Nguyên Trân - tiến sĩ Luật làm thơ, mê nhiếp ảnh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà thơ Nguyên Trân trò chuyện với tác giả. Ảnh: PV

Từng là học sinh chuyên Văn rồi trở thành tiến sĩ Luật, “say” công việc, mê nhiếp ảnh, song trong trái tim vẫn dành chỗ cho thi ca. Chị là Nguyên Trân - người đã “thu hoạch” hơn 80 huy chương các loại từ những cuộc thi, triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế trong năm 2021, tác giả tập thơ Cỏ không tên khe khẽ tiếng lòng.

Mới gặp lần đầu, nhà thơ Nguyên Trân đã mang đến cho người đối diện những cảm nhận khác biệt về một phụ nữ bản lĩnh, tràn đầy năng lượng. Đó là mẫu phụ nữ có thể làm chủ các tình huống, trên môi vẫn nở nụ cười.

Nhà thơ Nguyên Trân tên thật là Thu Hà, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Hiện nay, chị sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực ngoại giao. Cuộc trò chuyện với chị diễn ra chóng vánh tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt, nhưng ấn tượng vẫn đọng lại khá lâu. Có cảm giác, dù không là nghệ sĩ đến tận cùng, Nguyên Trân vẫn như một ngọn lửa.

* Thời phổ thông, chị học giỏi Văn, bây giờ chị là tiến sĩ Luật. Văn chương và luật pháp có liên quan gì với nhau, thưa chị?

- Thực ra có đấy. Trong đời thường, khi nói chuyện mình có thể dùng những từ ngữ dung dị, đơn giản nhưng khi nói về luật pháp thì ngôn từ phải gãy gọn, phải chuẩn. Rõ ràng Văn và Luật có liên quan với nhau.

* Luật đòi hỏi tư duy sắc sảo. Nhưng sự sắc sảo đó giúp gì cho thi ca?

- Thi ca cũng vậy. Ví dụ khi làm một bài thơ, nếu viết thừa thãi quá nhiều từ, như văn nói, thì đó không phải là thơ nữa. Với một tác phẩm thơ, tính thơ đã là một chuyện rồi, nhạc điệu đã là một chuyện rồi, ngôn từ cũng phải chắt lọc và chứa đầy hình ảnh. Trong đời thường, mình có thể đơn giản trong lời ăn tiếng nói, nhưng khi làm thơ thì phải khác, phải cô đọng, nếu không thì bài thơ chẳng thể nào chạm đến người đọc. Các cụ ngày trước có những câu tục ngữ, ca dao, trông đơn giản vậy thôi nhưng ý tứ lại rất nhiều.

Và đó còn là lời răn dạy chứ không chỉ đơn giản là nói về một sự vật, sự việc. Nên mình nghĩ, nếu có nghiên cứu, có học hỏi, có chắt lọc thì những gì mình viết ra sẽ tốt hơn.

* Năm 2015, chị ra mắt bạn đọc tập thơ “Cỏ không tên”. Chị gửi gắm điều gì trong tác phẩm đầu tay này?

- Mình làm thơ từ lúc nhỏ cơ, được đăng báo Nhi Đồng từ hồi đấy, nhưng mãi sau này thì mới có thời gian dành cho thơ nhiều hơn. Lúc đấy mới nghĩ đến chuyện tập hợp những bài thơ lại để in. Mình khi đấy là một người vô danh đối với văn chương, mới bắt đầu bước chân vào con đường văn chương. Mình tự nhận như một ngọn “cỏ không tên”. Và mình cũng chỉ dạo chơi với văn chương chứ không phải là người viết văn chuyên nghiệp, mặc dù hồi trước là học sinh chuyên Văn.

* Bây giờ, qua các tác phẩm, bạn đọc thấy chị là một nhà thơ thực thụ chứ không chỉ dạo chơi với thi ca, như chị nói.

- Cũng có thể là do những trải nghiệm đã giúp cho mình thôi, chứ thực ra thì mình vẫn còn nghiệp dư lắm.

* Thi ca mang lại cho chị điều gì?

- Cũng nhiều đấy. Xoa dịu nhiều đấy. Những khi căng thẳng vì công việc, hoặc có chuyện gì đó buồn phiền - cuộc sống mà, thì mình trải lòng với thơ. Những lúc reo vui về một vấn đề nào đó, mình cũng có thể trải lòng bằng thi ca.

* Vậy còn nhiếp ảnh thì sao, thưa chị?

- À, nhiếp ảnh là một niềm đam mê khủng khiếp đấy (cười). Mình chơi ảnh hơn chục năm rồi. Hồi đấy, một người bạn của ông xã từ Pháp về, thấy mình thích chụp hình - lúc đó chỉ có cái máy ảnh du lịch con con thôi, anh ấy mua cho một cái máy cơ to hơn. Có cái máy đấy, mình hay xách đi lang thang cùng bạn bè những lúc rảnh rỗi. Mình có người bạn thích chụp ảnh, thế là rủ nhau đi. Những lúc như thế rất vui vì được trở về với thiên nhiên, chụp ảnh côn trùng, cây cỏ, chim chóc. Mình chụp toàn như thế, chụp những gì rất tự nhiên chứ không có sự sắp đặt.

* Chị làm thế nào để có những tác phẩm ảnh nghệ thuật “đốn tim” như vậy?

- Mình chụp ảnh nhiều năm rồi, cũng đã bỏ đi rất nhiều hình rồi. Nhiều khi chụp hàng nghìn tấm, chỉ lấy được một tấm để dự thi. Cũng có lần đi chụp mấy ngày trời, về chỉ lấy được một, hai tấm. Ảnh dự thi, đầu tiên là chất lượng tốt, bố cục đẹp, phải có ý tưởng trong đó, và đặt tên cho phù hợp. Đặt tên cho bức ảnh cũng quan trọng, tên không phải là miêu tả bức ảnh mà có tính gợi mở. Lúc này, văn thơ lại giúp mình tìm được cái tên nghe thơ một chút.

* Những chuyến đi “săn” ảnh rất kỳ công đã mang lại cho chị điều gì?

- Người ta nói có mê thì có mệt, nhưng trong cái mệt đấy thì mình thỏa được đam mê. Chụp được một tấm hình đẹp đã sung sướng rồi, gửi đi thi và đoạt giải thì còn sung sướng nữa. Thành công với niềm đam mê nên mình rất vui.

* Chị làm thế nào để “phân định” một tiến sĩ Luật và một nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà thơ trong con người mình?

- Mình chỉ cần đóng đúng vai, trong đúng thời điểm thôi. Khi làm việc thì mình đúng là con người của công việc. Thực ra mình mê việc, có những hôm làm việc đến hai, ba giờ sáng là chuyện bình thường. Nhưng khi thả lỏng thì mình chơi “đụng nóc” luôn (cười giòn).

* Xin cảm ơn chị!

Những khi căng thẳng vì công việc, hoặc có chuyện gì đó buồn phiền thì mình trải lòng với thơ. Những lúc reo vui về một vấn đề nào đó, mình cũng có thể trải lòng bằng thi ca.

Nhà thơ Nguyên Trân

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270156/nguyen-tran-tien-si-luat-lam-tho-me-nhiep-anh.html