Nhà báo của BBC News bị bắn chết tại Khost, Afghanistan

Phóng viên BBC News Ahmad Shah bị giết ở tỉnh Khost, phía Đông Afghanistan, trong một ngày diễn ra các vụ tấn công khiến gần 40 người tử vong, các nhà báo khác cũng nằm trong số đó. Từ trước tới nay, đã có nhiều nhà báo thiệt mạng trong khi tác nghiệp tại Afghanistan – nhất là các vùng do phe Taliban và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát.

Nhà báo Ahmad Shah được kính trọng

Ahmad Shah, 29 tuổi, đã làm cho BBC Tiếng Afghanistan hơn một năm. Thông cáo của Giám đốc Thế giới vụ của BBC News Jamie Angus nói rằng Shah là một nhà báo "được kính trọng và được nhiều người biết đến".

"Đây là mất mát to lớn và tôi gửi lời chia buồn chân thành đến bạn bè và gia đình Ahmad Shah và ban BBC Tiếng Afghanistan" - ông nói - "Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để trợ giúp gia đình anh ấy trong thời điểm khó khăn này".

Lãnh đạo Đài BBC News cho biết Ahmad Shah là nhà báo được kính trọng (Ảnh: BBC News)

Cảnh sát trưởng Khost Abdul Hanan nói với phóng viên BBC Tiếng Afghanistan rằng, Shah bị bắn chết bởi những người đàn ông vũ trang chưa xác định được. Ông nói cảnh sát đang điều tra vụ này.

Người dân địa phương nói với phóng viên BBC rằng, Shah đang đạp xe khi vụ tấn công xảy ra. Sau đó anh được đưa đến bệnh viện nơi anh qua đời vì vết thương quá nặng.

Anh đang ở trong khu vực an toàn khi vụ tấn công xảy ra - Giám đốc BBC News Fran Unsworth cho hay. Shah là nhân viên thứ 5 của BBC News bị giết ở Afghanistan kể từ khi cuộc nội chiến diễn ra tại nước này hồi thập niên 1990.

Những người trước đó đã bị giết là:

-Mirwais Jalil, 25 tuổi, bị bốn tay súng tấn công năm 1994

-Abdul Samad Rohani bị bắn chết tại tỉnh Helmand năm 2008

-Ahmed Omed Khpulwak, 25 tuổi, bị các lực lượng do NATO dẫn đầu năm 2011 giết lầm

-Mohammed Nazir, một tài xế của BBC bị giết trong vụ đánh bom năm 2017

Khost, nơi vụ tấn công xảy ra, nằm giáp Pakistan và là một địa điểm quan trọng trong cuộc xung đột với các chiến binh Taliban, IS sau khi các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đưa quân Afghanistan vào năm 2001.

Nhóm phóng viên Đài BBC News ghi lại hình ảnh núi lửa phun ở Sicily (Ảnh: BBC News)

Hai vụ đánh bom kinh hoàng

Ngày 30/4, hai vụ nổ tại một khu vực ngoại giao ở trung tâm thủ đô Kabul khiến ít nhất 26 người tử vong, trong đó có nhiếp ảnh gia hàng đầu của AFP và 8 nhà báo khác (bao gồm cả phóng viên ảnh), khoảng 45 người bị thương. Trước đó, vào hôm 20/4, IS đánh bom tự sát trung tâm đăng ký bầu cử, 57 người chết, 119 bị thương.

Vụ tấn công thứ nhất xảy ra vào 8h sáng (giờ Kabul), một kẻ đánh bom tự sát lái xe mô tô kích hoạt thiết bị nổ tại khu vực Shashdarak, thuộc quận Cảnh sát 9 của thành phố, gần tòa nhà cơ quan tình báo Afghanistan NDS. Vụ nổ thứ hai xảy ra khoảng 40 phút sau đó bên ngoài tòa nhà Bộ Phát triển đô thị và nhà ở, khi các nhân viên đang vào văn phòng.

Vụ nổ này xảy ra cạnh các phóng viên trước đó đã tập trung đưa tin về vụ nổ đầu tiên. Người phát ngôn Bộ Y tế Afghanistan Wahidullah Majroh cho biết trong số các nạn nhân thiệt mạng có phóng viên ảnh Shah Marai của hãng tin AFP.

Quận Shashdarak có Bộ Quốc phòng, cơ quan tình báo và trụ sở của NATO. 27 người khác bị thương, trong đó có người bị thương nặng, đang cấp cứu tại bệnh viện. Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công, nhưng việc đánh bom ở thủ đô Afghanistan không phải là không phổ biến, và đánh bom tự sát theo kiểu của IS tự xưng.

* *

Tháng 2/2017, một vụ đánh bom tự sát do IS tự xưng tiến hành tại Shashdarak đã khiến 3 người thiệt mạng và 5 người bị thương. Cả IS lẫn Taliban vẫn hoạt động tại Afghanistan, trong đó chỉ có 30% dưới sự kiểm soát của chính phủ, theo nghiên cứu của BBC được công bố đầu năm nay.

Thủ đô Kabul đã từng bị tấn công khủng bố nhiều lần làm hàng trăm người chết và bị thương. Abdullah Abdullah - quan chức điều hành cấp cao Afghanistan (chức danh tương đương Thủ tướng) và phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan cũng đồng loạt lên án vụ đánh bom.

Đoàn làm phim Đài BBC News bị tấn công ở Trung Quốc trong khi làm phim về ma túy (Ảnh: BBC News)

Phóng viên BBC News thường lăn lộn vào tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm: Nhóm phóng viên Đài BBC News ghi lại hình ảnh núi lửa phun ở Sicily (Italy); Đoàn làm phim Đài BBC News bị tấn công ở Trung Quốc trong khi làm phim về ma túy; Các nhà báo vào săn tin tại chiến trường Iraq, Syria… Năm 2017, Afghanistan được Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp là quốc gia nguy hiểm thứ ba trên thế giới. Họ cho biết đã có chín nhà báo bị giết trong ba cuộc tấn công.

Thủy Tiên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nha-bao-cua-bbc-news-bi-ban-chet-tai-khost-afghanistan-d67035.html