Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với phong trào giải phóng huyện Ứng Hòa

Về Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa vào những ngày này, những kỷ niệm về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân nơi đây.

Đồng chí Đỗ Mười chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo huyện Ứng Hòa.

Đồng chí Đỗ Mười chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo huyện Ứng Hòa.

Là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Tháng 3/1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông nói chung, huyện Ứng Hòa nói riêng.

Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Ứng Hòa, ngày 18/3/1945, tại Tảo Khê, Ban Tỉnh ủy Hà Đông tổ chức hội nghị nghiên cứu Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại hội nghị này, Ban Tỉnh ủy đã phân công đồng chí Đỗ Mười - Tỉnh ủy viên trực tiếp phụ trách phía nam Ứng Hòa với nam Mỹ Đức.

Tại phía nam huyện, đồng chí Đỗ Mười lấy xã Trầm Lộng làm cơ sở đứng chân, từ đó chỉ đạo phong trào cả vùng nam Ứng Hòa, nam Mỹ Đức. Đầu tháng 4/1945, đồng chí tổ chức Hội nghị cán bộ tại Trầm Lộng có đại diện các cơ sở Đảng trong khu vực tham gia. Hội nghị nhận định: Lúc này phong trào ở Ứng Hòa đang có điều kiện thuận lợi vì các cơ sở cách mạng đang trên đà phát triển, đông đảo các tầng lớp nhân dân sục sôi căm thù giặc Nhật, mong chờ cách mạng. Trong khi đó bọn thống trị địa phương, nhất là hàng ngũ tổng lý hoang mang, phân hóa sâu sắc. Hội nghị quyết định cần tận dụng điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhanh chóng phát triển lực lượng cách mạng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng để rèn luyện lực lượng, đón thời cơ khởi nghĩa.

Ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện. Trước đó, ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào nhận định tình hình, chủ trương lãnh đạo nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Chiều ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ họp khẩn cấp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Tại đây, Ứng Hòa là một trong hai huyện được hội nghị quyết định khởi nghĩa, trước tiên ở Hà Đông và đồng chí Đỗ Mười được phân công lãnh đạo khởi nghĩa ở Ứng Hòa.

Cũng trong đêm 15/8/1945, đồng chí Đỗ Mười triệu tập Hội nghị cán bộ khu vực nam Ứng Hòa tại Trầm Lộng phổ biến lệnh khởi nghĩa và bàn kế hoạch thực hiện. Hội nghị nhất trí nhận định: Ở Ứng Hòa, bọn thống trị địa phương hoang mang đến cực độ; cán bộ, quần chúng sẵn sàng, điều kiện khởi nghĩa giành chính quyền đã chín muồi. Trưa ngày 17/8/1945, hàng ngàn nhân dân vùng nam Ứng Hòa từ các xã xung quanh phủ lỵ đến các xã ven đường 60, từ ven Đáy đến Khu Cháy đổ về tập trung tại đình làng Tảo Khê.

Chùa Chòng - An toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ.

3 giờ chiều ngày 17/8/1945, tại Đình làng Tảo Khê, đồng chí Đỗ Mười thay mặt Ban Chỉ huy đánh trống tuyên bố lệnh khởi nghĩa, phổ biến kế hoạch đánh chiếm phủ đường. Sau đó, đoàn quân khởi nghĩa giương cao cờ đỏ sao vàng theo nhiều ngả tiến về phủ lỵ. 5 giờ chiều, quân khởi nghĩa đã hoàn toàn làm chủ phủ lỵ, tịch thu vũ khí của lính Bảo an bảo vệ phủ, phá kho thóc chia cho nhân dân, thiêu hủy giấy tờ, sổ sách.

Như vậy, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng huyện Ứng Hòa do đồng chí Đỗ Mười lãnh đạo, chỉ đạo đã giành thắng lợi oanh liệt và vẻ vang. Thắng lợi này đã góp phần quan trọng vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh.

Vào tháng 2/1994, Đảng bộ huyện Ứng Hòa đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Đỗ Mười đã về thăm và động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện. Tại đây, đồng chí đã hỏi thăm tình hình kinh tế - xã hội của huyện và gặp gỡ các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng ôn lại những ngày đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của quân và dân Ứng Hòa. Đồng chí viết: “Đảng và Nhà nước đời đời ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ và nhân dân Khu Cháy đã hy sinh anh dung và hết lòng bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội trước Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc”.

“Về thăm huyện Ứng Hòa lần này, tôi rất vui mừng thấy Đảng bộ và quân dân trong huyện đã phấn đấu đạt nhiều thành tích về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhân dịp năm mới, tôi thân ái chúc Đảng bộ và đồng bào toàn huyện phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, nỗ lực nhiều hơn nữa, cần kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng để đầu tư phát triển, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc và thành đạt” - Tổng Bí thư Đỗ Mười lưu bút tại Sổ vàng truyền thống của huyện Ứng Hòa.

Trương Thế Hữu - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ứng Hòa

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-do-muoi-voi-phong-trao-giai-phong-huyen-ung-hoa-326804.html