Nguyên trạng trên Biển Đông tiếp tục bị thay đổi

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 được khai mạc ngày 8/11 tại Đà Nẵng, các đại biểu, học giả đã có những phát biểu đáng chú ý xoay quanh tình hình Biển Đông cũng như các quốc gia có liên quan.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) tổ chức. Ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết, sau 10 năm tổ chức, hội thảo đã quy tụ hơn 300 diễn giả, khoảng 2.000 lượt đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự.

Cũng sau 10 năm tổ chức, hình thức và chương trình nghị sự trở nên ổn định, gồm: cập nhật tình hình trên Biển Đông; phân tích chính sách của các nước liên quan; làm rõ các vấn đề nổi lên; thảo luận phương hướng, giải pháp giải quyết tình hình trên Biển Đông và các khuyến nghị các Chính phủ liên quan. “Nhận thức của xã hội đang tăng lên, ngày càng có nhiều người của những nước liên quan quan tâm hơn đến vấn đề Biển Đông, dựa trên những thông tin đa chiều, đa dạng hơn”, ông Nguyễn Vũ Tùng thông tin thêm.

Hội thảo thu hút sự tham dự của 220 đại biểu, học giả trong nước và quốc tế.

Theo ông Tùng, nỗ lực của khu vực và quốc tế để làm cho tình hình Biển Đông giảm căng thẳng, hướng tới những giải pháp hòa bình, đảm bảo an ninh và phát triển hợp tác vẫn chưa được như mong muốn. Gốc rễ của tranh chấp trên Biển Đông dù được bàn đến nhưng chưa được xử lý về mặt chính sách và thực tiễn. Giám đốc Học viện Ngoại giao cũng nhận định rằng nguyên trạng trên Biển Đông tiếp tục bị thay đổi theo hướng làm xói mòn trật tự quốc tế, hạn chế các thành phần hợp tác và xói mòn lòng tin giữa các nước liên quan.

Trong 2 ngày, hội thảo sẽ làm việc 8 phiên, với sự tham dự của 220 đại biểu, bao gồm 89 học giả quốc tế, 31 đại diện đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam.

Hà Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nguyen-trang-tren-bien-dong-tiep-tuc-bi-thay-doi-520903.html