Nguyễn Ngọc Mạnh 'siêu quần' và căn tính thiện lương

Siêu nhân không sợ hãi, họ biết mình đang làm gì, biết sẽ làm được. Nguyễn Ngọc Mạnh thì không, nhưng vẫn làm. Và anh đã làm được. Mạnh trở nên 'siêu quần'.

 Nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam.

Nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam.

Sự kiện được quan tâm nhất trong tuần vừa qua là một cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12A của tòa chung cư ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân - Hà Nội) đã may mắn được một tài xế lái xe chở hàng là anh Nguyễn Ngọc Mạnh đỡ được, tránh một bi kịch thương tâm.

Không thể nói khác, đó là một phép màu đáng xao xuyến trong đời sống hôm nay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn - nhà báo Nguyễn Hồng Lam để cùng nhau chia sẻ câu chuyện gây cảm hứng đặc biệt này.

Căn tính thiện lượng cao cả, lớn lao và đẹp hơn nhiều

Những hình ảnh, những clip, cũng như những lời kể về anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) tìm cách cứu em bé 3 tuổi treo lơ lửng ở lan can chung cư tầng 12 rồi rơi xuống mái tôn vào đêm 28/2, thực sự khiến mọi người xúc động. Anh suy nghĩ gì khi đón nhận thông tin này?

Nếu không phải là một người làm báo, tôi sẽ không đủ can đảm để xem hết đoạn clip. Vừa xem vừa gào thét trong lòng vì kinh sợ. Khi Mạnh xuất hiện, trèo lên mái tôn, tôi có cảm giác như một vị thần vừa xuất hiện. Kỳ vọng trong tuyệt vọng đi kèm với lo lắng, sợ hãi, hồi hộp từng giây. Rồi vỡ òa! Phép màu có thật, em bé đã sống. Có điều gì kỳ diệu hơn thế không?

Lâu nay chúng ta chỉ thấy “siêu nhân” trên phim, bây giờ có thể tự hào về “siêu nhân” trong đời chăng?

Tôi không có cảm giác đó. Mạnh xuất hiện với tất cả sự lụp chụp, lóng ngóng của một người bình thường đang vội vã và sợ hãi.

Siêu nhân không sợ hãi, họ biết mình đang làm gì, biết sẽ làm được. Mạnh thì không, nhưng vẫn làm. Và anh đã làm được. Đó đích thực là vượt qua chính mình.

Anh Mạnh mang trong người khá nhiều thứ bệnh, sức khỏe không lấy gì làm tốt. Bình thường, bằng tay không, Mạnh khó thể tự leo lên mái tôn nhà để xe mái dốc như đã làm, chỉ mất chưa đầy phút. Mạnh đã vượt qua chính mình. Có mặt đúng nơi, đúng lúc, cú chạm tay của Mạnh đã cứu được cháu bé. Đó là kỳ tích.

Không ai khác, ngoài Mạnh đã làm và làm được điều đó. Nhiều người phát hiện ra cháu bé nhưng không có phản ứng thích hợp ngay tức khắc như Mạnh. Có muốn cũng không làm được, không kịp làm. Nghĩa là anh Mạnh trở nên "siêu quần" - vượt qua nhiều người. Thắng mình, vượt người, Mạnh là anh hùng. Giản dị vậy thôi.

Hành động của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, phân tích một cách lý trí, thì đó có phải một khoảnh khắc lóe sáng của lương tri và đạo đức không?

Lương tri, đạo đức, lòng dũng cảm là cái có sẵn trong anh thanh niên ấy, dù chính bản thân anh cũng không hề ý thức về những điều mình có. Tôi nghĩ đó là căn tính thiện lương. Làm điều cần làm, đúng thời điểm, tôi không muốn gọi là lóe sáng, phát tiết hay gì gì đó. Căn tính thiện lượng cao cả, lớn lao và đẹp hơn nhiều.

Vâng, tôi thích khái niệm “căn tính thiện lương” mà anh nêu ra. Nuôi dưỡng căn tính thiện lương cho người Việt, chưa bao giờ là sứ mệnh đơn giản trong kỷ nguyên hội nhập. Nhiều tổ chức đã khen thưởng cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Thậm chí, danh hài Trấn Thành còn chuyển khoản ngay 10 triệu đồng đến anh Nguyễn Ngọc Mạnh với lý do “anh tuyệt vời lắm”. Thái độ trân trọng điều tốt đang lan tỏa vì một cá nhân tỏa sáng bất chợt, đáng mừng hay đáng lo?

Sao lại lo, mừng chứ? Xã hội có nhiều người xúc động vì điều tốt, giận dữ với cái xấu, cái ác thì xã hội đang vận hành tích cự, xã hội không vô cảm.

Nếu đặt vào trường hợp anh Nguyễn Ngọc Mạnh, thì anh có làm như vậy không?

Trong nhất thời, tôi không tự tin trả lời nổi câu hỏi này. Có lẽ phản xạ tự nhiên, tôi cũng sẽ làm gì đó. Nhưng, xem lại clip nhé. Mạnh đã làm đúng việc cần làm, không một động tác thừa, với sự cố gắng gấp nhiều lần khả năng. Tôi không biết nếu là mình thì có thể làm “gọn” như thế không. Nỗi sợ hãi chắc sẽ khiến hành động trở nên bấn loạn. Mạnh chắc cũng sợ vỡ tim, nhưng anh ấy không hề bấn loạn. Đó là cái dũng hơn người đấy.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh - người cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12A của tòa chung cư ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân - Hà Nội). Ảnh: VNE.

Theo anh, bao nhiêu phần trăm người Việt biết quên mình để giúp đỡ người khác lúc nguy nan?

Thật khó nói, vì xung quanh chúng ta vẫn nhan nhản lối sống ích kỷ và thực dụng.

Nếu tinh thần hào hiệp và trượng nghĩa là một giá trị phổ biến thì có lẽ trường hợp anh Nguyễn Ngọc Mạnh không bật lên như một hiện tượng kỳ vĩ nhỉ?

Đúng vậy!

Từ câu chuyện cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội, phải chăng đã đến lúc chúng ta phải tư duy nghiêm túc hơn về mức độ an toàn của khu vực lan can các tòa nhà cao tầng?

Cố săm soi, đến giờ cũng chẳng ai đưa ra được dữ liệu nào chứng tỏ việc thiết kế, thi công chung cư vi phạm quy định an toàn ở phần lan can. Nhưng như trong hình, không chỉ một mà nhiều hộ gia đình đã tận dụng khoảng hành lang vào công năng khác. Nhiều đồ đạc, bàn ghế đã được kê ra sát ban công. Vì thế cháu bé 3 tuổi mới có thể leo chuyền, vượt ra ngoài lan can và gặp tai nạn. Muốn loại trừ nguy cơ tiếp diễn tai nạn, mỗi cá nhân và Ban quản lý các chung cư phải kiên quyết chấn chỉnh ngay thực trạng tận dụng cẩu thả này. Gia đình cháu bé cho biết là họ có rào lưới mắt cáo dọc lan can để tránh rơi đồ. Em bé đu theo lưới trèo lên. Chính thói quen tùy tiện thêm bớt, cơi nới, tận dụng tủn mủn đã suýt gây thảm kịch.

Thắng mình, vượt người là anh hùng

Ở đời, có hai việc phi thường là xả thân vì người khác và nghĩ tốt cho người khác. Bây giờ chúng ta đã thấy “xả thân vì người khác”, còn việc “nghĩ tốt cho người khác” có quá khó trong xã hội đang sôi sùng sục danh lợi?

Tôi rất tâm đắc với khái niệm Hạnh Bố Thí của nhà Phật. Bố Thí đơn giản là chia sẻ rộng, là làm điều tốt giúp người khác. Có nhiều cách để chia sẻ: tâm thí, trí thí, công thí, tài thí... Tùy theo khả năng của mình mà đóng góp chia sẻ. Quan trọng là có hướng tâm hay không thôi. Xả thân vì người khác là sư hy sinh, xuất phát từ lòng vị tha, tức chính là “nghĩ tốt cho người khác khác” cộng với lòng dũng cảm thôi. Không nghĩ tốt thì không có hành động cao cả. Làm được điều tốt hay không còn phụ thuộc nhiều thứ, kể cả may mắn nữa. Nhưng không nghĩ tốt thì sẽ không làm gì cả. Hình như đó là tâm thế “tùy hỉ thí”, ai cũng có thể có. Có chịu nuôi dưỡng (để) phát huy nó hay không thôi. Thường xuyên, thường trực suy nghĩ bình thường hướng thiện và chia sẻ, với chính từng con người cũng đã là phi thường, là thắng chính mình rồi. Đó là anh. Nếu làm được việc nhiều người khác không thể làm, đó chính là “siêu quần” - vượt qua nhiều người - đó chính là hùng. Thắng mình, vượt người là anh hùng, giản dị có thế thôi. Khó, tất nhiên, nhưng không khó đến mức không làm được.

Vậy thì bất kỳ ai cũng có thể thành người phi phàm sao? Anh có thể nói rõ hơn không?

Cổ nhân nói nhiều rồi, tôi chỉ học theo chứ không có gì thêm. Như Mạnh Tử đã nói, khó như việc “Hiệp Thái Sơn dĩ siêu Bắc hải” (kẹp Thái Sơn nhảy qua biển Bắc), bảo không làm được thì đúng là không làm được. Còn “vì người già bẻ một nhành cây” cho họ làm gậy chống mà bảo khó, thì thật ra đó là chuyện chẳng chịu làm chứ không phải là không làm được. Nghĩ tốt cho người khác chẳng qua là việc “vị trưởng lão chiết chi”, giản dị thôi mà đã mấy ai nghĩ là chuyện nên làm. Khó ở chỗ đó, không khó vì nó phi phàm.

Xin cảm ơn những thổ lộ cởi mở và trách nhiệm của anh.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguyen-ngoc-manh-sieu-quan-va-can-tinh-thien-luong-d285353.html