Nhà báo đi tìm nhà báo liệt sĩ

Gần 30 năm trước, xuất phát từ tình cảm muốn tìm 2 liệt sĩ (2 người bạn học khóa 2 Trường Tuyên huấn Trung ương), nhà báo Văn Hiền nảy ra ý định đi tìm nhà báo liệt sĩ. Mỗi lần tìm được thông tin, vẽ được 'hình hài' về một nhà báo liệt sĩ là một cuộc gian truân, mừng vui xen lẫn nước mắt.

Ông có vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh nhưng sức làm việc thật đáng nể. Đến nay, ông đã xuất bản 6 tập thơ, 7 tập văn xuôi, 3 kịch bản, 12 công trình biên khảo cùng hàng trăm bài báo. Nhưng người ta biết và nhớ đến ông không chỉ ở các đầu sách, bài báo mà còn là một nhà thơ, tác giả bài thơ nổi tiếng Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh và người gần 30 năm đi tìm nhà báo liệt sĩ… Ông là nhà thơ, nhà báo Văn Hiền, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An.

Sao lại vô danh?

Tôi đến thăm nhà báo Văn Hiền ở xóm Hòa Tiến (xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An). Bên chén trà, ông kể, ông sinh năm 1948 ở làng Vọng (xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Năm 1967, bố ông hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, khi đó ông đang là công nhân ngành giao thông vận tải. Đến năm 1969, vì có năng khiếu viết báo nên ông được điều về công tác tại Báo Nghệ An. Hòa bình lập lại, ông đi tìm bố. Đến nghĩa trang liệt sĩ nào cũng bắt gặp những tấm bia ghi “Liệt sĩ vô danh”. Tim ông như nghẹn lại: Sao lại vô danh? Tại sao những anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì quê hương đất nước lại là vô danh? Cho đến khi tìm được mộ bố, ông vẫn cứ đau đáu, ám ảnh về những tấm bia “vô danh” trong các nghĩa trang liệt sĩ.

Tháng 7-1993, ông lên huyện Anh Sơn dạy chính trị. Trưa đó, sau khi ăn cơm xong, nằm nghỉ chốc lát nhưng trằn trọc không chợp mắt được, ông lững thững đi vào Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào. Đứng lặng trước bạt ngàn bia mộ, tim ông lại nhói đau với tự hỏi: Tại sao lại vô danh? Tại sao? Rồi bất chợt như có tiếng vọng từ sâu thẳm trong tâm hồn, ông ngồi xuống bên một ngôi mộ liệt sĩ và lấy giấy bút ra, mạch thơ cứ thế tuôn… Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng/Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa… Ông tâm sự: “Bài thơ được hoàn thành ngay tại nghĩa trang, sau đó tôi chỉ sửa lại đúng một chữ. Đó là một chữ ở cuối bài: Tổ quốc không đánh mất tên Anh/Chỉ lặng thầm nhận về mình/nỗi đau xanh cùng năm tháng. Tôi sửa, bỏ một chữ “đánh”, chứ nói “đánh mất” thì đau quá! Thành câu:Tổ quốc không mất tên Anh.

Bài thơ Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh đăng trên Báo Quân đội nhân dân đã gây xúc động trong lòng độc giả. Từ bài thơ, bộ phim tài liệu Không ai là vô danh ra đời. Ngay sau đó, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã đề nghị Bộ LĐTB-XH cùng các bộ ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi 70.000 bia mộ (thời điểm ấy), từ “liệt sĩ vô danh” thành “liệt sĩ chưa tìm được tên tuổi, quê quán”.

Hành trình gian nan

Gần 30 năm trước, xuất phát từ tình cảm muốn tìm 2 liệt sĩ (2 người bạn học khóa 2 Trường Tuyên huấn Trung ương), nhà báo Văn Hiền nảy ra ý định đi tìm nhà báo liệt sĩ. Mỗi lần tìm được thông tin, vẽ được “hình hài” về một nhà báo liệt sĩ là một cuộc gian truân, mừng vui xen lẫn nước mắt. Đến nay, ông đã tìm được 26 nhà báo liệt sĩ và vừa xuất bản cuốn sách Dáng đứng dưới tầm bom.

Năm 1994, nhà báo Văn Hiền ra Thủy Nguyên (Hải Phòng) tìm gặp vợ và con nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến (phóng viên Báo Hải quân Việt Nam). Qua đây, ông được biết anh Vũ Hiến hy sinh ở chiến trường Campuchia năm 1979. Sau đó, ông đến Báo Hải quân Việt Nam và được biết thêm chi tiết anh Vũ Hiến hy sinh khi theo Lữ đoàn 126 Hải quân giải phóng Công-pông-xom. Mãi cho đến năm 2000, nhà báo Văn Hiền vào TPHCM dự hội nghị tổng kết về biển đảo, ông gặp được Trung tướng Nguyễn Văn Tình, Chính ủy Quân chủng Hải quân từng chỉ huy Lữ đoàn 126 giải phóng Công-pông-xom. Ông liền hỏi thăm Trung tướng về phóng viên Vũ Hiến - Báo Hải quân Việt Nam. Thật bất ngờ, Trung tướng biết và cung cấp thông tin là nhà báo Vũ Hiến hy sinh tại ngã ba Va Lung. Khi Lữ đoàn 126 tiếp tục di chuyển, anh Hiến và các anh em hy sinh khác được cuốn vào tăng, bọn Pôn Pốt chiếm lại khu vực và đã đốt các tăng có bọc liệt sĩ. Ngày 15-2-1979, liệt sĩ Vũ Hiến cùng các liệt sĩ khác được đưa về an táng tại đảo Thổ Chu (Kiên Giang).

Nhà báo Văn Hiền báo tin cho vợ con anh Vũ Hiến. Nhận được tin, người vui nhất không chỉ là vợ con mà còn người mẹ của anh. Vợ con nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến vào Thổ Chu, xin được đưa anh về quê, nhưng khi bốc mộ lên, xác định là không phải. Chị Thân vợ anh Vũ Hiến về thưa lại với mẹ: “Mẹ ạ, anh Hiến không muốn về, anh ấy muốn ở lại với đồng đội”. Nghe vậy, bà bảo: “Ừ, nó ở lại với đồng đội là tốt, kẻo đồng đội nó buồn”. Sau đó không lâu bà mất.

Nhà báo Văn Hiền bên tấm bia khắc bài thơ Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào (Nghệ An)

Nhà báo Văn Hiền bên tấm bia khắc bài thơ Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào (Nghệ An)

Nhà báo liệt sĩ Lê Văn Luyện (quê Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, hy sinh tại chiến trường Quảng Nam năm 1972. Những năm 90 của thế kỷ trước, người con trai đầu của anh Văn Luyện, sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện vào huyện Quế Sơn dạy học để có thời gian tìm cha. Nhưng 4 năm trời ròng rã chưa tìm được cha thì người con trai này đã lâm bệnh và mất. Người con trai thứ hai của nhà báo liệt sĩ ở quê nhà thì bị ảnh hưởng chất độc da cam, mù một mắt. Nhà báo Văn Hiền và Phân xã thuộc Thông tấn xã Việt Nam tại Nghệ An đã đề nghị chế độ chất độc da cam cho người con trai này. Nhà báo Văn Hiền vẫn mãi canh cánh việc chưa tìm được mộ nhà báo liệt sĩ Lê Văn Luyện. Ông lần tìm ra được một nhân chứng, là nhà báo Hồ Duy Lệ, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam. Ông Duy Lệ kể, sau khi anh Lê Văn Luyện hy sinh, đồng đội chôn cất anh dưới chân núi Liệt Kiểm (huyện Quế Sơn). Nhưng ngay sau đó, khu vực này đã bị B52 cày nát...

Trăn trở khôn nguôi

Nhà báo Văn Hiền tâm sự: Ngày xưa, khi các anh lên đường thì bao người đưa tiễn, còn hòa bình rồi, các anh muốn “trở về” thì chỉ có gia đình và đồng đội đi tìm, mãi đến năm 2004 mới thành lập các đội quy tập. Có nhiều nghĩa trang liệt sĩ xa dân quá nên không được chăm sóc cẩn thận, chu đáo. Ngay cả khi đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, người ta cũng chỉ thắp hương tượng trưng ở đài tưởng niệm, còn những mộ liệt sĩ nằm ở những góc khuất thì ít được chăm sóc. Có lần, năm 1995, khi vào Nghĩa trang Liệt sĩ Ngọc Hồi (Kon Tum), nơi an nghỉ của liệt sĩ 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, ông không khỏi xót xa. Nghĩa trang nằm trên đồi cao khô khốc, chỉ có cỏ dại xác xơ. Ông đã thốt lên những câu thơ: Trưa nghĩa trang nắng nhòa bia mộ/Gió không mùa vắt kiệt cỏ cây/Tấm mộ chí cạn dần mặt chữ/Tôi đọc tên các anh qua ngọn cỏ gầy…

Ông kể, vừa qua, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Nghệ An) bán được 500 cuốn Đường xuyên cung lửa của ông. Ông dành tặng 50% số tiền sách bán được để hương khói cho các liệt sĩ Truông Bồn, còn lại làm 5 sổ tiết kiệm tặng 5 gia đình nhà báo liệt sĩ và thanh niên xung phong. Ông cũng vừa tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam bản thảo chân dung 505 nhà báo liệt sĩ, trong đó có 19 nhà báo nữ.

Nâng chén trà, giọng ông trở nên xa xăm: “Các gia đình nhà báo liệt sĩ tôi tiếp xúc phần lớn có cuộc sống khó khăn, một số hoàn cảnh còn đáng thương nữa. Nhà báo liệt sĩ là người hy sinh hai lần, lần một ở chiến trường, lần thứ hai là không ai biết và không biết họ ở đâu. Tôi còn đi tìm họ…”.

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nha-bao-di-tim-nha-bao-liet-si-668830.html