Nguyễn Sơn - dáng chữ, tình người

Năm 1974, sau khi điều dưỡng vì vết thương trong chiến trường Tây Nguyên, tôi được nhận về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân công tác, biên chế trong Tổ họa sĩ (nay là Ban Thiết kế mỹ thuật-Dàn dựng trang), Phòng Thư ký tòa soạn. Khi ấy, tổ có 4 anh, gồm: Xuân Tước, Nguyễn Sơn, Hà Trần Cương và Phạm Văn Nhân.

Anh Xuân Tước là tổ trưởng, anh phân công anh Nguyễn Sơn hướng dẫn công việc cho tôi. Không biết có phải vì tôi là họa sĩ ở chiến trường ra mà anh rất mực quý mến, yêu thương! Còn với tôi, anh Nguyễn Sơn là người dễ gần và tình cảm như người anh trai. Chúng tôi được biết, trong một trận đánh, do bị sức ép rất nặng nên khả năng nghe của anh hạn chế. Anh đã phải cố gắng rất nhiều vừa học hỏi, gắng nghe, vừa tìm tòi để vượt qua khó khăn này. Tuy vậy, anh luôn nhiệt tình giúp đỡ anh em chúng tôi. Anh hướng dẫn cặn kẽ cho tôi từng cách tính, xếp chữ đến cách trình bày một trang báo hoàn chỉnh. Sau này ở lâu với anh, tôi nhận thấy anh là người sống rất chan hòa, giản dị, mẫu mực, đoàn kết anh em trong Tổ họa sĩ nói riêng và với anh em trong tòa soạn nói chung.

Thời bấy giờ, việc trình bày báo thủ công, phải qua nhiều công đoạn, yêu cầu độ chính xác cao, bởi chỉ cần tính toán lệch một vài chữ là cả ê-kíp vài chục người lại phải ngồi làm lại. Đó là chưa kể yêu cầu về mỹ thuật. Việc trình bày báo, làm thâu đêm là chuyện bình thường. Có khi để ra được một số báo, chúng tôi phải thức đến 4-5 giờ sáng. Thậm chí có hôm khi mọi người tập thể dục buổi sáng xong, chúng tôi mới ra về. Là người tỉ mỉ, anh Nguyễn Sơn luôn tính toán việc trình bày các bài báo với độ chính xác cao. Những người làm cùng ít khi phải cắt lại bài, công việc làm báo của các bộ phận khác nhờ thế cũng đỡ phần vất vả.

 Thiếu tá, nhà báo Nguyễn Sơn.

Thiếu tá, nhà báo Nguyễn Sơn.

Ở Báo Quân đội nhân dân, anh Nguyễn Sơn là người nổi tiếng vì có "bàn tay vàng". Được biết, khi ở đơn vị cũ, anh vẽ chữ ngược lên đất sét để in bản tin đơn vị. Anh cũng là người kẻ, vẽ nhiều đề mục, lô-gô quan trọng của Báo Quân đội nhân dân, như: "Chuyện cảnh giác", "Quân sự nước ngoài", "Câu lạc bộ chiến sĩ"... hay các lô-gô của Đại hội Đảng V, VI và những ngày lễ lớn của đất nước... thường được giao cho anh Nguyễn Sơn kẻ, vẽ. Đặc biệt, mẫu chữ măng-sét Báo Quân đội nhân dân hiện giờ vẫn sử dụng cũng do tay anh làm. Đầu năm 1975, anh cùng tôi được phân công vẽ các bản đồ chiến cục mùa xuân năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh và đặc biệt là bản đồ quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn ngày 30-4. Việc vẽ rất kỳ công nên tôi và anh đã phải đêm ngày cùng làm, mỗi người một việc sao cho bản đồ được hoàn thành đúng thời gian và có độ chính xác cao nhất. Vì tính chất đặc biệt nên sau đó Báo Nhân Dân cũng xin phép sử dụng lại. Có một kỷ niệm là sau chiến dịch, anh em ở Báo Nhân Dân gửi tiền nhuận bút đến tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Chúng tôi được tài chính gọi xuống nhận 150 đồng. Nhưng số tiền đó lại toàn tiền 1 đồng kim loại, được gói thành 10 đồng một. Thế là mỗi người chúng tôi mang "một ôm tiền" nặng.

Còn nhớ, tôi có một anh bạn ở Đoàn Múa rối Thăng Long Hà Nội tên là Phạm Xuân Đài. Khi ấy, đoàn được một số nước như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc... mời sang nước bạn biểu diễn. Để giới thiệu các chương trình, đoàn cần những tờ giới thiệu (brochure) nội dung các tiết mục. Nhưng đi đến nhà in nào cũng bị từ chối vì không tìm đâu ra những mẫu chữ theo yêu cầu. Bởi thế, chúng tôi "liều" nhờ anh Nguyễn Sơn viết tay hộ bằng các ngôn ngữ nước ngoài mà đoàn đến biểu diễn. Khi trình lên giám đốc đoàn để duyệt, ông đã rất ngạc nhiên không hiểu làm cách nào mà những tờ giới thiệu này lại đẹp đến vậy. Ông còn cho rằng, những tờ giới thiệu này được in ấn riêng chứ không thể viết tay mà đẹp như thế?

Anh Nguyễn Sơn cũng là người luôn trăn trở tới việc đổi mới trình bày tờ báo. Anh cùng anh em trong Tổ họa sĩ tìm tòi, cải tiến làm sao để các trang báo được trình bày phải mới, đẹp, hiện đại để hấp dẫn hơn cho nội dung từng bài báo và cả tờ báo. Có những chữ tít bài, chữ đầu bài được anh kỳ công tìm nhiều kiểu chữ phù hợp. Anh luôn nói, "phải làm sao chữ tít "đập" luôn vào mắt bạn đọc".

Năm 1984, anh Nguyễn Sơn nhận quyết định nghỉ hưu, nhưng thường đến tòa soạn chơi và đàm đạo về công việc với anh chị em trong Tổ họa sĩ. Anh còn góp ý cho chúng tôi nhiều ý kiến quý báu và chia sẻ các kinh nghiệm làm báo. Kể cả sau này tôi nghỉ hưu, anh em chúng tôi cũng vẫn gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống. Các cơ quan báo chí, xuất bản hay bất cứ ai muốn giúp kẻ, vẽ, trình bày, anh đều sẵn sàng. Thuở ấy, việc nhận biết và nhớ được những số xe buýt trên bản đồ giao thông Hà Nội chưa có điều kiện như bây giờ, nên rất khó khăn với nhiều người. Anh Nguyễn Sơn đã kỳ công ghi lại toàn bộ vào những tập giấy nhỏ để tặng mọi người…

Thời gian gần đây, anh Nguyễn Sơn yếu nhiều. Lần tôi đến thăm anh tại nhà riêng ở Khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội) cách đây không lâu, anh em chỉ còn có thể nhìn nhau chớp mắt và ứa lệ. Tôi buồn nhưng không sốc bằng khi nhận được tin anh đã mất ngày 20-5-2019. Một người anh, người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp tài hoa, tốt bụng đã vĩnh viễn ra đi, nhưng tôi nghĩ dáng chữ, tình người của anh vẫn mãi bên chúng tôi...

Họa sĩ LÊ ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nguyen-son-dang-chu-tinh-nguoi-574868