Nguyên lý chuồng bồ câu Dirichlet - Truyện ngắn của Phạm Thị Thanh Mai

Hai vợ chồng hục hặc vì chuyện trời ơi đất hỡi, theo lời của Du. Sáng chủ nhật trời trong, chồng và vợ thảnh thơi đi bộ dọc phố.

Minh họa: Tuấn Anh

Hai tuần Du ở giàn khoan, hai tuần ở đất liền. Mỗi ngày ở nhà Du lại nghĩ ra các việc để làm. Du trồng cây bạc hà trong thùng xốp la liệt trên sân thượng, từng lá xanh bạc dày cộp được thu hái cẩn thận, sấy khô, cho vào từng lọ thủy tinh bé xinh. Có khách đến chơi nhà Tâm hào hứng mời trà bạc hà rồi phóng khoáng tặng thêm lọ thủy tinh lá bạc hà sấy khô, dặn dò: ông Du trồng kỳ công lắm, hái từng lá, sấy từng lá, chỉ cần ba bốn lá khô này dội nước sôi vào là có cốc trà thơm lừng ấm sực, thích không, ông Du mất bao nhiêu công đấy. Vợ Du có thói quen ai đến nhà cũng phải tìm ra món quà gì đó cho mang về bằng được. Có lần quanh quẩn tìm một hồi chưa ra thì à lên: Mới mua cái khăn lụa Hà Đông đẹp lắm, cầm về nhé. Khách về rồi lại ngồi tiếc ngẩn ngơ không biết “nó” có biết dùng cái khăn không, tơ sống đấy, phải giặt tay, không được dùng bột giặt, dùng dầu gội đầu mà giặt, phơi trong bóng râm, mà “nó” đểnh đoảng thế, ba lần thì tan cái khăn. Du thuộc tính vợ quá rồi nhưng vẫn phải chêm vào: Tiếc, sao còn cho bằng được!

Sáng chủ nhật trời trong hai vợ chồng thong dong tới quán cà phê ăn sáng. Ngày mai Du lại bay ra giàn khoan. Tâm nói vào quán Highland cà phê này, chủ nhật thì đông khách đấy, nhưng mà các em phục vụ rất ngoan. Hai vợ chồng vừa thò đầu vào cửa Tâm đã nhìn ngay thấy một đôi dợm đứng lên, liền nhanh chóng lôi Du tuồn tuột tới nơi, cười cầu thân, hai bạn sắp xong hả, anh chị ngồi ở đây nhé. Hai thanh niên vui vẻ đứng lên. Tâm ấn Du ngồi xuống ghế, nhanh chóng bê hai cốc nhựa khách vừa dùng nhét vào thùng rác, gọi cà phê sữa đá và bánh mì xíu mại cho cả hai, mang tag về bàn, lấy một tờ giấy ăn lau bàn nhoay nhoáy rồi yên vị, đợi tag nháy đèn đến lượt nhận đồ. Nếu Du có quyền lựa chọn, Du sẽ chẳng chọn ngồi nơi này. Quán cà phê hai mặt tiền, một mặt nhìn ra quảng trường nhà hát lớn, một mặt nhìn ra đường phố sầm uất, đông nghìn nghịt, náo nhiệt. Du không thích phải xếp hàng kiên nhẫn chờ tới lượt gọi đồ. Du không thể như Tâm, mặt lạnh như tiền hất hàm nói với thanh niên vai đeo ba lô tay dắt bạn gái đang ôm chihuahua: Không chen ngang, xếp hàng dưới kia! Quán đông nghịt. Chẳng còn lấy một chỗ trống. Cửa đập ra đập vào người mới tới. Người mới tới thì cứ đứng nhìn quanh nhìn quất, đợi xem có bàn nào sắp xong thì đến gần, chờ. Người đã tới như nhà Du, Tâm thì cũng chờ. Chờ đồ uống đồ ăn còn lâu mới xong. Đông nghìn nghịt thế cơ mà. Nhân viên đi lại như thoi, trẻ măng. Thằng bé má đỏ rực bê khay dọn đồ lướt qua bàn Tâm Du hỏi ân cần cô gọi đồ rồi hả, lát nữa cháu mang thêm nước nóng cho cô. Tâm rất đỗi tự hào với Du: Em là khách VIP ở đây, chúng nó thấy em là sẽ cho thêm cốc nước nóng ùng ục. Tag nhấp nháy đèn, Tâm nhanh nhẹn bê về một khay hai cà phê sữa đá, hai bánh mì xíu mại, ống hút, giấy ăn, tăm. Du thận trọng: Không hỏi anh uống gì mà gọi luôn cà phê sữa đá? Tâm, vẫn rất chú tâm vào việc sắp đồ trên bàn: Anh không uống cà phê sữa đá à, để em mang về, em gọi cho anh đồ uống khác. Thôi thôi, anh ok. Tâm cũng ok, đến đây cho vui là chính, đồ uống đồ ăn cái gì cũng không hợp với anh đâu. Nói chung, Du biết chẳng nên tranh cãi với Tâm. Tâm làm gì cũng có lý của Tâm. Tâm thích là làm.

Thực ra cà phê sữa đá không phải là không ngon. Vị cà phê rất đậm, rất thơm, Tâm có thêm cốc nước nóng ùng ục để pha thêm cho loãng, cho nóng hơn. Bánh mì xíu mại cũng ngon. Quảng trường nhà hát lớn tinh tươm. Tâm huyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác. Cà phê và bánh ngon, thế mà Tâm lại nhướn mắt khó chịu. Ào vào hai nàng mặc áo dài đội mũ bảo hiểm. Vừa lúc có hai bàn trống. Hai nàng vẫy phục vụ kê sát bàn lại, bắt tìm thêm ghế, sắp xếp vòng quanh, rồi mỗi nàng đặt uỵch lên bàn một cái mũ bảo hiểm, vắt chân chữ ngũ, ngồi không. Thiên hạ đi qua đi lại. Phục vụ bê khay dọn đồ lượn hết vòng nọ đến vòng kia quanh hai cái bàn gồm tám cái ghế mà chỉ có hai nàng cố thủ với hai cái mũ bảo hiểm đặt trên bàn. Thỉnh thoảng một nàng lại áp điện thoại vào tai, a lô a lô rồi chạy ra ngoài nghiêng ngó. Lại vội vàng chạy vào cố thủ cái bàn. Tâm cứ ngọ nguậy lườm nguýt khiến Du cũng phải xoay người liếc nhanh một cái. Tâm tức tối, quán xá người ta thuê mướn bao nhiêu tiền mà hai bà cứ giữ chỗ không gọi lấy cốc nước. Vô duyên. Mà sao em hay va phải hai con mẹ này thế. Hôm mùng một tháng sáu cho bọn trẻ con đi nhà sách, thả chúng nó tự loăng quăng thích cái gì thì nhặt còn em đứng tìm sách. Nhà sách mùng một tháng sáu thì đông quá rồi, nhộn nhạo trẻ con vừa chạy vừa trốn. Cái mẹ áo dài râm bụt kia hôm ấy thì cứ nhớn nhác ngược xuôi tìm kiếm. Thình lình thằng bé xuất hiện bên cạnh em. Mẹ nó xông tới tát bốp vào mặt thằng bé, tru tréo: Đã bảo đứng một chỗ mà chạy lung tung, tao tìm hết hơi. Chỉ muốn tát cho con mẹ một cái mà kìm được. Tuần trước lại va phải hai mẹ này, cả hai mẹ luôn, ở siêu thị. Siêu thị cuối tuần đã đông thì chớ, lại phải đứng xếp hàng chờ thanh toán sau hai mẹ. Hôm đó thì không mặc áo dài mà hai nàng đồng phục quần hồng áo hồng, không biết là đi biểu diễn múa quạt hay múa nón ở đâu về rồi tạt qua siêu thị. Một xe đầy. Một nàng đặt hàng lên băng chuyền. Một nàng đứng canh màn hình hiện giá tiền thanh toán. Chuyên nghiệp chưa. Kem, bò viên đông lạnh, cá viên đông lạnh, thịt hến, cá ba sa phi lê, hàu sống, cải bó xôi, khoai tây cọng, xúc xích, phô mai Bò cười. La liệt. Cô thu ngân cứ bắn tiền chin chít. Một nàng giơ tay ngăn lại: Hượm đã, xem có đủ tiền không. Rồi hai nàng giở tiền ra đếm, rồi vặc nhau tao tưởng mày mang tiền, rồi nói thu ngân chị trả lại cái này, cô thu ngân bấm trừ một dòng tiền, lại nói chị trả lại cái này, cô thu ngân lại bấm trừ một dòng tiền, lại đếm lại tiền, lại nói chị trả lại cái này. Cứ thế mà trả lại gần hết. Hàng đông lạnh, kem toát mồ hôi quanh hộp, các gói bò viên, cá viên, khoai tây cọng, xúc xích ướt lép nhép vì chờ thanh toán rồi bị trả lại, hai nàng thì cứ dùng dằng tại quầy thu ngân mà em thì phát điên lên chờ hai nàng thanh toán tới lui. Tiếp đến là hoạnh họe cho xin cái túi ni lông. Cô thu ngân nhũn nhặn, chúng em không phát túi ni lông để bảo vệ môi trường. Thế là chửi toáng lên, làm ăn cái kiểu gì mà cái túi ni lông cũng không có. Làm ăn cái kiểu này thì mất khách sớm. Rồi hai nàng cũng ôm ấp mấy món hàng vừa đi vừa chửi ra khỏi siêu thị. Em mà là chủ siêu thị em dán ảnh hai mụ ở cửa không cho vào. Du bật cười, dán ảnh là vi phạm pháp luật đấy. Tâm vẫn hùng hổ, hoặc nếu em là cô thu ngân thì em phải cho hai con mẹ này một trận rồi em bỏ việc cũng được. Mà anh có đồng ý để em ra nói hai con mẹ này là không thể ngồi chiếm chỗ lâu như thế được, người ta còn phải buôn bán? Ơ mà hai mẹ đứng lên rồi, đi rồi. May quá, không cần can thiệp. Du nhăn nhó, em có cái kiểu vơ tức vào người rồi can thiệp chuyện người khác từ bao giờ thế. Tâm phản đối, ở giàn khoan chẳng có mâu thuẫn gì anh cứ nghĩ đơn giản. Ở đây xung quanh hằng ngày đầy rẫy chuyện khó chịu, nếu không “xử lý” thì cứ để nó ngang tai trái mắt thế à. Không phải ở giàn khoan là không có chuyện khó chịu, Du bình thản. Ví dụ như cái ống đũa trên bàn ăn lúc nào cũng có cái dài cái ngắn. Anh Dương cùng kíp trực của anh lần nào đi ăn cũng làu nhàu tìm so đũa. Anh thì chỉ đơn giản là lấy ba chiếc đũa. Trong ba chiếc thế nào chẳng có hai chiếc bằng nhau. Tâm bật cười cùng Du: nguyên lý Dirichlet. Nếu như một số lượng n vật thể được đặt vào m chuồng bồ câu, với điều kiện n > m, thì ít nhất một chuồng bồ câu sẽ có nhiều hơn một vật thể. Cái nguyên lý này Du dùng để “tán” Tâm thời tuổi trẻ, khiến Tâm ngỡ ngàng và tò mò về một anh chàng “nguyên tắc”. Luôn có giải pháp khi mình biết “nguyên lý”. Du lại tiếp tục. Hoặc là em, chúng ta, cố gắng không có những hành động “vô duyên” như hai nàng kia để xã hội bớt đi những chuyện ngang tai trái mắt, hoặc là em đừng có vào quán cà phê đông đúc chủ nhật, em đừng có đi siêu thị ngày cuối tuần, đi nhà sách ngày mùng một tháng sáu. Thế thôi.

Phạm Thị Thanh Mai

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nguyen-ly-chuong-bo-cau-dirichlet-truyen-ngan-cua-pham-thi-thanh-mai-1019867.html