Nguyên nhân Mỹ chưa trả đũa Houthi sau các cuộc tấn công tàu

Khi phong trào Houthi ở Yemen tấn công ba tàu thương mại ở phía Nam Biển Đỏ vào cuối tuần trước, câu hỏi được đặt ra ngay lập tức là liệu quân đội Mỹ có đáp trả?

Tàu USS Carney của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết lực lượng Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền khi chúng đi về phía eo biển Bab el-Mandeb. Trong khi đó, các tàu Hải quân Mỹ đã bắn hạ một loạt máy bay không người lái được cho là do Houthi phóng ra từ khu vực mà nhóm này kiểm soát ở Yemen. Nhưng cho đến nay, Mỹ đã tránh trả đũa quân sự. Đây là khác biệt rõ rệt so với nhiều cuộc tấn công Lầu Năm Góc nhằm vào lực lượng vũ trang ở Iraq và Syria.

Người phát ngôn lực lượng Houthi của Yemen cho hay phong trào này đã tấn công 2 tàu của Israel là Unity Explorer và Number Nine trong ngày 3/12 bằng máy bay không người lái có vũ trang và tên lửa hải quân.

Không có ai bị thương sau các vụ tấn công của Houthi, mặc dù các tàu thương mại có chịu hư hại. Và các quan chức Mỹ lập luận rằng về mặt kỹ thuật, Houthi không nhắm mục tiêu vào các tàu hoặc lực lượng của Mỹ.

Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát và leo thang sau vụ nổ ngày 17/10 tại một bệnh viện ở Gaza khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, các lãnh đạo Houthi khẳng định Israel là mục tiêu của họ. Phát ngôn viên quân sự của Houthi cho biết lực lượng này muốn ngăn chặn các tàu Israel di chuyển trên Biển Đỏ cho đến khi hành động gây hấn của Israel chống lại “những người anh em kiên định của chúng tôi ở Dải Gaza dừng lại”.

Một trong những con tàu thương mại bị tấn công vào 3/12 là Unity Explorer. Nó thuộc sở hữu của một công ty Anh, trong đó có ông Dan David Ungar, sống ở Israel, là một trong những lãnh đạo công ty. Truyền thông Israel xác định Ungar là con trai của tỷ phú vận tải biển Israel Abraham “Rami” Ungar.

Một loạt các cuộc tấn công hôm 3/12 nhắm vào tàu chở hàng Unity Explorer, Number 9 và Sophie II. Và suốt ngày hôm đó, tàu khu trục USS Carney của Hải quân Mỹ đã bắn hạ ba máy bay không người lái đồng thời đến hỗ trợ các tàu thương mại. Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) nhấn mạnh: “Vào thời điểm này, chúng tôi không thể đánh giá liệu tàu USS Carney có phải là mục tiêu của máy bay không người lái hay không”.

Hôm 6/12, tàu USS Mason của Hải quân Mỹ đã bắn hạ một máy bay không người lái đang hướng về phía nó.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke USS Carney (DDG 64) của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích vào lực lượng vũ trang ở Iraq và Syria vốn tấn công vào căn cứ quân sự Mỹ kể từ ngày 17/10, thì Lầu Năm Góc vẫn chưa trả đũa lực lượng Houthi. Trong khi đó, Houthi đã bắn tên lửa vào các tàu ở Biển Đỏ, phóng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào Israel, điều khiển máy bay không người lái về hướng các tàu Hải quân Mỹ. Ngoài ra, vào tháng trước, Houthi đã bắt giữ tàu Galaxy Leader có liên quan đến Israel ở Biển Đỏ và vẫn giữ tàu này.

Theo AP, điều này phần nào phản ánh nhạy cảm về chính trị và phần lớn xuất phát từ những lo ngại của chính quyền Tổng thống Joe Biden về thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen cũng như khả năng gây ra một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực. Nhà Trắng muốn duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen và cảnh giác rủi ro thực hiện các hành động có thể mở ra một mặt trận chiến tranh khác.

Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng hành động quân sự là một lựa chọn và họ chưa loại bỏ nó khỏi bàn đàm phán. Nhưng họ đều nhấn mạnh rằng có sự khác biệt giữa các vụ đánh bom ở Iraq, Syria và các cuộc tấn công của Houthi.

Chính quyền Tổng thống Biden đã nhiều lần nói về việc tránh leo thang xung đột Israel-Hamas thành một cuộc chiến khu vực rộng lớn hơn. Tướng Pat Ryder, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, lập luận rằng cho đến nay, các cuộc tấn công vào các nhóm vũ trang ở Iraq và Syria vẫn chưa dẫn đến mở rộng xung đột. Vì vậy, không rõ liệu các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào kho vũ khí của Houthi hoặc các địa điểm tương tự có vượt quá giới hạn và gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn hay không.

Ông Ryder cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác quốc tế về cách thích hợp để bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại đi qua khu vực đó, đồng thời đảm bảo thực hiện những điều cần thiết để bảo vệ lực lượng của mình”.

Gần đây, Mỹ cho biết đang đàm phán với các đồng minh về việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm hải quân để hộ tống các tàu thương mại ở Biển Đỏ. Có khoảng 38 quốc gia tham gia vào một lực lượng đặc nhiệm tương tự trong khu vực - phần lớn là để chống cướp biển ngoài khơi Somalia.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/nguyen-nhan-my-chua-tra-dua-houthi-sau-cac-cuoc-tan-cong-tau-20231208074456551.htm