Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong tâm thức đồng đội

Sáng 14/8, hàng nghìn người đã đến Hội trường 25B thắp hương tưởng nhớ Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong số đó có những đồng đội cũ của ông.

 Cơn mưa nặng hạt kéo dài 2 ngày qua không ngăn được dòng người đến thắp hương tưởng nhớ Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Võ Dũng.

Cơn mưa nặng hạt kéo dài 2 ngày qua không ngăn được dòng người đến thắp hương tưởng nhớ Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Võ Dũng.

Cơn mưa từ tối ngày 13 kéo dài không ngớt đến trưa ngày 14 không ngăn được dòng người từ khắp nơi thuộc vùng Quân khu 4, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Ninh Bình, các ban, sở, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đến thắp hương tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Trong dòng người ấy, có những đồng đội đã từng vào sinh ra tử với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa.

Trong tâm thức của các đồng đội cũ, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là chỉ huy, là người đồng đội, người anh mẫu mực, hết lòng lo lắng cho an nguy và đời sống anh em chiến sỹ.

Ban liên lạc cựu chiến binh Trị-Thiên và Sư đoàn 324 gồm nhiều cựu chiến binh đã ngoài 80 tuổi vẫn vượt hàng trăm km về thành phố Thanh Hóa thắp hương tưởng niệm người đồng đội, người anh, người chỉ huy - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Võ Dũng.

Nghe tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, Thiếu tướng Võ Văn Chót, nguyên Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 4 và các đồng đội trong ban liên lạc cựu chiến binh quân khu Trị - Thiên và Sư đoàn 324 đau lòng như vừa mất đi người thân.

Các đồng đội trong ban liên lạc cũng đã trên 80 tuổi nhưng từ sáng sớm, đoàn xuất phát từ thành phố Vinh để kịp đúng 8 giờ sáng có mặt thắp hương tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Trong số tang viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thiếu tướng Võ Văn Chót viết: "Chúng tôi xin tự nguyện làm theo lời dặn về Đảng - giữ vững vinh dự người Đảng viên và anh bộ đội Cụ Hồ. Ảnh: Võ Dũng.

Thiếu tướng Võ Văn Chót cho biết, trong thời gian chiến đấu tại chiến trường Trị - Thiên, ông được biên chế vào Trung đoàn 1. Trong thười gian chiến đấu ở chiến trường này, khoảng thời gian từ 1966 đến năm 1976, ông được người anh, người đồng chí, đồng đội là nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu chỉ bảo, tận tình quan tâm.

“Tôi ở Trung đoàn 1 còn anh Lê Khả Phiêu là Chính ủy Trung đoàn 9. Dù không biên chế cùng đơn vị nhưng chúng tôi có một mục tiêu chung là giữ thành phố Huế khỏi sự khống chế của kẻ địch.

Sau Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 hi sinh, anh Phiêu kiêm cả chính ủy và Trung đoàn trưởng Trung đoàn, chỉ huy cùng các đơn vị giữ thành phố Huế” – Thiếu tướng Võ Văn Chót nhớ lại.

Thiếu tướng Võ Văn Chót cho biết thêm, lúc này, Chỉ thị của Trung ương là phải giữ bằng được thành phố Huế vì đó là mục tiêu chính trị số 2 chỉ sau Sài Gòn. Giữ được Huế có nghĩa là kẻ địch sẽ chịu thua ta về mặt chính trị.

Và trong suốt 26 ngày đêm chỉ huy giữ thành phố Huế, Trung đoàn 9, Trung đoàn 6 chỉ để cho địch chiếm giữ được Mang cá lớn, Mang cá nhỏ còn lại các mục tiêu bên ngoài, mục tiêu quan trọng quân ta đều làm chủ hết.

Nói về tài thao lược và tình thương của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với anh em chiến sỹ, Thiếu tướng Võ Văn Chót nhấn mạnh: “Trong quãng thời gian chiến đấu gian khổ đó và cả những năm tiếp theo, chúng tôi đều cảm nhận được tình cảm, sự tận tụy của anh. Đó là một con người khiêm nhường, có tài thao lược, chỉ huy sâu sát, giải quyết chính sách chu đáo.

Đồng chí dặn là phải mai táng những đồng đội hi sinh ở chỗ bằng phẳng, kín đáo để sau này độc lập thống nhất sẽ đưa về cho các gia đình hoặc quy tập về các nghĩa trang. Các đồng chí thương binh thì nhanh chóng đưa vào phía sau, đưa lên giáp ranh, vùng hậu cứ. Anh Phiêu động viện những người khỏe mạnh ở lại chiến đấu hết mình để đạt được mục tiêu chính trị đề ra”.

Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324, Tham mưu phó Quân khu IV: Với chúng tôi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một con người gần gũi như anh em ruột thịt. Ảnh: Võ Dũng.

Thiếu tướng Võ Văn Chót cho biết thêm, sau hòa bình lập lại, khi đi thăm lại các chiến trường cũ, các ngày kỷ niệm giải phóng Thừa Thiên, Mậu Thân..., ban liên lạc cựu Chiến binh Trị-Thiên và Sư đoàn 324 tập trung đến 700-800 đồng chí. Khi nhận được lời mời, trừ những lúc quá bận rộn, nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu thường sắp xếp để cùng đi với anh em.

Lúc làm Tổng Bí thư, dù bộn bề trăm công nghìn việc nhưng mỗi lần gặp mặt, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vẫn thường xuyên ân cần dặn dò đồng đội phải sống xứng đáng là bộ đội Bác Hồ.

Kỷ niệm lần cuối cùng gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324, Tham mưu phó Quân khu IV năm nay cũng đã 82 tuổi. Nhớ về người đồng đội, người anh – Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Đại tá Hồ Hữu Lạn bùi ngùi xúc động: “Với chúng tôi, đó là một con người gần gũi như anh em ruột thịt. Sau ngày hòa bình lập lại, chúng tôi được gặp anh Lê Khả Phiêu nhiêu lần, lần nào cũng trò chuyện thân tình.

Lần cuối cùng tôi được gặp anh là vào ngày 25/12/2019. Lúc đó, chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày sinh nhật nhưng trông anh sức khỏe không được tốt. Dù rất mệt nhưng anh vẫn nắm tay tôi, nói chuyện, dặn dò thân tình”.

Võ Văn Dũng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-trong-tam-thuc-dong-doi-d271048.html