Nguyên tác 'Kẹp hạt dẻ' phát hành tại Việt Nam

'Chàng cắn hồ đào và vua chuột' là truyện cổ tích kinh điển từ nước Đức mới được giới thiệu tới bạn đọc Việt.

Nhiều năm qua, mỗi mùa giáng sinh, vở ballet Kẹp hạt dẻ được nhắc tới như giấc mơ thần tiên của trẻ thơ. Tác phẩm ballet nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng không nhiều người biết nguyên tác của tác phẩm là câu chuyện cổ tích của nhà văn E.T.A Hoffmann.

Sách Chàng cắn hồ đào và Vua Chuột. Ảnh: NN.

Cuốn sáchgồm ba truyện nổi tiếng nhất của E.T.A Hoffmann: Chiếc âu vàng, Zaches tí hon mệnh danh Zinnober, Chàng cắn hồ đào và Vua Chuột.

Chàng cắn hồ đào và Vua Chuột được viết vào năm 1816. Năm 1892, nhà soạn nhạc người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky và các biên đạo múa đã chuyển thể câu chuyện này thành vở ballet Kẹp hạt dẻ.

Tác phẩm khơi gợi trí tưởng tượng bay bổng của độc giả nhí đến với một thế giới kỳ ảo, bí ẩn và đầy những bất ngờ thú vị. Ở đó có cô bé Marie nhân ái đã giúp chàng cắn hồ đào chiến thắng được Vua Chuột ác độc.

Hai thế kỷ qua, tác phẩm củaE.T.A Hoffmann, đại diện cho nhiều truyện cổ tích siêu thực kinh điển Đức kỳ lạ, vẫn không ngừng thôi miên người đọc bằng “những sức mạnh phi lý mà trí tuệ không thể thấu hiểu và lý giải”.

Trên trang giấy của Hoffmann, những quả chuông thủy tinh rung lên trong trẻo, nàng rắn xanh giữa tán lá cất tiếng thì thầm; tiên nữ Hoa Hồng Đẹp xuất hiện ban vận may cho bà mẹ nông dân khốn quẫn có đứa con quái dị; và sau tiếng chuông đồng hồ điểm giấc đêm, đồ chơi trong tủ bước ra, Chàng cắn hồ đào biến thành hoàng tử, cô bé Marie đáng yêu được đưa đến xứ sở ngọt ngào…

Hình ảnh trong ballet Kẹp hạt dẻ.

Tác giả E.T.A. Hoffmann (tên đầy đủ là Ernst Theodor Wilhelm Hoffmann, 1776 - 1822) là nhà văn, họa sĩ biếm họa, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc, luật gia Đức. Di sản của ông để lại gồm hàng chục truyện cổ tích, truyện ngắn, truyện vừa. Những tác phẩm nổi tiếng nhất phải kể đến Chiếc âu vàng (1814), Chàng cắn hồ đào và Vua Chuột (1816), Zaches tí hon mệnh danh Zinnober (1819), Những quan niệm sống của chú mèo Murr (1819 - 1821), Thống lĩnh loài bọ chét (1819), Những câu chuyện nửa đêm (rất kinh dị), Công chúa Brambilla (1820)…

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-tac-kep-hat-de-phat-hanh-tai-viet-nam-post929034.html