Nguyễn Trương Quý và du khảo đặc biệt về tân nhạc ái quốc

Gần đây có nhiều tác phẩm nghiên cứu âm nhạc trong nước đã được ra mắt, thuộc nhiều thể loại từ jazz, bolero, cải lương cho đến tân nhạc, cổ nhạc… Tuy thế chiếm giữ đa số vẫn là từ các tác giả nước ngoài. Nguyễn Trương Quý có thể nói là một trong những tác giả đầu tiên đưa du khảo âm nhạc đến với khán giả phổ thông.

Sau Một thời Hà Nội hát (2018) nghiên cứu vấn đề giải trí của đô thị Hà Nội trước và sau năm 1954, thì mới đây Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc đã được giới thiệu. Trong tác phẩm này, Nguyễn Trương Quý sẽ “đi lại từ đầu” về lịch sử hình thành tân nhạc cũng như tương quan lịch sử, các hội nhóm văn hóa cũng như rất nhiều yếu nhân góp phần tạo nên trào lưu này.

Thời thế và những “siêu anh hùng ca”

Như nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha nhận định “nghệ thuật hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi hệ tư tưởng, và âm nhạc trở thành công cụ trung thành nhất”. Điều này cũng đúng với tân nhạc ái quốc. Theo dòng lịch sử ta sẽ bắt gặp chính bởi những “nội lực” từ trong bối cảnh mà tân nhạc ái quốc đã kịp ra đời như một lời đáp.

Bắt đầu từ cuối thập niên 1930 khi ban nhạc Tổng hội Sinh viên của Đại học Đông Dương ra mắt, thì “âm nhạc mới” cũng được khởi đầu. Năm 1936 với chiến thắng của Mặt trận Bình dân tại Pháp, đời sống chính trị có phần rộng mở, phong trào cải cách tân nhạc bắt đầu những bước đầu tiên, với sự xuất hiện của Lưu Hữu Phước, Trần Văn Khê...

Ở giai đoạn này, những bài “tân nhạc” chịu nhiều ảnh hưởng từ các bài hành quân Pháp với phần lời lãng mạn của Thơ mới. Kết hợp được với phong cách hướng đạo nên giờ đây âm nhạc trở nên hùng hồn, khỏe mạnh trong những bài hành khúc. Ngoài tân nhạc thì kịch tân thời (đăng trên báo chí) với những tên tuổi Thế Lữ, Khái Hưng… cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, dù vẫn mới “chớm nở” nhưng đã phần nào thoát khỏi vai trò “làm nền” hay “đóng vai phụ” trong các buổi diễn cải lương.

Tác giả Nguyễn Trương Quý ký tặng sách cho độc giả của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

Bước sang đầu năm 1940 khi bối cảnh chính trị ở Pháp bắt đầu rối ren, thì đời sống văn nghệ dần thu hẹp dần. Tuy thế, những người đứng đầu của Tổng hội Sinh viên – thế hệ sản sinh ra nhiều nhà cách mạng xuất sắc sau này, đã nhanh chóng “tương kế tựu kế” để đưa tinh thần cách mạng vào giới sinh viên, lợi dụng chính sách bảo tồn phong tục của triều đình Huế cũng như phong trào Thể dục và Thanh niên của chính quyền Decoux.

Những năm đầu Đệ nhị Thế chiến với sự bành trướng của Nhật, giới sinh viên giờ đây kết hợp cả hai mục tiêu vừa chống Nhật, vừa chống Pháp. Trong khi văn hóa của Pháp “làm ra vẻ săn sóc đến trí dục, thể dục, đức dục cho dân; mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa”, thì Nhật “tìm cách phô trương và giới thiệu văn hóa Nhật Bản (triển lãm, diễn thuyết, viện văn hóa, trao đổi du học sinh...), đàn áp các nhà văn chống Nhật và mua chuộc các nhà văn có tài”.

Trong bối cảnh này, bộ ba “chàng lính ngự lâm” Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên thực hiện những chuyến “về nguồn” ở các di tích lịch sử như Cổ Loa, Bạch Đằng, Chi Lăng… từ đó viết ra vệt bài “siêu anh hùng ca” nổi tiếng từ Bắc đến Nam. Ngoài ban nhạc tổng hội sinh viên Đại học Đông Dương thì ở Hải Phòng cũng đã xuất hiện nhóm Đồng Vọng mà Văn Cao là một thành viên rồi sẽ nổi tiếng ở quãng sau này.

Như vậy có thể thấy rằng lịch sử phát triển tân nhạc ái quốc gắn liền với các hội nhóm, từ đó “cảm thức quốc gia” đã được thể hiện vô cùng rõ ràng. Bên cạnh là “hạt nhân” chính cho phong trào này, đời sống văn nghệ khi ấy cũng đã tạo ra lực lượng cách mạng nòng cốt cho tương lai.

Chuyên chở ý niệm quốc gia - dân tộc

Cũng vẫn theo cách tiếp cận tương tự Một thời Hà Nội hát, ở Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc Nguyễn Trương Quý đã chọn cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước như người nắm giữ “vận mệnh”, từ đó phát triển kết cấu của cuốn du khảo theo cuộc đời ông. Từ thành viên trung tâm này, nhóm Hoàng Mai Lưu cũng như các mối liên hệ và giao thoa khác với các hội đoàn đã tạo nên một bối cảnh chung cho văn hóa đương đại.

Theo đó các bài hát ái quốc của Lưu Hữu Phước có sự lan tỏa lớn hơn cả, theo lý giải của Nguyễn Trương Quý đó là nhờ có sự tập trung của ca từ vào chủ đề chính và thông điệp mạnh mẽ hướng đến đối tượng thanh thiếu niên ở thời bấy giờ. Bằng những lời ca mang tính chính trị, tồn tại một sự kích thích đối với tâm lý đã sẵn “lật đổ”. Đồng thời sự phát triển của phong trào hướng đạo, các đoàn thể thanh niên cũng tạo ra sức lan tỏa các bài hành khúc.

Như đúng khẩu hiệu của Tổng cục Thể thao và Thanh niên Đông Dương, những bài hát này đã “phản ánh một khao khát của giới trí thức tinh hoa bản địa muốn xác lập địa vị của mình trong bối cảnh thuộc địa mà họ bị nhận diện là những người thấp kém hơn tầng lớp thực dân”.

Bìa cuốn du khảo Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc.

Đi sâu hơn vào phân tích, có thể thấy rằng những bài hát này rất thường sử dụng những từ khóa chung như “cùng đi, “cùng bước”, “cùng nhau tiến tới”, “quyết tâm”... với lời ca chia sẻ thông điệp đoàn kết tập thể. Và trong giai đoạn sau này, những đồng vọng hướng về quá khứ cũng xuất hiện thêm “con cháu Rồng Tiên”, “con cháu Lạc Hồng” hay “hồn nước”…

Như Nguyễn Trương Quý lý giải, sở dĩ có những điều này là bởi các chiến thắng trên mang theo “tính chất biểu tượng cho lòng tự tôn dân tộc, yếu tố thuộc về phức cảm biểu tượng huyền thoại (myth-symbol complex) ở sẵn trong các cộng đồng văn hóa, như một đề xuất của Anthony D. Smith về sự liên quan giữa phức cảm này với chủ nghĩa dân tộc”.

Những bài mang theo màu sắc dân tộc chủ nghĩa đậm đã không hề giấu tham vọng trở thành công cụ tạo ra một không gian chuyên chở ý niệm quốc gia dân tộc. Như lời nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, giờ đây “nhạc khúc không còn tính chất gợi cảm (impressionniste) nhẹ nhàng mà là những tác phẩm tả thực (reáliste), là những bài có thể được gọi là siêu anh hùng ca (chant épique)”.

So sánh nó với những lời phê bình ở thời kỳ đầu: “[…] phần nhiều không có tính cách Việt Nam. Đó thường là những âm điệu đàn Tây, nhanh nhẹn, vui vẻ, nhưng không có dấu vết của tâm hồn Việt Nam phổ theo một cảm hứng mới”, giờ đây ta đã thấy được một mối bận tâm để tìm ra kiểu thức Việt Nam hay “tâm hồn Á Đông” ở các nhạc sĩ. Từ đó cho thấy họ có một tinh thần tìm kiếm bản sắc cộng đồng và một ý thức cao độ về ý niệm dân tộc chủ nghĩa, thay vì bằng lòng với khuôn mẫu Tây phương.

Ngoài vai trò trên thì chân dung Lưu Hữu Phước như một nhà phê bình khó tính cũng như hành trình “ra Bắc vào Nam” làm cách mạng của ông cũng được thể hiện vô cùng sinh động. Ngoài Lưu Hữu Phước thì Văn Cao cũng được đặt để như một đối trọng, từ đó Nguyễn Trương Quý đi từ thời “bán tranh” để có cái ăn cho đến khi đã trở thành một nhạc sĩ lớn, đại diện cho "bầu âm quyển" của nước Việt mới…

Như vậy với Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, Nguyễn Trương Quý đã khắc họa lại một bối cảnh rực rỡ, hùng tráng và cũng rất nhiều biến động của tân nhạc ái quốc. Với cách tiếp cận giản đơn, khúc chiết nhưng cũng sinh động, đây là một trong những du khảo quan trọng về một thời đoạn âm nhạc, cũng như hy vọng sau đây sẽ có nhiều nghiên cứu tiếp nối.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-quy-va-du-khao-dac-biet-ve-tan-nhac-ai-quoc-37874.html