Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người lãnh đạo gần dân, vì dân

Trong phong cách lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, điều mà nhiều cán bộ từng làm việc dưới quyền ông hay nhắc tới là ông rất gần dân, coi trọng người dân.

Tháng 8/2015, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đến thăm nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Cảm phục bậc tiền bối, ông Nguyễn Thiện Nhân nói: "Ông có bài học gì dặn dò cho thế hệ trẻ chúng con không?”.

 Kỷ niệm Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) trong dịp đến thăm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười khi ông tròn 100 tuổi.

Kỷ niệm Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) trong dịp đến thăm nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười khi ông tròn 100 tuổi.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đáp: “Phải lắng nghe dân. Lúc nào cũng phải bám dân. Bám dân thì bất cứ khó khăn nào cũng qua được. Bất kì ở đâu, bám dân cũng làm được nhiều việc. Bây giờ cũng vậy, vì lợi ích của dân, dân mới bảo vệ mình”.

Ông Dương Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có lần kể lại chuyện khi còn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười đã tiếp người dân đi khiếu kiện khá lý thú.

“Khoảng tháng 8/1988, một hôm ông gọi tôi vào dặn: “Chú Phúc lưu ý, dân có oan mới khiếu nại lên Chính phủ, nếu Chính phủ không giải quyết thì ai giải quyết. 6 giờ sáng hằng ngày tôi đến, chú nhớ chuyển đơn khiếu nại cho tôi xem, để tôi giải quyết”.

Có lần, một anh nông dân đi chiếc xe đạp thồ đến Phủ Thủ tướng kêu la ầm ĩ vì bị chính quyền địa phương lấy đất. Biết chuyện, ông nói: “Thôi được, để tớ tiếp, chú mời đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội lên cùng nghe xem oan sai thế nào để còn giải quyết ngay cho dân”.

Khi ngồi vào bàn tiếp dân, ông chú ý lắng nghe sự bức xúc của anh nông dân rồi ông trả lời rõ ràng từng câu một.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Nhưng anh nông dân vì quá nóng nảy nên ông Đỗ Mười nói đến đâu anh ta cũng nói đến đấy. Tôi nhắc nhở anh nông dân: “Bác Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng còn ngồi nghe anh trình bày từ đầu đến cuối, bây giờ bác nói cho anh hiểu, bác nói câu nào anh cãi lại câu ấy là thất lễ”. Anh ta đỏ mặt nói: “Thôi chết, cháu quên! Cháu xin lỗi!”. Sau đó, ông Đỗ Mười trao đổi với đồng chí Bí thư Hà Nội giải quyết việc oan ức về đất đai cho người dân ở huyện Hoài Đức”.

Ông Dương Văn Phúc còn nhớ lần ông Đỗ Mười tiếp một đoàn khoảng hơn 60 nông dân từ huyện An Lão, Hải Phòng lên Văn phòng Thủ tướng thắc mắc về việc dời mồ mả của họ ở đường 5. Ông cho gọi Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng lên cùng tiếp, hứa giải quyết và sau đó cho xe của Văn phòng Chính phủ đưa bà con về xã. Một tuần sau công việc được giải quyết.

Trong phong cách lãnh đạo của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười điều mà nhiều cán bộ từng làm việc dưới quyền ông hay nhắc tới là ông rất gần dân, coi trọng người dân.

Ông Phúc thổ lộ rằng, qua một số lần dân đến Phủ Thủ tướng khiếu nại, ăn nằm tại hiên nhà và sân của Văn phòng, ông Đỗ Mười định cho xây một số nhà ngoài khuôn viên cơ quan Phủ Thủ tướng để dân đi khiếu nại có chỗ ăn ở, không phải nằm vạ vật.

“Sau khi nghe tôi đã báo cáo lại cặn kẽ, ông Mười mới thôi không giao Văn phòng xây nhà kế tiếp nữa”, ông Phúc nói.

Có thể thấy, trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, dấu ấn mà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để lại với đồng chí, với cấp dưới và những thế hệ kế cận là một tinh thần vì dân phục vụ.

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012.

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/nguyen-tong-bi-thu-do-muoi-nguoi-lanh-dao-gan-dan-vi-dan-1118572.html