Nguyên nhân gây mụn dưới cằm và cách khắc phục

Mụn dưới cằm không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sự tự tin của nhiều người. Nếu không được chăm sóc đúng cách, mụn có thể bùng phát nghiêm trọng, thậm chí tái đi tái lại nhiều lần gây khó khăn trong điều trị…

1. Mụn dưới cằm do đâu?

ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai.

ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, mụn dưới cằm xuất hiện khi các nang lông bị tắc nghẽn bởi tế bào chết và dầu thừa, bụi bẩn. Một nghiên cứu cho thấy má, cằm và hàm là những khu vực dễ xuất hiện mụn trứng cá nhất ở phụ nữ.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây mụn dưới cằm:

- Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ: Xảy ra trong kỳ kinh nguyệt, tuổi dậy thì, tiền mãn kinh, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc do sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai…

Lý giải cho việc mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến nổi mụn dưới cằm, ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh cho biết, do nồng độ androgen tăng, dẫn đến tăng sinh tuyến dầu và làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây ra mụn.

- Chế độ ăn uống: Thường xuyên ăn các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ cùng thói quen ăn ít rau xanh, uống ít nước làm cho làn da khô hơn, dễ bị nứt nẻ và thương tổn, từ đó gây hình thành viêm mụn.

Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sữa và đường là những yếu tố phổ biến liên quan đến mụn trứng cá nói chung và mụn ở cằm nói riêng. Những người thường xuyên tiêu thụ các sản phẩm chứa đường, sữa có khả năng bị mụn cao.

- Chu trình chăm sóc da không đúng: Việc sử dụng những sản phẩm chăm sóc da không phù hợp cùng với thói quen cậy, nặn mụn có thể làm tình trạng mụn trứng cá trầm trọng hơn.

Nếu sở hữu làn da dầu tự nhiên, tốt nhất bạn nên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da "không chứa dầu", "không gây mụn" hoặc gốc nước, ít có khả năng làm tắc nghẽn lỗ chân lông, hạn chế gây mụn dưới cằm.

- Rối loạn giấc ngủ: Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe làn da. Thiếu ngủ có thể dẫn đến tình trạng mất nước, bùng phát mụn dưới cằm…

Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân và cách khắc phục mụn dưới cằm.

2. Biện pháp khắc phục mụn dưới cằm

Từ những nguyên nhân trên, ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh đưa ra một số biện pháp giúp khắc phục mụn dưới cằm như:

- Làm sạch da mặt đúng cách, sử dụng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với loại da để tránh tình trạng da nhờn rít sau khi rửa mặt, hạn chế viêm mụn trứng cá.

- Chăm sóc da với retinoids - có nguồn gốc từ vitamin A, giúp thông thoáng lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn dưới cằm. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Tretinoin chỉ sử dụng cho tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng và không sử dụng cho phụ nữ mang thai vì nguy cơ dị tật bẩm sinh.

- Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ cay nóng, ngủ đủ giấc, uống đủ nước… giúp cơ thể khỏe mạnh, từ đó giúp làn da sáng khỏe từ bên trong.

- Không nên tác động cơ học đến làn da, cụ thể hạn chế thói quen cậy, nặn mụn không đúng cách có thể làm mụn lây lan sang những vị trí khác hoặc tái đi tái lại ở khu vực viền hàm, cằm… gây khó khăn trong việc điều trị.

Hạn chế thói quen cậy, nặn mụn không đúng cách, tránh làm tình trạng mụn trở nên phức tạp hơn.

Nếu tình trạng mụn trứng cá trở nên trầm trọng, tốt nhất nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Qua thăm khám, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại thuốc giúp điều trị mụn hiệu quả.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Cách chăm sóc làn da dầu mụn trong mùa hè | SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-gay-mun-duoi-cam-va-cach-khac-phuc-169230518111257982.htm