Nguyên nhân bất ngờ khiến Nga vội rút MiG-29SMT khỏi Syria

Tiêm kích MiG-29SMT được kỳ vọng rất nhiều khi triển khai đến Syria, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn hiện diện, Nga đã vội vàng đưa MiG-29SMT về nước.

Theo Al-Masdar News, Không quân Nga chính thức triển khai tiêm kích MiG-29SMT đến căn cứ không quân Hmeymim tại Syria từ tháng 9/2017 để tham gia thành phần chiến đấu của Không quân Nga chống khủng bố. Trước khi Nga chính thức thừa nhận sự có mặt của MiG-29SMT, những bức ảnh không chính thức của những chiếc tiêm kích đa năng này ở Syria đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Trên twitter chính thức của Bộ quốc phòng Nga đã đăng tải những bức ảnh về hoạt động của MiG-29SMT tại căn cứ không quân Hmeymim của Nga, thuộc tỉnh tây bắc Syria là Latakia. Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Nga không cho biết những chiếc máy bay này được đưa sang Syria từ khi nào.

Mục đích đưa MiG-29SMT đến Syria của Nga đã khá rõ ràng, tuy nhiên theo nhận định của truyền thông Mỹ (tại thời điểm tiêm kích này mới được triển khai), Không quân Nga (VKS) sẽ không thể dùng tiêm kích này cho trận chiến chống khủng bố tại những điểm cách sân bay Hmeymim quá 350km.

Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, khi MiG-29SMT được triển khai ở Hmeymim - nơi cách các tỉnh biên giới phía Nam là Quneitra, Daraa và Suwayda từ 200-350km; cách thành phố Deir Ezzor khoảng 380km...

Trong khi đó bán kính tác chiến của chiến đấu cơ này chỉ vẻn vẹn 700km. Và nếu VKS phát động tấn công khủng bố tại những khu vực vượt khoảng cách nói trên, máy bay MiG-29SMT sẽ không đủ xăng để quay về căn cứ.

Không chỉ hạn chế về tầm tác chiến, theo nguồn tin này toàn bộ số tiêm kích MiG-29SMT hiện có của Nga đều được sản xuất bằng khung của phiên bản MiG-29 có từ những năm 1980 và đây chính là lý do khiến Nga bẽ mặt khi xuất khẩu chiến đấu cơ này.

Cụ thể, vào năm 2006, Bộ Quốc phòng Algeria đã đặt mua 28 chiếc MiG-29SMT và 6 chiếc máy bay huấn luyện MiG-29UB của Nga. Tiêm kích SMT đầu tiên dược giao vào năm 2006 nhưng Algeria sớm nhận ra rằng, các chiến đấu cơ mới không phải là mới tất cả.

Phiên bản SMT được lắp ráp bằng khung máy bay cũ và không bán được từ MiG-29 được chứa trong nhà máy Lukhovitsy. Thậm chí còn có khung máy bay được sản xuất cho Iraq từ năm 1980. Ngay sau đó, Algeria đã đình chỉ giao hàng trong năm 2006 và tái giao hàng năm 2007 nhưng tình trạng vẫn diễn ra tương tự. Algeria đã từ chối trả tiền và yêu cầu thay thế bằng tiêm kích đa năng Su-30MKA của Sukhoi.

Đến năm 2007, có 15 chiếc MiG-29SMT đã được gửi trả lại Nga. Sau khi kiểm tra lại, Không quân Nga đã cho 30 máy bay loại này vào Trung đoàn Không quân 14. Sau thương vụ này, Nga đã không có phản hồi tích cực mà trái lại đã bác bỏ các cáo buộc của Algeria về chất lượng sản xuất kém và nhấn mạnh việc sử dụng khung máy bay tân trang lại cho tiêm kích MiG là phù hợp.

Tuy vậy, nhà sản xuất MiG dù sao cũng không nhận được tiền từ Algeria cho đến khi những chiếc tiêm kích này được Không quân Nga sở hữu. Nguồn tin quân sự Mỹ cho biết: "Ngay cả khi Nga chấp nhận dùng, khó mà biết chắc được rằng VKS có thể hài lòng được hay không".

Vì vậy, việc Nga đưa thêm MiG-29SMT chỉ mang ý nghĩa thị phô trương sức mạnh hơn là khả năng chiến đấu thực tế bởi hiện nay Nga đang triển khai những chiến đấu cơ mạnh hơn nhiều tại Syria như Su-34, Su-35S, Su-30SM. Và đây có thể chính là nguyên nhân khiến Nga vội vàng rút MiG-29SMT chỉ sau một thời gian ngắn triển khai tại Syria. (Tuấn Hưng)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/nguyen-nhan-bat-ngo-khien-nga-voi-rut-mig-29smt-khoi-syria-3357764/