Nhà báo đưa chuyện phố chuyện đời vào sách

Họ yêu Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và dành hết cả tâm trí, thời gian cho các công trình khảo cứu, nghiên cứu về vùng đất đặc biệt này

Nhà báo Phạm Công Luận, một cây bút đang nổi tiếng với bộ sách nhiều tập "Sài Gòn - Chuyện đời của phố", tình cờ đến với đề tài này rồi đam mê luôn.

Những mối lương duyên

Anh cho biết: "Từ những đầu mối về TP trong ký ức, tôi tìm hiểu và viết về cuộc sống ở đây từ hơn 10 năm trước. Đây là quê quán, nơi tôi sinh ra và sống hơn nửa thế kỷ cho đến nay nên mong muốn viết về đời sống TP là điều tự nhiên. Viết về những câu chuyện của quá khứ, tôi cũng thấy mình đang "tận hưởng, muốn say mê hòa nhập vào thế giới quá vãng" và có một niềm an ủi ngày càng lớn dần, khi đối diện với cuộc sống hiện nay".

Nhà báo Trần Nhật Vy cũng là dân "chính hiệu" Sài Gòn. Từ tác phẩm đầu tiên "Mười tám thôn vườn trầu" nói về quê mẹ ông cho đến nay số lượng đầu sách về Sài Gòn của Trần Nhật Vy cứ ngày một đầy thêm: "Từ Bến Nghé đến Sài Gòn", "Ba nhà báo Sài Gòn", "Chuyện nghề báo, nhà báo Sài Gòn", "Văn chương Sài Gòn 1881 - 1924", "Sài Gòn chốn rong chơi" và đang hoàn thành bản thảo tập "Ký ức những con đường Sài Gòn" để chuẩn bị xuất bản.

Nhà báo Giản Thanh Sơn tác nghiệp để chụp bộ "Không ảnh Sài Gòn"Ảnh: Quỳnh Trân

Là tác giả bộ sách ảnh tư liệu quý "Sài Gòn - Hai đầu thế kỷ", nhà báo Phúc Tiến kể: "Tôi từng gặp đây đó những bưu ảnh Đông Dương, bưu ảnh Sài Gòn thời Pháp thuộc trong sách hoặc trên mạng. Song chưa bao giờ tôi được cầm trên tay nguyên bản những chiếc bưu ảnh ấy. Và rồi năm 2007, tôi bất ngờ được ông Soh Weng Yew, một người bạn Singapore, đưa cho xem những chiếc bưu ảnh Sài Gòn vừa sưu tập, dù được in cách đây một thế kỷ mà lạ lùng thay vẫn còn óng ánh, tinh khôi". Sài Gòn xưa vừa lạ vừa quen như bước ra từ cổ tích đã mê hoặc nhà báo Phúc Tiến, nhất là khi ông Soh cho mượn toàn bộ bưu ảnh. Anh "lôi kéo" Văn Phụng Hiếu Minh - chàng trai Sài Gòn 20 tuổi - vào cuộc chơi suốt 2 mùa hè và dịp nghỉ Tết 2009 - 2010, cùng đi nhiều địa điểm trong TP để tìm kiếm "nguyên bản" các kiến trúc và cảnh quan trong những bưu ảnh xưa, đồng thời chụp hình "chân dung biến đổi" vào thời điểm hiện tại để có bằng được cuốn sách ảnh đặc biệt về Sài Gòn.

Biết đâu tìm lại

Càng đi sâu khám phá Sài Gòn, các nhà báo đều khẳng định bị cuốn hút vào những câu chuyện đằng sau các di sản. Đồng tình với sự phát triển của TP hiện đại nhưng mọi người đều bức xúc trước sự ra đi lần lượt của quá nhiều di tích. "Các viên đá cổ lót trên vỉa hè, từng miệng cống có đề chữ Sở Thủy cục Đông Dương mang dấu ấn của lịch sử nhưng không hiểu sao cứ lần lượt biến mất, khi vào bảo tàng tìm kiếm, tôi vẫn không thấy. Bây giờ nhiều dấu xưa ấy biết tìm ở đâu" - ông Vy nói.

Cũng bằng tình yêu mãnh liệt, nhà báo Giản Thanh Sơn kể lại ông không giấu được cảm xúc rưng rưng mỗi khi bay trên Sài Gòn để thực hiện bộ "Không ảnh Sài Gòn". Cũng chưa bao giờ một triển lãm ảnh thu hút người xem đến đông như thế, với số tiền bán ảnh kỷ lục - hàng trăm triệu đồng để làm việc thiện. Tuy nhiên, ông trăn trở: "Tôi cảm thấy lo lắng vì gần đây một số công trình xưa đã và đang bị đập bỏ. Có những đêm khuya giật mình thức giấc, tôi cứ thao thức mãi vì chưa có thời gian để thực hiện được tham vọng về bộ ảnh nhà cổ cho Sài Gòn". Trước nguy cơ Dinh Thượng Thơ sẽ bị đập bỏ, nhà báo Lê Minh Quốc buồn bã: "TP đang có một miền cổ tích xưa cực kỳ êm ả. Việc xóa bỏ các di tích đó khiến cho cư dân trở nên bơ vơ, lạc lõng chính nơi họ sinh sống, một sự mất mát, thiệt thòi về đời sống tâm linh văn hóa, sau này biết tìm kiếm lại ở đâu". Riêng nhà báo Phạm Công Luận có kiến nghị: "Gần đây, trên báo chí đã nói nhiều hơn về việc gìn giữ di sản của TP. Chủ đề này nên được tiếp tục trao đổi, bàn luận, phân tích và cần được lắng nghe từ những người quản lý. Với tôi, di sản kiến trúc cần phải giữ gìn vì chúng giúp nhận diện lịch sử và các bước phát triển của một Sài Gòn từ lúc hình thành cho đến sau này".

LÊ PHẠM SƠN HẢI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nha-bao-dua-chuyen-pho-chuyen-doi-vao-sach-2018062320392912.htm