Nguyên nhân trình độ tiếng Anh của người Nhật đứng áp chót châu Á

Theo xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ của tập đoàn giáo dục quốc tế Thụy Sĩ EF Education First (EF EPI) năm 2022, Nhật Bản xếp thứ 80 trong số 111 quốc gia được đánh giá. Điều này đặt Nhật Bản dưới mức trung bình toàn cầu về trình độ tiếng Anh.

Nhật Bản là cường quốc kinh tế, văn hóa, công nghệ và từ lâu đã giữ một vị trí nổi bật trên trường quốc tế. Đất nước mặt trời mọc này có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lớn thứ 4 theo sức mua tương đương (PPP). Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ mà Nhật Bản phải đối mặt trong hàng thập kỷ qua là trình độ tiếng Anh thấp.

Ngày 31/7 vừa qua, Bộ Giáo dục Nhật Bản thống kê kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học tập toàn quốc, tổ chức hồi tháng 4. Kết quả cho thấy học sinh năm thứ ba THCS của nước này (lớp 9) chỉ có thể trả lời đúng trung bình 12,4% câu hỏi trong bài kiểm tra nói tiếng Anh.

Tỷ lệ này giảm 18,4 điểm phần trăm so với năm 2019, khi lần đầu học sinh lớp 9 tham gia khảo sát. Ngoài ra, hơn 60% học sinh tham gia không trả lời đúng bất kỳ câu hỏi nào của bài thi nói.

Yếu tố lịch sử: Tính bản địa mạnh mẽ tạo rào cản

Cách tiếp cận lịch sử đối với giáo dục Ngoại ngữ của Nhật Bản cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc nảy sinh thách thức về trình độ tiếng Anh hiện nay của người Nhật.

Theo truyền thống, hệ thống giáo dục của Nhật Bản nhấn mạnh đến việc thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ và nuôi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa của quốc gia. Sự ra đời chính thức của giáo dục tiếng Anh sau Thế chiến II chủ yếu tập trung vào các kỹ năng đọc và viết, dẫn đến việc ít chú trọng đến năng lực đàm thoại. Do đó, mất kết nối giữa kiến thức lý thuyết và ứng dụng thực tế đã tạo tiền đề cho trình độ tiếng Anh người Nhật như hiện tại.

Các cuộc khảo sát do tập đoàn giáo dục quốc tế Thụy Sĩ EF Education First thực hiện, đo lường trình độ tiếng Anh của người dân ở hơn 100 quốc gia và khu vực không nói tiếng Anh, cho thấy Nhật Bản đã tụt dần đều về vị trí cuối bảng.

Năm 2022, Nhật Bản giảm thêm hai bậc từ vị trí thứ 78 xuống thứ 80. Điều này đặt Nhật Bản ở cấp độ thứ 4 trong 5 cấp độ và tương đương với “trình độ thấp” (61–87).

Trình độ tiếng Anh của người Nhật ngày càng giảm, theo đánh giá của EF Education First.

Trong khi khoảng 70% học sinh trung học Nhật Bản cho biết có kỹ năng đàm thoại tiếng Anh cơ bản, con số này không đáng kể so với mức độ thành thạo của thanh thiếu niên ở các quốc gia khác.

Ví dụ, ở nước láng giềng Hàn Quốc, gần 90% học sinh trung học thể hiện khả năng giao tiếp thông thạo bằng tiếng Anh. Điều đáng nói, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có thời kỳ lịch sử bị Mỹ chiếm đóng- điều được cho định hình đáng kể trình độ tiếng Anh.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một cựu quan chức ngoại giao cấp cao Nhật Bản, chính sự tự tôn và kháng cự văn hóa mạnh mẽ khiến người dân Nhật không bị "đồng hóa" trước sự "xâm thực" của văn hóa và ngôn ngữ Mỹ, nhưng đây cũng là rào cản để tiếp cận cái mới, khiến Nhật Bản bị thụt lùi.

Yếu tố văn hóa: Sự im lặng

Môi trường giáo dục Nhật Bản luôn đề cao sự trật tự và nghiêm khắc. Tại các lớp học, thầy nói, trò im lặng và lắng nghe. Nói cách khác, sự thụ động vẫn còn chi phối. Chính điều này làm giảm khả năng phản xạ cũng như giao tiếp của học sinh trong việc học tiếng Anh.

Vị trí của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với các quốc gia kém phát triển hơn. Việt Nam xếp hạng 60/111 vào năm 2022.

Bên cạnh đó, văn hóa Nhật Bản nhấn mạnh vào sự khiêm tốn và tránh mất mặt. Sợ mắc lỗi và mất mặt trước mặt người khác có thể ngăn cản mỗi cá nhân tham gia vào các cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh. Đặc điểm văn hóa này có thể cản trở người học ngôn ngữ thực hành nói- điều vốn rất cần thiết để phát triển sự lưu loát.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng lực tiếng Anh chỉ dừng ở thông thạo ngữ pháp. Việc dạy học thụ động và văn hóa im lặng dù khiến mọi người cảm tưởng ai cũng lịch sự nhưng trên thực tế, chúng khiến nhiều học sinh Nhật Bản giấu dốt.

Hàng loạt giải pháp nâng trình độ tiếng Anh

Nhận thức được tầm quan trọng hàng đầu của tiếng Anh trong một thế giới ngày càng kết nối, chính phủ Nhật Bản đã chủ động thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để tăng cường giáo dục Ngoại ngữ.

Sáng kiến "Global 30", được đưa ra vào năm 2009, đã tìm cách quốc tế hóa các trường đại học Nhật Bản và thu hút nhiều sinh viên nước ngoài hơn. Là một phần của chương trình này, nhiều trường đại học đã giới thiệu các khóa học được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, mang đến cho sinh viên cơ hội phát triển trình độ ngôn ngữ trong khi theo đuổi mục tiêu học tập.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực cải cách giáo dục tiếng Anh trong trường học để tập trung nhiều vào các kỹ năng giao tiếp thực tế hơn là ghi nhớ ngữ pháp và từ vựng.

Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực đưa ra nhiều sáng kiến để cải thiện năng lực tiếng Anh của học sinh, sinh viên.

Chương trình Trao đổi và Giảng dạy Nhật Bản (JET), được thành lập vào năm 1987, mời những người nói tiếng Anh bản ngữ từ khắp nơi trên thế giới làm Trợ lý Giáo viên Ngôn ngữ (ALT) tại các trường học Nhật Bản. Chương trình này giúp học sinh tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa Anh đích thực thông qua tương tác với giáo viên nước ngoài.

Ngoài ra, một số chính quyền địa phương ở Nhật Bản đã thành lập các chương trình Làng tiếng Anh (English Village Programs), nơi học sinh, sinh viên có thể hòa mình vào môi trường chỉ sử dụng tiếng Anh để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ của họ.

Nhìn chung, các sáng kiến trên đã góp phần nâng cao nhận thức của người trẻ Nhật Bản về tầm quan trọng của trình độ tiếng Anh trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Đồng thời, việc chuyển hướng sang nhấn mạnh các kỹ năng giao tiếp thực tế là một bước chuyển mình đúng đắn trong giáo dục tiếng Anh của quốc gia này.

Những nỗ lực tăng cường giáo dục tiếng Anh trong trường học và gia tăng các chương trình trao đổi đã giúp thế hệ trẻ Nhật Bản sở hữu trình độ tiếng Anh cao hơn so với các thế hệ trước.

Tuy nhiên, một số phương pháp giảng dạy truyền thống vẫn ưu tiên ngữ pháp và học thuộc lòng- điều này tiếp tục cản trở khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả của sinh viên trong các tình huống thực tế. Sự chênh lệch về nguồn lực và cơ hội hòa nhập ngôn ngữ giữa thành thị và nông thôn vẫn tồn tại như một thách thức. Học sinh ở các trung tâm đô thị có thể tiếp cận tốt hơn với việc tiếp xúc với ngôn ngữ và môi trường quốc tế, trong khi học sinh ở các vùng nông thôn có thể gặp phải những hạn chế.

Chất lượng giáo dục tiếng Anh phụ thuộc rất nhiều vào trình độ và đào tạo của giáo viên, cũng như sự sẵn có của tài nguyên và công nghệ cập nhật. Đảm bảo khả năng tiếp cận nhất quán của tất cả người dạy và đồng bộ hóa tài liệu là một thách thức.

Có thể thấy, trong khi những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản đã cho thấy một số kết quả tích cực, quốc gia Đông Bắc Á này vẫn đang trên một hành trình dài để giải quyết thách thức nan giải này.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguyen-nhan-trinh-do-tieng-anh-cua-nguoi-nhat-dung-ap-chot-chau-a-2173783.html