Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Sao chụp lại bài thi ngay lúc giám thị bàn giao là an toàn nhất

GS.TSKH Bùi Văn Ga - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, quy chế thi THPT Quốc gia là rất chặt chẽ, 'rào' hết mọi khả năng có thể xảy ra tiêu cực. Vụ việc rúng động cả nước trong những ngày qua tại Hà Giang, Sơn La nằm ở khâu quản lý thiết bị và con người thực hiện quy chế. Ông cho rằng, nếu bài thi của thí sinh được sao chụp lại, một thao tác rất đơn giản vào lúc giám thị bàn giao tại điểm thi thì sẽ ngăn chặn được mọi khả năng 'phù phép' điểm thi.

GS.TSKH Bùi Văn Ga.

P.V: Quy chế thi THPT quốc gia do ông ký ban hành lúc đương nhiệm được đánh giá là rất chặt chẽ. Nhưng vì sao đến thời điểm hiện tại lại xảy ra những vụ việc tiêu cực được coi là rúng động như vừa qua?

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Quy chế rất là chặt, đã "rào" hết mọi khả năng tiêu cực. Coi thi là khâu dễ xảy ra tiêu cực nhất và xưa nay bị phàn nàn nhiều nhất, vì học sinh có thể trao đổi, giáo viên có thể hướng dẫn. Điều này đã được Bộ GD-ĐT xử lý hiệu quả. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 và 2018, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng. Cùng với đó là bố trí mỗi phòng thi có một cán bộ coi thi của trường ĐH nên tiêu cực trong quá trình coi thi, hỏi bài qua lại trong phòng thi không xảy ra. Có thể nói đây là thành công so với khi thi tự luận hay khi thi trắc nghiệm có số mã đề thi giới hạn.

P.V: Hiệu quả khi điều chỉnh thành phần giám sát trong quá trình chấm thi trắc nghiệm đã đạt đến mức độ nào, thưa ông?

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Qui trình này đã được sử dụng để chấm các môn trắc nghiệm khi thi 3 chung. Khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia thì qui trình có điều chỉnh thành phần giám sát để đảm bảo tính khách quan, trung thực. Các công đoạn chấm trắc nghiệm cơ bản không có gì thay đổi. Việc bổ sung hai thành viên giám sát đến từ các trường ĐH vào ban chấm thi của mỗi Sở GD-ĐT là sự điều chỉnh khi giao cho địa phương chủ trì tất cả các khâu tổ chức kỳ thi.

Khi các trường ĐH thực hiện việc chấm thi thì hầu như không xảy ra điều tiếng gì về tiêu cực. Những năm đầu đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia, thi ở địa phương nhưng trường ĐH chủ trì mang bài về trường chấm với sự tham gia của Sở GD-ĐT cũng đã được đánh giá là trung thực. Nay Sở GD-ĐT thực hiện việc chấm thi và trường ĐH tham gia giám sát, nếu các bên thực hiện nghiêm qui chế và các thành viên ban chấm thi làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo qui định của mình thì tiêu cực cũng rất khó có thể xảy ra.

P.V: Sở GD-ĐT chủ trì chấm thi và các trường ĐH chủ trì chấm sẽ khác nhau như thế nào, thưa ông?

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Việc chuyển kỳ thi từ các trường ĐH chủ trì về cho Sở GD-ĐT chủ trì và trường ĐH tham gia phối hợp đã được bàn bạc, thảo luận kỹ càng khi ban hành qui chế kỳ thi THPT Quốc gia. Bản chất kỳ thi là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên địa phương phải chịu trách nhiệm chính là đúng chức năng. Do các trường ĐH lấy kết quả để xét tuyển nên các trường cần tham gia phối hợp để đảm bảo độ tin cậy, khách quan của công tác tổ chức thi. Vì thế trong cơ cấu của các ban chỉ đạo, các hội đồng thi, ban chấm thi đều có sự tham gia của các trường ĐH.

P.V: Quy chế ban hành được xem là rất chặt chẽ nhưng khi vụ việc ở Hà Giang, Sơn La được phát hiện thì chúng ta mới thấy vẫn còn những kẽ hở trong quá trình chấm thi. Theo ông, để hạn chế những tiêu cực như các vụ việc đã xảy ra vừa qua, ngành giáo dục cần phải "vá" lỗ hổng này như thế nào?

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Như tôi đã nói, quy chế do Bộ GD-ĐT ban hành là rất chặt chẽ. Sai ở đây là do con người thực hiện quy chế, cố tình làm trái. Phương án hiệu quả nhất để hạn chế tiêu cực trong các khâu quá trình tổ chức thi là thi trên máy tính, thí sinh thi xong có kết quả ngay. Phương án này Bộ GD-ĐT cũng đưa ra thảo luận mấy năm gần đây. Vướng mắc hiện nay là đầu tư ban đầu lớn để đảm bảo số lượng máy tính đủ lớn để có thể tổ chức thi cùng lúc ở nhiều địa phương. Trong lộ trình đổi mới thi của Bộ GD-ĐT thì việc thi trên máy tính có thể áp dụng từ năm 2021 trở đi nếu điều kiện cho phép.

P.V: Vậy liệu có giải pháp nào khác khi chúng ta vẫn duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay?

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Theo tôi công tác tổ chức thi do địa phương chủ trì, các trường ĐH phối hợp như hiện nay là ổn. Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một đề thi trắc nghiệm riêng đã giúp ngăn ngừa hiệu quả tiêu cực khi coi thi. Còn lại khâu chấm thi có thể xảy ra tiêu cực. Tiêu cực khó phát hiện hay khi phát hiện thì mất rất nhiều thời gian và công sức để xác minh là sửa bài thi của thí sinh trước khi quét file ảnh đầu tiên gửi về Bộ để lưu.

Vì thế theo tôi cách đơn giản và ít tốn kém nhất là dùng máy scan thông thường chụp lại bài thi trắc nghiệm của thí sinh ngay khi giám thị nộp bài tại các điểm thi. Mỗi điểm thi trang bị chừng 5, 6 máy scan thông thường kèm theo máy tính để thực hiện việc quét bài thi gốc của thí sinh để lưu. Qui chế thi sẽ bổ sung qui định bảo mật file dữ liệu gốc sau khi quét tại các điểm thi. Khi đã lưu bản gốc này rồi thì việc phát hiện tiêu cực trong quá trình chấm thi sẽ rất dễ dàng. Vả lại khi đã lưu bản gốc bài làm thí sinh tại chỗ như vậy, những ai có ý định tiêu cực khi sửa bài làm, nâng điểm thí sinh sẽ không dám và không thể thực hiện được. Như vậy, thay vì thí sinh thi trên máy tính thì làm trên giấy và ghi kết quả bài làm vào máy tính ngay sau khi kết thúc thi từng môn.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

CÔNG KHANH
(thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_192994_nguyen-thu-truong-bo-gd-dt-bui-van-ga-sao-chup-lai-bai-thi-ngay-luc-giam-thi-ban-giao-la-an-toan-nhat.aspx