Nguyễn Văn Tý - nhạc sĩ góp phần làm nên dòng nhạc cách mạng

Nghe tin nhạc sĩ, người anh Nguyễn Văn Tý từ trần, tôi thật buồn và tiếc thương anh. Tôi với anh quen biết, gắn bó với nhau từ những ngày đầu làm âm nhạc. Khi đó, cả hai mới độ tuổi đôi mươi, cũng chưa có tác phẩm nào lớn.

Tôi kém anh Văn Tý 3 tuổi nên tôi coi anh như người anh thân quý trong gia đình. Hồi đầu kháng chiến, khi tôi và anh đều công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, anh thường đưa chúng tôi về nhà chơi. Nhà anh nằm bên dòng sông Lam. Mỗi lần chúng tôi về, mẹ anh hay làm cơm chờ sẵn để anh thết bạn.

 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ. Ảnh tư liệu

Cuộc sống của Nguyễn Văn Tý kể cả khi còn trẻ, trong chiến tranh và đến khi hòa bình cũng đều rất giản dị, đáng yêu. Cho đến lúc cuối đời của anh cũng vậy. Anh không hề có sự xa cách mà gần gũi, thân thương. Nhưng anh cũng là người có cá tính nghệ sĩ mạnh nên đôi lúc làm mất lòng người này, người khác. Tuy nhiên, khi nhắc đến Nguyễn Văn Tý, ai cũng dành cho anh sự mến trọng.

Với cá tính cùng tài năng, Nguyễn Văn Tý đã tìm cho mình một con đường âm nhạc riêng có. Mỗi người có một cách theo đuổi âm nhạc. Nhưng con đường âm nhạc bấy giờ là âm nhạc cách mạng, âm nhạc của tinh thần dân tộc, đại chúng và khoa học. Ở mỗi nhạc sĩ sẽ có cách thể hiện khác nhau. Chính tài năng của Nguyễn Văn Tý đã để lại những tác phẩm mang đậm dấu ấn của riêng anh được công chúng yêu mến.

Âm nhạc của Nguyễn Văn Tý rất độc đáo. Anh thường lấy chất liệu từ dân ca để viết nên những tác phẩm không thể lẫn với ai được. Tôi nhớ, tác phẩm mà Nguyễn Văn Tý để lại nhiều dấu ấn nhất lúc bấy giờ là bài hát “Dư âm”. Sau đó, nhiều bài hát được anh sáng tác đã đi vào lòng người như: “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dáng đứng Bến Tre”... Cách khai thác dân ca trong âm nhạc đã đem lại chất thơ cho các tác phẩm của Nguyễn Văn Tý. Bởi thời bấy giờ, hầu hết lời bài hát là chúng tôi tự viết. Chúng tôi tự làm lấy lời. Có thể coi mỗi nhạc sĩ là một nhà thơ. Nhiều lời bài hát của Nguyễn Văn Tý rất thơ. Những tìm tòi, sáng tạo của cá nhân anh đã dân tộc hóa chất liệu âm nhạc, để lại những ca khúc mà đến bây giờ chúng ta vẫn không thể nào quên được.

Tôi đã nhận ra anh là một tài năng âm nhạc từ khi chúng tôi mới quen nhau. Tôi và anh Nguyễn Văn Tý cùng thời với các văn nghệ sĩ khác, như: Thanh Tịnh, Hải Châu, Chế Lan Viên... Chúng tôi cùng công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 4 do anh Lưu Trọng Lư làm chủ tịch. Thường lúc bấy giờ, các nhạc sĩ sẽ sáng tác, đồng thời tự hát cho bộ đội và nhân dân nghe. Vì thế, thành một nếp bình thường trong nghề nghiệp, chúng tôi sẽ hát cho nhau nghe để có những nhận xét và sửa trước khi hát cho mọi người. Khi tôi sáng tác bài hát mới nào lại hát cho anh Nguyễn Văn Tý nghe trước và ngược lại.

Vào buổi tối mùa xuân năm 1958, khi đó, tôi và nhạc sĩ Văn Tý đã về Hà Nội và ở cạnh nhà nhau, lúc tôi viết bài hát “Bài ca hy vọng” còn chưa có câu kết. Vì cao hứng, tôi chạy thẳng sang nhà anh Nguyễn Văn Tý, hát cho anh nghe. Sau khi anh góp ý, tôi đã sáng tác một mạch và hoàn thiện bài hát. Anh là khán giả đầu tiên nghe tôi hát “Bài ca hy vọng” và cũng là người trao đổi những điều thú vị về lời ca và âm nhạc cho bài hát của tôi. Cũng như vậy, khi anh sáng tác bài hát “Mẹ yêu con”, tôi là người đầu tiên được nghe anh hát. Và những lúc hát cho nhau nghe, những lúc trao đổi thân tình về các tác phẩm mới của nhau là điều mà chúng tôi không bao giờ quên được.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã về bên kia thế giới. Anh để lại cho thế hệ chúng tôi và cả những người yêu mến nhạc bao niềm thương tiếc. Anh cũng để lại cho nền âm nhạc Việt Nam một tài sản nghệ thuật quý. Nguyễn Văn Tý xứng đáng là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Anh đã được Nhà nước vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật.

Nhạc sĩ VĂN KÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguyen-van-ty-nhac-si-gop-phan-lam-nen-dong-nhac-cach-mang-606401