Nguyễn Xuân Lứ, chuyện chưa kể về người đội trưởng phá bom

Ngã Ba Đồng Lộc là địa danh huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống Mĩ vĩ đại của dân tộc ta. Nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công hiển hách của tập thể nhân dân và cũng ghi dấu cả những huyền thoại cá nhân vĩ đại.

Ngày hôm nay, chúng tôi muốn kể về một người anh hùng thầm lặng. Câu chuyện của ông chính là một huyền thoại cá nhân tiêu biểu cho thế hệ anh hùng của thế kỉ 20, đó là người Đội trưởng rà phá bom mìn Nguyễn Xuân Lứ.

Phá hủy 320 quả bom...

Đó là những con số biết nói về cuộc đời chinh chiến của người anh hùng Nguyễn Xuân Lứ (76 tuổi), trú tại xóm 7, xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Sau 9 lần đối mặt với tử thần nơi chiến địa, ông chính là người đội trưởng duy nhất còn sót lại trong tổ đội rà phá bom mìn gồm 15 người nơi tuyến lửa Ngã Ba Đồng Lộc năm xưa.

Thanh niên xung đang sửa đường tại Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu

Ở tuổi 22, chàng trai trẻ măng năm đó tham gia vào đội rà phá bom mìn thuộc đoàn giao thông vận tải tỉnh Hà Tĩnh. Với lòng quả cảm gan dạ, từ năm 1964 đến năm 1969, chàng thanh niên Lứ được cấp trên tin tưởng, giao giữ chức vụ Đội trưởng Đội Rà phá bom mìn thuộc Phòng Giao thông huyện Can Lộc.

Khoảng giữa năm 1964, lúc đó giặc Mỹ ném bom ác liệt, đoàn giao thông Hà Tĩnh cùng các đơn vị khác đã quyết định thành lập Đội rà phá bom mìn gồm 15 chiến sĩ tại Ngã Ba Đồng Lộc. Trong đó Nguyễn Xuân Lứ được giao làm đội trưởng. “Đội rà phá bom mìn chúng tôi có 15 đồng chí, tôi được giao làm đội trưởng và nữ anh hùng La Thị Tám làm đội phó. Không chỉ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn mà lúc đó chúng tôi còn phải làm hoa tiêu để cho các loại xe qua lại mỗi khi quân địch ném bom. Chúng tôi còn làm việc chung với Anh hùng liệt sĩ Vương Đình Nhỏ, anh hùng Uông Xuân Lứ…”, Ông Lứ nhớ lại.

Trong thời gian làm đội trưởng rà phá bom mìn, tại đoạn đường huyết mạch mà địch tập trung đánh phá, ông Lứ đã gặp không ít hiểm nguy. Trải qua biết bao trận mưa bom bão đạn, ông vẫn là người gan lỳ và cũng là người “cao số” khi đã chín lần thoát khỏi tử thần. Cứ mỗi lần cùng đồng đội đi rà phá bom mìn, chỉ còn mình ông sống sót trở về. “Thời gian 5 năm làm đội trưởng đội rà phá bom mìn tôi đã phải đau xót nhìn các đồng đội lần lượt hy sinh. Cứ mỗi lần cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ, chỉ còn lại mình tôi may mắn trở về. Để hỗ trợ phá được 320 quả bom các loại, cứu sống rất nhiều đồng đội bị thương và hàng ngàn lượt xe thoát khỏi bom đạn, tôi đã phải trải qua 9 lần bị thương, trong đó có 6 lần phải nhập viện vì bom đạn”, ông Lứ cho biết.

Mặc dù đã về hưu nhưng vợ chồng ông Nguyễn Xuân Lứ vẫn liên tục tham gia các chức vụ quan trọng trong thôn, xã

Kết nạp Đảng viên ngay trên mặt trận

Kỷ niệm khó quên nhất với ông Nguyễn Xuân Lứ đó là vào một buổi trưa tháng 5/1967. Ngày hôm đó giặc Mỹ ném bom dữ dội ở Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Xuân Lứ và người đồng đội Phan Ngọc đi kiểm tra số lượng bom mà quân địch ném xuống, hai người phát hiện ra rất nhiều bom từ trường máy bay Mỹ ném xuống.

Để cho đoàn xe thông qua kịp trong ngày, hai ông đã cùng nhau bàn bạc để phá bom. Trong lúc đang làm nhiệm vụ, bỗng nhiên một quả bom phát nổ, khiến người đồng đội Phan Ngọc hy sinh tại chỗ, còn ông Lứ bị thương nhẹ.

Cảm phục trước tấm gương của hai chiến sĩ, ngay trong ngày hôm đó ban lãnh đạo huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh đã làm lễ kết nạp Đảng cho cả hai người tại mặt trận Đồng Lộc. Đó cũng là trường hợp duy nhất được kết nạp Đảng ngay trong trận chiến ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ.

Một kỉ niệm khác cũng vô cùng đáng nhớ là ngày 8/3/1968 tại Eo Truông Kén, thuộc huyện Can Lộc. Hôm đấy có 2 đoàn xe hơn 20 chiếc đang tiến dần vào Nam, nhưng đến đoạn dốc này thì có hai quả bom lớn đang nằm chắn ngang qua đường. Không thể để đoàn xe dừng lại quá lâu, vì máy bay địch có thể dội bom bất cứ lúc nào, ông đã tìm cách cho nổ hai quả bom trên.

Mặc dù đã cố hết sức, tuy nhiên cả hai quả bom vẫn không chịu nổ. Khi đoàn xe tiến lại gần ông Lứ liền cởi bỏ hết quần áo và lột bỏ chất kim loại trong người, dùng gậy làm đòn bẩy hai quả bom xuống hố sâu. Khi đoàn xe đã đi qua an toàn thì có một chiếc xe dừng lại, rồi hai người trên xe xuống mời ông Lứ lên xe để vào gặp chủ tịch Tỉnh.

Lúc lên xe nói chuyện, ông Lứ mới biết một trong hai người đó là Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lúc bấy giờ. “Hôm đó sau khi một mình tôi dùng gậy để đẩy hai quả bom rơi xuống vực sâu, có hai người đàn ông trên xe xuống và bê thốc tôi vào xe, một người giới thiệu đây là bác Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sau đó bác Tuệ đã thưởng cho tôi 100 đồng và đưa tôi vào gặp bác Đạt chủ tịch tỉnh để nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì ngay trong đêm hôm đó”, ông Nguyễn Xuân Lứ kể lại.

Ngã Ba Đồng Lộc là địa danh huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống Mĩ vĩ đại của dân tộc ta

Người anh hùng thầm lặng…

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Lứ trở về công tác tại phòng giao thông huyện Can Lộc. Trong quá trình công tác tại đây, ông Lứ đã vinh dự nhận được rất nhiều phần thưởng như: danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba, Bằng khen Trung ương Đoàn thanh niên, Bằng khen Chính phủ.

Giờ đây khi bước sang cái tuổi xế chiều, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều nhưng ông và người vợ Phan Thị Hảo (SN 1949) vẫn thường xuyên tham gia các công tác xã hội trong thôn, xã.

Người hùng năm xưa vẫn miệt mài cống hiến cho đời, bình yên và giản dị trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ tại xóm 7, xã Hồng Lộc. Dù thời gian đã trôi qua nhưng ký ức về chiến tranh, về những trận đánh ác liệt, và những lần đối mặt với tử thần tại Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào huyền thoại vẫn còn in đậm trong hồi ức của người lính già.

Trước những cống hiến vô cùng to lớn cho ngành GTVT, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 25/4/2015, ông Nguyễn Xuân Lứ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Thế hệ trẻ chúng tôi lớn lên chưa từng biết đến bom đạn, chưa từng trải qua nỗi đau khổ chiến tranh và chết chóc, trước những tấm gương như người lính già Nguyễn Xuân Lứ, chúng tôi lại cảm thấy mình thật nhỏ bé biết bao.

Bởi chưa cần đến danh hiệu, vinh danh hay phong tặng, những người anh hùng thầm lặng ấy vẫn ngày ngày cống hiến cho đời theo cách mà họ đã sống và chiến đấu, để rồi dù trong chiến tranh, hay trong đời thường họ đã trở thành những anh hùng - lặng thầm mà cao cả!

Phú Cát

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//nguyen-xuan-lu-chuyen-chua-ke-ve-nguoi-doi-truong-pha-bom_n39193.html