Nhà báo Hoàng Minh Trí - Báo Công an Nhân dân: Phóng viên cũng cần 'canh tác' với báo khác để có thêm thu nhập sạch

(NBCL) “Nói về Trí thế nào nhỉ? Một chàng trai cực kỳ thông minh. Tôi thích những bài tạp văn mà Trí viết. Ở đó nó vừa có kiến thức của một người đàn ông đi nhiều, chơi nhiều, chăm để ý, găm vào trong đầu trăm ngàn chuyện, nhiều chuyện “bên lề”. Những chi tiết thú vị đó được Trí sử dụng và kết hợp láu lỉnh cùng cái vốn kiến thức Trí đọc được từ sách, từ những nhà văn mà Trí yêu quý, để từ đó mỗi bài viết đều có một “chất” riêng hài hước, đanh đá và thông minh, chẳng giống một ai cả”. Nhà báo Vân Quế, báo An ninh Thủ đô đã nói như vậy về nhà báo Hoàng Minh Trí, báo Công an Nhân dân. Và cũng chính sự thông minh, đa năng của nam nhà báo trẻ này là lý do khiến tôi muốn có cuộc trò chuyện cuối năm cùng Trí.

10 năm làm báo chưa một ngày thấy… chán

+ Có đồng nghiệp đánh giá Trí đúng tuýp phóng viên đa năng: viết nhiều mảng, có thể tác nghiệp nhuần nhuyễn ở nhiều loại hình báo chí: ảnh, truyền hình … Bản thân anh có ý thức để “xây” mình thành phóng viên đa năng hay tính chất các công việc mà anh đeo đuổi, sự ham thích công nghệ, ham khám phá những cái mới… đã dần biến anh thành một phóng viên đa năng, “đa” việc?

– Tôi vào nghề báo trong một hoàn cảnh “tréo ngoe”. Tôi học toán tin học ra và đi làm lập trình viên. Đó là khoảng thời gian thật sự rất “vất vả”, người ta nói rằng làm công việc mình yêu thích thì có nghĩa không phải lao động. Tôi tìm thấy niềm vui ở nghề báo, ít nhất cho đến bây giờ là hơn 10 năm chưa một ngày cảm thấy chán. Với cái gốc là dân công nghệ nên tôi thích mày mò, có chút vốn liếng tiếng Anh tương đối tốt, tìm hiểu thêm để ứng dụng công nghệ tốt hơn cho nghề báo. Có thể đây là lý do tôi tham gia được nhiều “mảng” trong báo chí. Thật ra những niềm vui dịch chuyển với xe máy đi khắp các vùng miền cũng là một lý do khác để tôi có thêm tư liệu, chất liệu để viết bài. Trên mỗi con đường đều có thêm những mối quan hệ mới, con người mới, phía trước bao điều mình chưa biết.

+ Nhưng chặng đường từ một phóng viên chuyên cầm máy ảnh chuyển sang cầm bút, trở thành phóng viên “có giọng”, chắc hẳn không hề đơn giản, một sớm, một chiều?

– Tôi được tuyển dụng ban đầu với nhiệm vụ là phóng viên ảnh, và cho đến bây giờ trên giấy tờ đối với cơ quan thì tôi vẫn là như vậy. Phóng viên ảnh có thể nói là một nghề rất vất vả, thu nhập bấp bênh. Thời điểm những năm 2000 có thể nói “đất” cho phóng viên ảnh gần như không có, tờ báo nơi tôi công tác cũng sử dụng chính là ảnh của PV, CTV các tỉnh gửi về và khi ấy tôi nghĩ rằng mình phải làm cái gì đó, thay đổi một chút cho phù hợp và bắt đầu học viết. Thư ký tòa soạn báo khi ấy là nhà thơ Hồng Thanh Quang, phải nói là anh đã tạo điều kiện hết sức giúp cho tôi có cơ hội được học, được làm nghề báo. Có lẽ người thầy đầu tiên trong đời là một nhà thơ nên cách tôi viết cũng có nhiều xúc cảm.

Cùng nhau đứng tên một bài báo là chuyện hết sức bình thường

+ Tự xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình kết hợp với những công việc bên ngoài tờ báo mình đang ký hợp đồng làm việc dường như đang là hướng đi của khá nhiều phóng viên hiện nay. Từ khi nào anh hiểu được rằng mình sẽ cần phải xây dựng tên tuổi cá nhân bằng nhiều công việc khác nhau thay vì chỉ dành trọn vẹn vào một công việc ở một tòa báo?

-Càng về sau này có thể nói với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, internet… là nền tảng để mỗi người làm báo có cơ hội phát triển, bộc lộ và ứng dụng để tin tức, bài vở, hình ảnh, video… đến bạn đọc dễ dàng hơn. Tòa soạn báo Công an Nhân dân- nơi tôi gắn bó- là nơi luôn tạo điều kiện để phóng viên được phát triển. Các đồng chí lãnh đạo Báo trước khi khoác lên người bộ cảnh phục cũng là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nên cách tư duy cũng rất cởi mở, hiểu, yêu quý và tạo điều kiện cho phóng viên. Tôi vẫn được viết những gì mình thích, mình muốn, trong đó có cả việc cộng tác với các cơ quan báo chí khác, có lẽ đó là một môi trường làm việc không có gì để phải phàn nàn sau hàng chục năm. Tôi cho rằng phóng viên cũng cần “canh tác” với báo khác để có thêm thu nhập sạch và nếu những bài viết đó không tranh chấp nội dung với tờ báo nơi mình được trả lương thì lương tâm người viết sẽ quyết định. Tôi nghĩ tôi đã chọn cho mình một con đường đi an toàn, túc tắc đi và đạt được ít nhiều thành công.

+ Có lần tôi được nghe anh kể, anh nhiều khi tận dụng trí tuệ, công sức cộng sinh của đồng nghiệp, nhờ đồng nghiệp cung cấp hoặc viết sơ bộ câu chuyện, vấn đề, anh chỉ còn “mỗi” việc gia công sao cho hoàn hảo nhất. Một phóng viên giỏi nếu không có nhiều sự kết nối với nhiều đồng nghiệp cùng giỏi, cùng chí hướng thì hiệu quả làm việc của anh ta sẽ sụt giảm đi nhiều. Anh nói gì về điều này?

– Tôi cho rằng việc xây dựng “mạng lưới” quan hệ đối với ai cũng quan trọng, nhất là người làm nghề báo. Chúng ta dựa lưng vào nhau sẽ lớn mạnh hơn, điều đó là hiển nhiên không có gì phải bàn cãi. Tôi nghĩ rằng trong nghề nghiệp, khi còn ngồi được với nhau để chia sẻ thì khi đó tất cả đều có điều kiện để phát triển tốt hơn nữa. Không phải điều gì chúng ta cũng biết, đôi khi bắt buộc phải viết những bài mà tôi chưa thực sự hiểu sâu tôi sẽ nhờ những người mình tin rằng họ biết nhiều hơn “biên” cho xương sống,và sau đó đắp thịt là cảm xúc hoặc ý kiến góc nhìn của cá nhân vào đó. Bài báo hoàn chỉnh hơn, có kỹ thuật, có cảm xúc và cùng nhau đứng tên. Tôi thấy đó là việc hết sức bình thường. Việc chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ cũng vậy, tôi đã gặp khó khăn gì trong tác nghiệp và tìm ra phương pháp “giảm tải”, giảm thiểu rủi ro thì rất nên chia sẻ điều đó với các đồng nghiệp. Tôi tin rằng khi cho đi thì sẽ nhận lại được nhiều điều tốt đẹp khác.

Tôi luôn mong muốn gửi được một thông điệp nào đó

+ Hoàng Minh Trí được bạn bè nhận xét có nhiều góc hay, nhiều góc vừa nhỏ xinh nhưng tập hợp lại tạo riêng một Hoàng Minh Trí có bản sắc, không trộn lẫn với ai. Các góc riêng hay ho nhất mà anh thích là gì? Và tại sao anh không xây dựng cho mình một trang cá nhân đầy đủ và hoàn hiện nhất về mình?

– Tôi nhiều lúc ngồi một chỗ nhìn lại và thấy mình thật ra rất dở. Tôi đắm đuối vào quá nhiều thú vui cho bản thân nên nhiều lúc nghĩ mình quá ích kỷ đối với người thân xung quanh. Việc làm một “pro le” cá nhân điện tử đối với tôi hoàn toàn dễ, chỉ 1-2 ngày có thể làm được nhưng nhiều lúc nghĩ như vậy kỳ kỳ sao đó. Có thể tôi chưa sẵn sàng và mọi thứ xung quanh vẫn ổn, việc đẩy cá nhân lên một chỗ cao khi chưa phù hợp đôi khi cũng không phải là hay. Tôi nghĩ rằng nếu ai đó muốn tìm hiểu về mình sẽ có nhiều phương pháp khác nhau, tuy hơi khó khăn nhưng “nghe” qua một lớp lọc khác sẽ tốt hơn là tôi tự kể ra.

+ Chuyên mục Góc nhìn trên VTC1 về những góc khuất của xã hội mà anh đang thực hiện, có vẻ như cũng đã khai thác được nhiều lợi thế của Hoàng Minh Trí. Anh được thoải mái tung tẩy trong nhận xét, bình luận, khai thác nhân vật, những câu chuyện phía sau nhân vật…

Tôi muốn thử thêm một lĩnh vực mới trong báo chí, đó là truyền hình. Quả thật khi tham gia vào tôi mới biết, hiểu, yêu thương hơn những người bạn đồng nghiệp làm truyền hình.

Vất vả quá. Tôi đã theo chuyên mục Góc nhìn trên VTC1 được hơn 1 năm qua, quay hơn 60 thân phận và đó là một trải nghiệm của cuộc đời, bởi ở đó tôi được gặp những con người với thân phận rất “thân phận”. Chìa bàn tay ra nắm lấy bàn tay những nhân vật của mình mà nhiều khi không kìm được nước mắt. Tại sao cuộc sống trên đời này lại nhiều điều bi ai đến thế. Tôi luôn mong muốn gửi được một thông điệp nào đó sau mỗi một số Góc nhìn.

+ Mong ước của anh về một chương trình riêng kiểu truyền hình thực tế, khai thác tất cả những lợi thế của cá nhân anh như: rong chơi khắp đất nước, làm những phóng sự đầy chất trải nghiệm… có thực hiện được không?

-Đó là mơ ước của tôi, tôi thích xem các show truyền hình thực tế của nước ngoài, mạo hiểm một chút, vui một chút để có cái gì đó mới lạ. Tất nhiên bây giờ nếu làm sẽ đối diện với nhiều khó khăn, sức khỏe, kinh tế… Tôi mong sớm thực hiện được điều đó.

Có thể nói bây giờ ngoài tình trạng thực phẩm bẩn thì còn tồn tại “thông tin bẩn”. “Thông tin bẩn” theo tôi đó là những câu chuyện bịa đặt hoặc cực đoan hóa các vấn đề xã hội được đưa ra có chủ đích. Nó làm tổn thương niềm tin và gây nhiều hoang mang cho người đọc. Tôi chọn cách viết vui vẻ một chút, nhân văn một chút… Tôi tin rằng dù rất nhỏ bé nhưng ít nhất cũng là một việc làm tử tế cần thiết.Tôi tin rằng khi mỗi người kể một câu chuyện tử tế, có sức lan tỏa thì phần nào đó cân bằng lại thông tin cho bạn đọc.

Hằng Nga

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phong-vien-cung-can-canh-tac-voi-bao-khac-de-co-them-thu-nhap-sach/