Nguyên tắc xử lý tiền thuế nợ đã đảm bảo đúng yêu cầu, mục tiêu đặt ra

Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước được thực thi sẽ giúp minh bạch việc xây dựng các kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tính thực tế và khả thi cao.

Luật sư Hà Huy Phong.

Luật sư Hà Huy Phong.

Đó là quan điểm của Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi cho rằng việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này là việc rất quan trọng và đúng thời điểm bởi khi đối tượng nộp thuế không còn tồn tại, khả năng trả tiền thuế không còn, thì để treo con số trên sổ sách cũng không thể làm ngân sách nhà nước tăng lên. Việc xử lý nợ thuế này phù hợp với thực tiễn, chứ không xóa đi nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế.

Việc xử lý tiền nợ thuế, trong đó xóa tiền phạt chậm nộp và tiền chậm nộp không còn khả năng thu hồi (nợ ảo), giúp cho số nợ không tiếp tục gia tăng ảo, cơ quan Thuế, Hải quan giảm chi phí quản lý, có điều kiện tập trung nguồn lực và việc quản lý thu tốt hơn, tăng cường chống thất thu cho ngân sách, đồng thời cũng phán ánh đúng thực chất, tình trạng nợ thuế của nền kinh tế, minh bạch việc xây dựng các kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tính thực tế và khả thi cao. Chính vì vậy, mới cần đến một nghị quyết của Quốc hội, là cơ quan lập pháp cao nhất. Mặc dù, Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 đã có quy định về vấn đề này, nhưng phải đến đến 1/7/2020 mới có hiệu lực thi hành, nên việc ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý và hành lang cho việc xử lý xóa nợ thuế.

Phải khẳng định, việc xóa tiền thuế nợ chậm nộp, tiền phạt chậm nộp không trái với pháp luật và quy định của Hiến pháp. Do đó, việc Quốc hội ban hành một Nghị quyết như vậy không tạo ra bất kỳ mâu thuẫn hoặc trái với quy định hiện hành nào trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, việc ban hành nghị quyết được căn cứ vào thực tiễn hoạt động quản lý và phản ảnh sự tồn tại khách quan của xã hội và nền kinh tế. Nếu chúng ta cứ cố níu giữ những con số ảo sẽ gây hiểu nhầm về khả năng thu ngân sách, về bức tranh tài chính của nền kinh tế cũng như làm lệch lạc các kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước.

Ông đánh giá như thế nào về nội dung của Nghị quyết?

Thứ nhất, về nguyên tắc xử lý tiền thuế nợ đã đảm bảo đúng yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Thứ hai, về đối tượng, Nghị quyết đưa ra 7 trường hợp được xử lý tiền thuế nợ. Nói một cách khái quát, nhóm các đối tượng này đều có thể coi là không còn tồn tại, hoặc không còn khả năng đóng thuế trên thực tế. Do đó, việc giữ lại chỉ là con số trên sổ sách gây hiện tượng ảo, không phản ánh chính xác thực trạng và môi trường chung của nền kinh tế.

Thứ ba, về thẩm quyền xóa nợ thuế, Nghị quyết đã nêu rõ là áp dụng theo quy định tại Điều 84 và Điều 87 của Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14. Theo đó, thẩm quyền khoanh nợ được giao cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế quyết định việc khoanh nợ. Còn việc xóa nợ đối với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng quyết định xóa nợ đối với nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ từ 10-15 tỷ đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ từ 5-10 tỷ đồng; chủ tịch UBND tỉnh quyết định xóa dưới 5 tỷ đồng. Riêng xóa nợ đối với cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình, hộ kinh doanh, thì Nghị quyết đề xuất chủ tịch UBND tỉnh quyết định xóa nợ trên cơ sở hồ sơ đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Sự phân cấp như vậy đã cụ thể hóa nguyên tắc về mặt thẩm quyền và trình tự xử lý để đảm bảo tính minh bạch và chống tiêu cực trong việc xử lý nợ thuế.

Theo Nghị quyết, trường hợp đã được xóa nợ, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định, hoặc người nộp thuế quay trở lại sản xuất kinh doanh, thì phải nộp vào ngân sách khoản đã được xóa. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

Tôi cho rằng đây là quy định có tính phòng ngừa gian lận và tiêu cực, cũng như dự liệu một thực tế có khả năng xảy ra. Nói cách khác, là một biện pháp phòng ngừa lách luật để trốn thuế. Một doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoàn toàn có thể tạm dừng hoạt động, nộp hồ sơ xin giải thể, thậm chí bị ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng sau đó, vẫn có khả năng quay lại hoạt động bình thường. Nếu quay lại hoạt động, thì tư cách người nộp thuế vẫn còn tồn tại và sẽ không thuộc trường hợp được xóa nợ thuế. Quy định này là cần thiết và trong văn bản luật phải có những quy định mang tính dự liệu và phòng ngừa như vậy.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nguyen-tac-xu-ly-tien-thue-no-da-dam-bao-dung-yeu-cau-muc-tieu-dat-ra-115955.html