Nguyễn Nhược Pháp - nhìn từ truyện ngắn

1. Đặt một tiêu đề như vậy, với trường hợp Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), có thể sẽ đem đến cảm giác lạ lẫm, thậm chí là những băn khoăn, hồ nghi.

Bởi lẽ lâu nay, trong mặc định của nhiều thế hệ độc giả, Nguyễn Nhược Pháp thường được nhắc tới với tư cách một nhà thơ thuộc thế hệ đầu tiên của Phong trào Thơ mới lãng mạn những năm đầu thế kỷ 20. Cũng không phải ngẫu nhiên trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã đánh giá về các thi phẩm của ông với cả sự ngạc nhiên xen lẫn niềm quý trọng: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”. Đặc biệt bài thơ Chùa Hương (in trong tập Ngày xưa, 1935) đã khiến Nguyễn Nhược Pháp trở thành hiện tượng tác giả “thơ một bài” hiếm lạ trong nền thi ca Việt Nam hiện đại với hồn thơ vừa trong trẻo, chân mộc, vừa thông minh, hóm hỉnh. Thế nên mặc định đó của độc giả cũng là điều dễ lý giải. Trên thực tế, thơ ca cũng là phần sáng tạo tinh túy, đáng kể nhất của ông.

Nhưng Nguyễn Nhược Pháp không chỉ làm thơ. Ông còn viết truyện ngắn, kịch, tiểu luận phê bình, số lượng mỗi loại cũng kể tới con số 10 tác phẩm, tương đương với số lượng bài thơ. Chỉ riêng điều này thôi, cũng đủ khẳng định một văn nghiệp tuy ngắn ngủi song lại rất phong phú, đa dạng của Nguyễn Nhược Pháp. Và biết đâu, nếu “tạo vật” không “đố tài” khiến ông ra đi lúc còn quá trẻ, thì Nguyễn Nhược Pháp sẽ còn làm được nhiều hơn nữa, “vĩ đại hơn nữa” cho nền văn học nước nhà. Trong một hình dung như vậy, việc đọc lại tác phẩm Nguyễn Nhược Pháp, trong đó có truyện ngắn, luôn là điều cần thiết. Nó không chỉ giúp hiểu thêm về văn tài của ông, mà còn đem đến cho người đọc hậu sinh một góc nhìn về đời sống văn hóa, văn chương Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, hiểu thêm về khát vọng đổi mới “thành thực và mãnh liệt” của một thế hệ trí thức trên hành trình đưa văn học nước nhà hòa nhập và bắt kịp xu thế hiện đại của văn chương thế giới. Trên hành trình ấy, những người như Nguyễn Nhược Pháp đã lựa chọn con đường dấn thân, với mơ tưởng “được hy sinh tất cả đời mình cho văn nghệ”, bằng chính sáng tạo miệt mài, không ngừng nghỉ của mình. Điều ấy thật đáng quý biết bao!

2. Theo một số tư liệu gia đình, Nguyễn Nhược Pháp viết khoảng trên 10 truyện ngắn. Ba trong số đó được chọn vào tuyển tập Hoa một mùa (NXB Phụ nữ, 2018, tr. 11-36). Đó là các truyện: Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư. Hai truyện đầu đã được đăng tải trên Báo Tinh hoa (số Xuân năm 1937), truyện thứ ba viết năm 1933 (tài liệu do gia đình cung cấp). Như vậy có thể thấy Nguyễn Nhược Pháp bắt đầu viết truyện ngắn từ khá sớm và gần như song hành với thơ ca (ông có thơ in báo năm 1932). Việc tuyển chọn giới thiệu 3/10 truyện ngắn của ông trong tuyển tập lần này, hẳn cũng thể hiện dụng ý riêng của ban biên tập. Bởi ba truyện tuy mang ba dáng vẻ riêng, nhưng lại là “thống nhất trong đa dạng”, cho ta những hình dung ban đầu về “tạng” truyện ngắn Nguyễn Nhược Pháp.

Truyện thứ nhất-Tình trẻ thơ-đúng như nhan đề của nó, mang ý vị nhẹ nhàng, êm ái của thứ cảm xúc trẻ thơ qua những rung động thầm kín của một cậu bé mười hai, mười ba tuổi trong lần đầu theo mẹ đi lễ hội Đồng Đăng. Cùng với cảm xúc nhẹ nhàng, êm ái ấy, vẻ đẹp của con người, cảnh sắc thiên nhiên nơi miền sơn cước Lạng Sơn cũng hiện lên thật tinh khôi, dịu dàng qua lời văn mộc mạc mà không kém phần duyên dáng. Tình trẻ thơ, do thế, mang dáng vẻ của một “bài thơ trữ tình bằng văn xuôi” mà sau này người đọc sẽ còn tiếp tục được thưởng thức cái tinh tế của cảm xúc lãng mạn ấy trong những truyện ngắn của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh…

Ở truyện thứ hai-Mẹ và con-người đọc bắt đầu thấy một cốt truyện mang yếu tố kịch tính, cùng với nỗi day dứt, dằn vặt trong tâm hồn nhân vật Lân, vì trò đùa tai hại của bản thân mà vô tình cướp đi tính mạng một con người. Câu chuyện vì thế ít nhiều có màu sắc hiện thực, trong tương quan giữa quan hệ cá nhân và xã hội tuy tình tiết, cốt truyện còn khá đơn giản.

Ở truyện thứ ba-Bức thư-cốt truyện xoay quanh quan hệ tình cảm “tay ba” giữa Lân, Kiều Lan và Chất. Tác giả có dụng ý tạo nên một tương quan đối sánh giữa hai nhân vật Lân và Chất trong sự thể hiện tình cảm với Kiều Lan. Nếu tình cảm của Lân là mơ hồ, “không rõ”, thì Chất ngược lại, ôm mối tình si vừa thanh cao, vừa vô vọng với Kiều Lan suốt 8 năm trời. Điều ấy khiến Lân thấy ái ngại và thương cảm. Anh đã có một hành vi đầy cao thượng và nhân hậu là nói dối Chất về tình cảm của Kiều Lan để Chất “chí ít được sung sướng trong ba năm nữa”, trước khi “làm nên chuyện” để Kiều Lan có thể trở thành vợ anh. So với hai truyện trên thì Bức thư có những tình tiết phức tạp hơn, với diễn biến nội tâm khá phong phú, được đặt trong tương quan giữa các nhân vật và bối cảnh thời gian, không gian cụ thể. Điều này cho thấy cố gắng “làm mới” trong cách kể chuyện của tác giả.

Nhìn trong một tương quan thống nhất, có thể thấy những điểm chung của truyện ngắn Nguyễn Nhược Pháp: Xu hướng đi vào khai thác thế giới nội tâm với cảm xúc trong sáng, hồn hậu; lời văn nhẹ nhàng, sâu lắng, phảng phất nét buồn lãng mạn dường như trở thành nét riêng mà ta từng thấy trong cả những sáng thơ lẫn kịch của ông. Xét ở kết tinh nghệ thuật, truyện ngắn Nguyễn Nhược Pháp mới chỉ bắt đầu những bước chập chững trên hành trình hiện đại hóa nền văn xuôi tiếng Việt/văn xuôi Quốc ngữ những năm đầu thế kỷ 20. Trên hành trình ấy, ông đã nỗ lực, kiên trì tiến về phía trước, trong một cảm giác vừa choáng ngợp, lại vừa thích thú. Điều ấy tưởng như cũng là một điểm đáng quý nữa ẩn bên trong con người thường ngày hay e dè, nhút nhát của Nguyễn Nhược Pháp, khiến cho ta càng thêm quý trọng, nể phục ông.

3. Sự gặp gỡ với phương Tây những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được xem như “một cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”. Đó là tiền đề tạo nên môi trường học thuật, môi trường sáng tạo tự do, phóng khoáng cho rất nhiều văn nhân, thi sĩ như Nguyễn Nhược Pháp. Trong môi trường ấy, đã diễn ra nhiều thể nghiệm thú vị và táo bạo với những hay-dở, được-mất, thành công-thất bại. Nhưng trên tất cả những câu chuyện hiện thời ấy, cái còn mãi với thời gian, qua câu chuyện Nguyễn Nhược Pháp, là một “tấm lòng thành thực” với văn chương, với cuộc đời.

TS ĐỖ THU THỦY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguyen-nhuoc-phap-nhin-tu-truyen-ngan-553990