Nguyên nhân tỷ lệ tử vong của người Mỹ gốc Phi cao vượt trội

Một số dữ liệu của các tiểu bang cho thấy người Mỹ gốc Phi đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra. Ngày 7/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố kết quả nghiên cứu khẳng định người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn hẳn các chủng tộc khác tại nước này.

Người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn hẳn các chủng tộc khác. Ảnh: AFP

Người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn hẳn các chủng tộc khác. Ảnh: AFP

Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ mắc COVID-19 của những người Mỹ gốc Phi là “không cân xứng” với các đối tượng khác bởi những điều kiện sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến đói nghèo, sự phân biệt đối xử trong việc chăm sóc y tế. Hầu hết những người này cũng phải làm các công việc bên ngoài, không thể ở nhà và rất khó thực hiện “giãn cách xã hội”.

“Chúng tôi biết rằng những người gốc Phi có nhiều khả năng mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch và bệnh phổi. Những căn bệnh mãn tính này đều gây ra bởi nghèo đói và làn sóng phân biệt chủng tộc có thể dẫn đến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn”, Jerome Adams, bác sĩ hàng đầu tại Mỹ cho biết.

Adams là bác sĩ gốc Phi mắc bệnh huyết áp cao và hen suyễn. Ông đại diện cho những người da màu lớn lên từ nghèo đói và nhiều người da màu khác có nguy cơ mắc COVID-19 cao vượt trội.

Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), không có dữ liệu có sẵn về các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 theo chủng tộc, tuy nhiên nhiều tiểu bang và khu vực đang chứng kiến số người Mỹ gốc Phi mắc bệnh COVID-19 cao hơn các chủng tộc khác tại nước này.

Tỷ lệ người Mỹ gốc Phi tử vong do virus SARS-CoV-2 chiếm 68% số người thiệt mạng tại Chicago, trong khi những người này chỉ chiếm 30% số dân của thành phố.

“Những con số đó thật không thể tưởng tượng nổi. Đó cũng là lời kêu gọi tất cả chúng ta phải hành động”, thị trưởng thành phố Lori Lightfoot nói.

Người dân đeo khẩu trang ngăn chặn virus lây lan tại Washington DC hôm 7/4. Ảnh: AFP

Xu hướng tương tự cũng xảy ra tại các bang Bắc Carolina, Louisiana, Michigan, Wisconsin và thủ đô Washington.

Bác sĩ Georges Benjamin, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tế Công cộng Mỹ, cho biết vấn đề này liên quan đến tầng lớp xã hội. Những người da màu thường làm những công việc được coi là thiết yếu trong xã hội khiến họ dễ có nguy cơ nhiễm virus hơn.

"Họ phải tiếp xúc với công chúng nhiều hơn. Nhiều tài xế xe buýt hơn, nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng hơn để đi làm, nhiều người cung cấp dịch vụ tại các viện dưỡng lão, nhiều người làm việc trong các cửa hàng tạp hóa”, ông cho biết.

Vấn đề càng tồi tệ hơn khi những người Mỹ gốc Phi đang phải đối mặt với cả những định kiến ngầm và sự kỳ thị thẳng thắn trong hệ thống y tế.

Bác sĩ James Hilderth, Giám đốc Trường Cao đẳng Y tế Meharry tại thành phố Nashville, bang Tennessee cho biết tại thành phố của ông, hầu hết các xét nghiệm ban đầu diễn ra tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt.

Hầu hết bệnh nhân đến các hệ thống bệnh viện này đều có bảo hiểm. Gần đây, 3 trung tâm xét nghiệm do thành phố Nashville điều hành đã được xây dựng cho các cộng đồng dân tộc thiểu số và những người nghèo, một trong số đó đặt tại khuôn viên của Trường Meharry và được tiến hành bởi các nhân viên ở đây.

“Quan điểm của tôi là tùy vào mỗi cộng đồng bạn sống và việc bạn có bảo hiểm hay không, cơ hội để được xét nghiệm là ít hơn rất nhiều, ông nói.

Không chỉ có vậy, bác sĩ gây mê tại Trung tâm Y tế Đại học Virgina Ebony Hilton cho rằng những người da màu khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế sẽ không được chẩn đoán triệu chứng chính xác hoặc được điều trị đầy đủ.

Ví dụ, phụ nữ gốc Phi có ít cơ hội chụp nhũ ảnh phát hiện ung thư vú bởi các bác sĩ chuyên khoa. Các bệnh nhân gốc Phi mắc bệnh tim có mức protein cao khiến tim dễ bị tổn thương nhưng không được các chuyên gia chẩn đoán.

Người đàn ông đeo khẩu trang ngồi chờ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Wisconsin. Ảnh: AFP

Một nhóm nhân quyền đã viết thư cho Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar kêu gọi ông “công bố dữ liệu nhân khẩu học và chủng tộc liên quan đến việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hàng ngày, gánh nặng bệnh tật và kết quả của bệnh nhân”.

Điều này là cần thiết trong việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng và thực hiện một số biện pháp chăm sóc và xét nghiệm nhất định chưa được cung cấp cho những người da màu bởi sự phân biệt đối xử.

Bác sĩ Hilton nhấn mạnh đây là lợi ích của toàn bộ người Mỹ để giải quyết khủng hoảng dịch bệnh, không giống như tỷ lệ mắc bệnh tim hay ung thư, làn sóng virus SARS-CoV-2 đang lây lan ra nhiều người gốc Phi và gốc Tây Ban Nha sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác.

“Khi hệ thống y tế không quan tâm đến những người có điều kiện kinh tế xã hội thấp hơn, các nhóm người thiểu số này sẽ không được xét nghiệm virus, họ được trả về nhà và tiếp tục lây nhiễm cho cộng đồng. Những công nhân hiện đang mắc bệnh vẫn đi đến các cửa hàng tạp hóa và lây nhiễm virus cho nhiều người Mỹ khác” , bác sĩ Ebony Hilton nói.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nguyen-nhan-ty-le-tu-vong-cua-nguoi-my-goc-phi-cao-vuot-troi-20200408165904539.htm