trong trường học. Giai đoạn 2014-2018, số vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học là 7 vụ, với tổng 340 học sinh mắc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết, ngay từ khi thành lập, Ban đã thực hiện rà soát 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học, hướng dẫn bổ sung 440 bản cam kết đảm bảo ATTP đối với các trường tự tổ chức dịch vụ ăn uống và 157 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong trường học.

Cùng với đó, Ban đã ký kết kế hoạch liên tịch với Sở GD&ĐT nhằm đảm bảo ATTP trong nhà trường. Năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT đã triển khai thí điểm tiếp nhận nguyên liệu từ nguồn thực phẩm an toàn tại 6 quận (3, 5, 8, 11, Tân Bình và Bình Thạnh) với 498 trường và trong năm học tới sẽ triển khai tại tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, việc đảm bảo ATTP trong trường học còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như: sản lượng của một số đơn vị trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không đủ để cung cấp cho 1 trường học, vì vậy mà nhà trường phải ký hợp đồng với nhiều công ty khác nhau, dẫn đến việc kiểm soát khó khăn, không được chặt chẽ.

Một số trường học sử dụng suất ăn công nghiệp thì chưa thường xuyên kiểm soát được từng loại thực phẩm mà nhà cung cấp sử dụng để chế biến món ăn cho học sinh.

Đặc biệt, chưa có sự giám sát của cha mẹ học sinh trong khâu này. Còn tình trạng các trường chưa công khai nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, món ăn hàng ngày cho phụ huynh học sinh theo dõi.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, lỗ hổng thường gặp trong bữa ăn học đường là nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, việc không đảm bảo quy trình 1 chiều, kiểm tra đối chiếu các khâu trong quá trình chế biến thực phẩm khiến nguy cơ nhiễm bệnh rất lớn. Quá trình bảo quản nếu để thời gian kéo dài trong điều kiện khí hậu thời tiết nắng nóng cũng gây ôi thiu, hư hỏng nhanh, gây ngộ độc thức ăn.

“Luật quy định sản phẩm cung ứng vào trong các trường học thì phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, nhưng chúng tôi nâng lên 1 mức, tức là nguyên liệu tươi sống thì phải đạt các tiêu chuẩn an toàn. Ví dụ như chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn của Ban ATTP, chuẩn thực phẩm GlobalGap, VietGap, Haccp, ISO…

Chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra, giám sát nhiều hơn nữa suất ăn sẵn, đặc biệt suất ăn sẵn cho trường học vì hầu hết các ca ngộ độc trong trường học là những thực phẩm đồ ăn giữa bữa, giữa ca đưa ở ngoài vào”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.

Bà Lan khẳng định chưa có đối tượng nào được kiểm tra ATTP kỹ lưỡng như các trường học với sự tham gia của Ban Quản lý ATTP TPHCM, các đội ATTP liên ngành quận huyện, phòng y tế, phòng giáo dục...

Trong thời gian tới, cùng với việc liên tục kiểm tra, Ban sẽ tiếp tục tập huấn cho cán bộ quản lý các trường về chuỗi thực phẩm an toàn, cập nhật các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đã được chứng nhận ATVSTP theo chuẩn quy định trên website; Phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức diễn tập xử lý tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học…

PN (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nguyen-lieu-thuc-pham-la-lo-hong-bep-an-hoc-duong/365591.vgp