Nhà báo Hồng Vinh: Chỉ tình người đọng lại

Làm báo bao giờ cũng có một nguyên lý là phản ánh chân thật, trung thực sự việc, sự kiện. Nhưng làm báo còn có mấy chữ 'nên' và 'không nên', đó là khi thấy sự thật nhưng có nên nói lúc này không và nói ở thời điểm nào cho thích hợp?- Nhà báo Hồng Vinh

Nhà báo Hồng Vinh.

Hồng Thanh Quang: Hình như tính về thời gian làm báo, đến nay anh sống với nghề này đã nửa thế kỷ rồi anh nhỉ?

Hồng Vinh: Đúng thế. Mình về báo Nhân Dân từ năm 1968.

Duyên kỳ ngộ với nghề thế nào hả anh?

- Mình là từ học sinh phổ thông thi vào đại học, và nguyện vọng nộp đơn lúc ấy là vào Đại học Tổng hợp, khoa Văn! Và mình đã trúng tuyển. Lúc ấy là khóa cuối cùng thi tuyển, vì sau đó do chiến tranh, các trường đại học chỉ chọn theo nguyện vọng, cho nên khóa mình thi rất ngặt nghèo. Đối với vùng quê của mình, nơi mà chỉ riêng một cái thôn của mình số dân đã bằng một xã ở chỗ khác rồi, thì tin mình đỗ vào “Tổng hợp Văn” đã gây nên cả một sự bàn tán xôn xao. Có người còn đặt câu hỏi là, cậu này trúng được đại học thì chắc phải có một cái bùa hộ mệnh nào của Trung ương?(!) Vì lúc đó tất cả bè bạn của mình chỉ đi học trung cấp, duy nhất mình trúng đại học trong hoàn cảnh nhà mình là gia đình nông dân rất nghèo, ở một vùng chiêm trũng, và theo đúng cái nghĩa mình chỉ là một anh cất vó mò cua. Cha mình là người oằn lưng đẩy thuyền giữa đồng chiêm trắng nước, mẹ mình cắt cỏ cho trâu ăn ở đồng đất huyện Nam Trực, Nam Định.

Vâng, tôi hiểu. Sự thực là ở nước mình, từ xửa xưa rồi đã thế, càng ở vùng khó khăn lam lũ thì người dân càng trọng chữ, trọng văn chương. Con ông cháu cha giỏi văn thì đã đành một nhẽ, con nông dân mà giỏi văn cũng là điều càng được trân quý…

- Nhưng chuyện của mình lại là thế này. Lúc ấy ở trường Tổng hợp, khoa Khoa học Nhân văn có hai ngành Văn và Sử; sau này mới tách ra làm hai là khoa Văn và khoa Sử. Thời ấy, mọi sự trong sáng lắm. Khi mình mới vào trường, ông trưởng phòng tổ chức gọi lên, cho mình xem danh sách các bạn đỗ, và hỏi mình là, số lượng trúng vào ngành Văn đông quá, còn ngành Sử thì chỉ có 20 người, tổ chức yêu cầu sang bớt 5 người qua đây (trong đó có cậu), ý cậu thế nào? Thời ấy lý tưởng sống của lớp trẻ hào sảng lắm nên mọi người đều vui vẻ làm theo tổ chức phân công. Mình cùng với Dương Trung Quốc, Đỗ Quang Hưng… là trong số 5 người này. Là một thanh niên trẻ, một mặt mình chấp hành phân công của tổ chức, nhưng bên cạnh cũng có suy nghĩ cực đoan là, thôi, “ván đã đóng thuyền” rồi, bây giờ đi vào học Lịch sử là đi vào sự kiện, con người, chi tiết… nên thôi đành tạm gác mơ ước văn chương.

Cuộc chia tay không định ngày gặp lại (cười)…

- (Cũng cười): …

Thực ra, cuộc chia tay nào cũng ẩn chứa lời hứa gặp lại. Xin được hỏi anh tiếp. Theo tôi hiểu, thời trẻ của anh, đi theo cách mạng thì ai cũng có thể viết báo được. Nhưng muốn viết báo Nhân Dân, muốn trở thành người làm báo Nhân Dân phải có rất nhiều trải nghiệm cuộc sống. Vì sao anh lại chọn về báo Nhân Dân khi mới ở đại học ra?

- Khi tốt nghiệp xong thì thầy chủ nhiệm khoa báo tin cho mình: Viện Khoa học Lịch sử Quân đội đã sang chọn Hồng Vinh về làm cán bộ nghiên cứu, cậu chuẩn bị tinh thần sang nhận nhiệm vụ nhé. Nhưng chỉ một tuần sau, ông chủ nhiệm khoa lại thông báo: quyết định của trường có sự thay đổi, do có việc đồng chí trưởng phòng tổ chức báo Nhân Dân, theo lệnh của Tổng biên tập Hoàng Tùng xin đích danh hai người là cậu, học khoa Sử và cô Lưu Bích Hoằng, con ông Lưu Văn Lợi, lúc ấy là Thứ trưởng, nhà ngoại giao sành sỏi. Một người được ông Hoàng Tùng chọn là học Văn, một người được ông ấy chọn là học Sử. Hai người được đích danh TBT chọn, cho nên nhà trường ưu tiên cho báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng… Tất cả đều là ngẫu nhiên.

Thực sự anh đã rất may mắn vì được về báo Nhân Dân ở cái thời mà tại đó tập trung rất nhiều những ngôi sao trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, những người tài năng, giàu trải nghiệm và có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Với môi trường ấy, một người trẻ như anh về đấy thì có những thuận lợi, khó khăn như thế nào?

- Sau khi mình về báo Nhân Dân, đồng chí trưởng phòng tổ chức kể lại vì sao ông Hoàng Tùng đã chọn đích danh Hồng Vinh. Chuyện là thế này. Báo đề nghị trường Tổng hợp cho hồ sơ các sinh viên có thể đáp ứng được những tiêu chí cơ bản của báo Nhân Dân để Tòa soạn lựa chọn. Và mình được “lọt vào tầm ngắm” có lẽ do mình là đảng viên, được kết nạp từ năm thứ ba. Phải nói rằng lúc đó kết nạp sinh viên vào Đảng cực kỳ nghiêm ngặt vì sinh viên được xếp vào diện “tiểu tư sản”. Theo quy định bấy giờ, người duyệt cuối cùng và ra quyết định kết nạp sinh viên là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Trần Vỹ. Mặt khác, ông Hoàng Tùng biết mình đã đỗ Tổng hợp Văn, nhưng sau đó vẫn vui vẻ chấp hành điều động của tổ chức vào học Sử.

Làm báo, lại làm báo Nhân Dân, rất cần ý thức tuân thủ chỉ đạo của tổ chức (cười).

- Mình cũng cảm thấy vinh dự nhưng cũng rất lo. Buổi đầu đến báo, ông trưởng phòng tổ chức dẫn mình lên phòng ông Hoàng Tùng, thì ấn tượng lúc đầu là mình rất sợ, vì thấy tờ báo uy nghi lắm. Vào phòng, khi mình nói là: “Cháu chào bác ạ!”, thì ông nói ngay là, đã vào báo Nhân Dân thì khi làm việc, tất cả ta phải thay đổi ngay đại từ, chú nên gọi Tổng biên tập là anh, còn chú xưng là em! Vì nghề này phải có sự thân mật, gần gũi thì mới có thể tạo ra tư duy, lối sống thanh thoát, phát huy được sáng tạo. Còn cứ bác cháu thì khi viết bài dễ bị ràng buộc, có dám nói băn khoăn với bác không? Cái ý thứ nhất này làm mình rất cảm động. Ý thứ hai ông nói, phương châm đào tạo ở đây không có giáo trình, giáo án gì đâu, mà chỉ bằng thực tiễn, “ném cậu xuống biển”, cậu tự đào luyện, tự bơi và rút ra cách thức làm thế nào để trưởng thành một phóng viên, người viết báo? Buổi gặp đầu tiên ấy, chỉ 5-6 phút thôi mà ông chốt lại mấy ý đó, thì mình vừa mừng vừa lo. Mừng vì biết được sự ưu ái của báo nên mới tuyển chọn mình về đây, nhưng lo vì ông bảo phải tự mình bươn chải trong thực tiễn để khẳng định có làm báo được hay không.

Cũng xin được tâm sự với anh. Khi tôi mới bắt đầu bước vào nghề làm báo, trở thành phóng viên tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên, thì anh trưởng phòng Đắc Sinh (lúc đó là Phó Tổng biên tập phụ trách chuyên môn của tờ tin, sau này là TBT báo Phú Thọ, người đã lấy tôi từ vị trí trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn thông tin lên làm báo), có cầm cuốn giáo án của Phân viện Báo chí mà anh từng theo học, và nói: ngày mai em lên nhà văn hóa, anh sẽ dạy em học cách làm báo. Hôm sau lên thì anh hỏi, bây giờ Quang nghĩ như thế nào là người làm báo? Tôi nói khoảng 15 - 20 phút, anh nghe xong gấp giáo trình và bảo, thôi anh em mình về. Từ đấy không bao giờ anh đề cập chuyện dạy tôi viết báo nữa, mà cứ giao nhiệm vụ cho tôi làm. Và tôi cũng trưởng thành bằng con đường thực tế ấy.

- Không có cách học nào hiệu quả bằng tự học trong công việc, Hồng Thanh Quang ạ.

Dạ, đúng ạ. Thế khi về báo Nhân Dân, anh được bác Hoàng Tùng phân công về phòng, ban nào?

- Ông Hoàng Tùng nhận mình, nói đùa, cậu là “ông cử” thì phải giao cho ông cũng đã đỗ đại học rồi quản lý. Đó là ông Nguyễn Đức Thi, bút danh ký Trường Thi, Trưởng ban Văn hóa, dân xứ Nghệ, cử nhân luật tốt nghiệp trường Bưởi. Ông nguyên là chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An. Ông hiểu rất sâu văn hóa. Ông Hoàng Tùng nói, cậu sẽ về ban của anh Trường Thi, tất cả sinh viên Tổng hợp ở đây đều phải có ông ấy điều khiển, mới “trị” được số “ông cử”. Ban Văn hóa lúc ấy phụ trách một mảng rất rộng, một là văn hóa giáo dục và khoa học kỹ thuật, hai là phản ánh các phong trào quần chúng. Khi ấy là thời của các phong trào “ba sẵn sàng” trong thanh niên, “ba đảm đang” trong phụ nữ, “ba quyết tâm” trong giới trí thức, diễn ra sôi nổi khắp miền Bắc... Mình về ban, ông Trường Thi nói, trước hết cậu theo dõi mảng thanh niên vì cậu đang còn trẻ dễ tiếp cận, tập trung phản ánh các phong trào “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “ba quyết tâm”, lúc ấy đang là động lực của cách mạng ở miền Bắc thời chống Mỹ. Ông giao cho mình đi thực tiễn để viết bài “thử sức”. Đương nhiên, bài mang đi in đầu tiên ấy đã được chữa nhiều, nhưng có điều vui là ông ấy gọi mình lên, nói, bài “thử sức” thì tất nhiên mình chữa nhiều, nhưng mình thấy cậu đã nắm bắt được vấn đề và nắm bắt được nội dung, chứng tỏ cậu có thể thích hợp mảng này. Mình rất không ngờ là đúng 6 tháng sau, ông bảo, bây giờ cậu trưởng thành một bước rồi, viết được mười mấy bài rồi, có bài tốt nên phân công cậu tham gia lo chuyên mục mang tên “Nói chuyện với các bạn trẻ”, chỉ viết khoảng 600-700 chữ, mục đích của chuyên mục là làm sao cậu phân tích tâm trạng thanh niên hiện nay trước thời cuộc qua những điển hình cụ thể. Họ có sẵn sàng lên đường đánh Mỹ không, sẵn sàng gác bút nghiên ra chiến trận không, vui vẻ tạm biệt quê hương, gia đình thân thiết để tham gia “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” không… Cậu phải thông qua cách phân tích và đạt được kết quả cuối cùng là thuyết phục, cổ vũ lớp thanh niên sẵn sàng lên đường ra trận với ý chí quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Như tôi hiểu, tính chất công việc làm báo của anh ở giai đoạn ngay từ đầu này đã mang tính chất của một nhà tuyên giáo rồi, mang nặng tính tuyên giáo. Nghĩa là mầm mống tuyên giáo của anh có từ ngay giai đoạn đầu và điều đó lý giải những công việc sau này của anh?

- Có lẽ thế, Hồng Thanh Quang ạ…

Nhà báo Hồng Vinh và nhà báo lão thành Phan Quang.

Anh từng làm việc dưới thời bác Hoàng Tùng, đến bác Thép Mới, bác Hồng Hà, bác Hà Đăng… Những người như thế, khi nhớ lại, anh có ấn tượng gì, và cảm xúc của anh khi tiếp xúc với những “trưởng lão” ấy của nền báo chí cách mạng Việt Nam?

- Có thể nói mình trưởng thành như hôm nay nhờ sự dìu dắt của thế hệ đàn anh đi trước, mà đặc biệt là bác Hoàng Tùng. Một người ngay khi lập tờ báo Nhân Dân, ngày 11-3-1951 ra số đầu tiên, ông đã được trao nhiệm vụ Tổng biên tập với cương vị là Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, một người có thể nói rất uyên bác! Thực ra, học vấn ban đầu của ông cũng bình thường thôi, một ông giáo trường làng đi tham gia cách mạng, được kết nạp Đảng tại nhà tù Sơn La, và người giới thiệu là ông Lê Đức Thọ. Quả thật trường học cách mạng là nhà trường đào tạo nên ông. Nhưng có thể nói, đây là một tài năng và tài năng của ông có được chủ yếu là do ông tự học, tự đọc. Ông hiểu thông kim bác cổ, đặc biệt là về văn hóa Trung Hoa…. Ông là TBT, nhưng không chỉ thể hiện ở bản lĩnh chính trị trong định hướng tuyên truyền, mà cả trong năng lực diễn đạt có tính chiến đấu, có tính hấp dẫn trong các bài xã luận, chính luận rất sắc sảo. Và mình học được ở đó rất nhiều. Ông cũng là một người có phong cách chữa bài rất độc đáo. Ngày xưa, trong những năm 70-80 của thế kỷ XX, các trang xã luận đánh máy bằng giấy pơ-luya phải để lề rất rộng dành cho TBT chữa. Nói thật, có những bài ông thay hết, để lại mỗi hai dòng là “Xã luận” ở đầu trang và tên “Nhân Dân” ở cuối trang thôi.

Vâng, một trường học khắc nghiệt và đầy bổ ích cho các phóng viên trẻ!

- Lúc mình làm ở đấy, đọc những bài đó, mình học được rất nhiều. Tuy nhiên, cũng rất mừng khi xem lại những bài xã luận mà ông chữa cho mình thì thấy ông chữa ít. Cũng chính ông trưởng phòng có nói lại với mình là, ông Hoàng Tùng có lần dặn Ban Biên tập phải đào tạo, bồi dưỡng Hồng Vinh, thông qua các bài chính luận đã chữa, thấy Hồng Vinh có sức khái quát vấn đề và diễn đạt được vấn đề. Cũng chính qua những nhận xét của ông từ những ngày đầu chữa bài, đúng là cái nhìn của nhà lãnh đạo, ông dặn những người đi sau phải đào tạo, bồi dưỡng mình; và vì thế, mình là người đầu tiên cùng với anh Vũ Công Thạo, cán sự bậc 5, được chọn đi học Học viện Nguyễn Ái Quốc vượt các tiêu chí. Lúc bấy giờ, để được cử đi học Học viện Nguyễn Ái Quốc phải là cán bộ cấp Vụ, lương Vụ phó 105 đồng trở lên, nhưng lần đầu tiên ông ký quyết định gửi mình vào, thì mình chỉ là cán sự 4, lương 64 đồng. Điều này khiến cho bà Diệp, Vụ phó Vụ đào tạo, Ban Tổ chức Trung ương, sau khi nhận hồ sơ phải xuống gặp ông Hoàng Tùng, và nói, bác làm thế này là “phá cách” Học viện vì chưa có người nào lương 64 đồng mà lại gửi vào Học viện đi học tập trung 2 năm. Sau này, bà Diệp kể lại cho mình, ông Hoàng Tùng nói: “Chị ơi, chị phải thay đổi tư duy, bây giờ mọi sự thay đổi rồi, đất nước thống nhất rồi, mình phải cung cấp cán bộ cho miền Nam nữa. Tờ báo này phải mở một cơ sở ở miền Nam. Nếu bây giờ không đào tạo thế hệ trẻ, làm sao có cán bộ sau này lãnh đạo, quản lý tờ báo. Chị cứ suy nghĩ, báo cáo lại, đây là quyết định của tôi, và tôi giữ nguyên ý kiến này…” Có lẽ là lần đầu tiên ở năm học 1979-1980, có một người mới cán sự 4 được học lớp lý luận cao cấp hệ tập trung 2 năm!

Bác Hoàng Tùng là một người viết xã luận, bình luận thuộc hạng hàng đầu của làng báo Việt Nam, chứ không chỉ riêng ở báo Nhân Dân. Bác viết vừa nhanh vừa có tính thuyết phục cao, có sự thao thiết của tình cảm, ánh sáng của trí tuệ. Tôi là thế hệ sau, nhưng có nghe nói bác Hoàng Tùng còn là người rất lãng mạn, đúng không ạ?

- Đúng, lãng mạn cách mạng!

Dạ, vâng, lãng mạn cách mạng! Đây cũng là phẩm chất tốt cho người viết xã luận, bình luận, mặc dù bác Hoàng Tùng không làm thơ. Tôi từng được phỏng vấn bác trước khi bác mất không lâu. Bác nói, tôi đúng là người “sinh ra phụng thời, một đời đắc chí”, tức là bác đã rất thỏa mãn, rất hài lòng với công việc của bác, những trải nghiệm của bác, những gì mà bác đã đạt được. Nhưng cũng có cảm giác là bác Hoàng Tùng càng lớn tuổi thì càng trở nên minh triết hơn trong việc nhìn nhận lại cuộc đời của mình, giai đoạn mình đã trải qua, cơ chế mà mình đã phục vụ… Và dường như cũng trầm buồn hơn. Anh thấy nhận xét này có đúng không?

- Rất đúng. Và mình phải nói thêm là, mình có cảm nghĩ, trong giáo trình Phân viện Báo chí thời ấy trình bày về nghề báo, về chức năng, nhiệm vụ có phần hơi… lan man. Khi mình nghe ông Hoàng Tùng nói thì rất đơn giản, mà vẫn rất khái quát. Bác nói, báo chí của chúng ta có hai nhiệm vụ chính, một là thông tin, hai là bình luận. Đấy là hai mảng chính. Những người nào viết được cả thể thông tin, tin tức (gồm phóng sự, điều tra, bút ký, tùy bút), nhưng mà lại làm được cả việc bình luận, xã luận, tham gia viết bài luận để định hướng, để bồi đắp tính chiến đấu, tính thuyết phục của một tờ báo, thì người đó sẽ trở thành một nhà báo hoàn thiện.

Tôi hiểu rằng, khai thác thông tin là công việc căn bản đầu tiên của nghề phóng viên, còn bài bình luận được nâng tầm lên lại là căn bản đầu tiên của một người làm tuyên giáo. Anh là người từng trưởng thành từ một phóng viên bình thường lên TBT báo Nhân Dân, sau đó anh nhiều năm, nhiều khóa đã đảm nhiệm những chức vụ hàng đầu trong hệ thống tuyên giáo của đất nước ta như Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, PCT thường trực Hội đồng lý luận TƯ, sau là CT Hội đồng Lý luận TƯ. Có ý kiến cho rằng, báo chí chỉ là một trong những “công cụ” của những người làm tuyên giáo. Việc viết bình luận cũng chỉ là một hoặc một trong những nhiệm vụ của người làm báo. Thế thì anh nghĩ gì về cái này, và anh nghĩ trong giai đoạn hiện nay cái sự tỷ lệ, hài hòa, hòa đồng và phân chia nhiệm vụ trong công việc ấy nên như thế nào để đạt hiệu quả nhất khi chúng ta thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao?

- Theo mình, báo chí nằm trong hệ thống tuyên giáo, là một công cụ xung kích đặc biệt quan trọng, mà thiếu nó thì không thể thực hiện được nhiệm vụ tuyên giáo. Không thể làm nhiệm vụ đi trước mở đường, tìm đường. Thứ hai, mình nhận thức, chính cái này là từ kinh nghiệm của ông Hữu Thọ. Khi mình lên Ban Tuyên giáo TƯ, làm Phó Ban Thường trực, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng ban, có nói, anh làm nhiệm vụ Phó ban Thường trực nhưng phải trực tiếp chỉ đạo báo chí - xuất bản.

Mỗi một buổi thứ ba họp giao ban anh phải chủ trì! Cái nếp này đến nay vẫn thực hiện. Và ông Hữu Thọ có dặn mình, trong thực tiễn của đời làm Trưởng ban, ông phải đầu tư 70% thời gian và sức lực cho công tác báo chí - xuất bản. Do vậy, ngoài việc giao cho ông phó, ông Hữu Thọ nếu ở nhà đều trực tiếp dự các cuộc giao ban để chỉ đạo… Mình thấy kinh nghiệm của ông rất đúng, công tác báo chí - xuất bản cực kỳ quan trọng. Cũng nói thật, mình không chỉ chỉ đạo anh em, mà sở dĩ mình được nể trọng vì mình là người trực tiếp viết những bài cần thiết, nhưng không ký tên, trực tiếp viết một số bài xã luận, mà xã luận thì chỉ ký tên Nhân Dân, và trực tiếp viết các bài đấu tranh bảo vệ quan điểm đổi mới của Đảng thì ký tên khác. Anh em nể trọng mình vì mình “vào trận” làm trực tiếp, cùng bàn với anh em; và qua sản phẩm cụ thể của mình để thuyết phục. Nhiều anh chị em nhận xét, mình nói và làm đi với nhau, chứ không chỉ lý thuyết suông.

Thực ra trong công tác tuyên giáo bao giờ chúng ta cũng phải hài hòa với nhịp điệu phát triển xã hội, của sự điều hành, nghiêm ngắn thể chế nhưng trong hoạt động báo chí, đôi khi hoặc có rất nhiều khi các nhà báo phát hiện những mầm mống mới, sự việc mới, yếu tố mới mà đi quá khuôn khổ của công tác tuyên giáo quy định trong những thời điểm nhất định. Và điều này đôi khi rất dễ làm nảy sinh những mâu thuẫn, cũng là để phát triển thôi, nhưng có lúc rất khốc liệt. Trong cuộc đời vừa làm công tác báo chí, vừa chỉ đạo công tác tuyên giáo, thì anh đã gặp những tình huống nào như thế chưa, và xử lý tình huống ấy như thế nào để vừa thực hiện được nhiệm vụ của một cán bộ tuyên giáo vừa thấu hiểu và bảo vệ được khát vọng, cảm xúc của người làm báo khi tiếp cận vào thực tế đang có nhiều trăn trở, bứt phá không dễ khuôn vào những gạch đầu dòng của các nhiệm vụ?

- Có mấy kỷ niệm có thể nói để đời với mình, nếu nói là đau xót cũng có thể là đau xót. Nhưng cuộc đời là phải trả giá và mình chấp nhận. Làm báo bao giờ cũng có một nguyên lý là phản ánh chân thật, trung thực sự việc, sự kiện. Nhưng làm báo còn có mấy chữ “nên” và “không nên”, đó là khi thấy sự thật nhưng có nên nói lúc này không và nói ở thời điểm nào cho thích hợp? Cái này thì khi người ta xin ý kiến là mình phải khẳng định, và luôn nhắc họ, khi phản ánh thì phải cân nhắc mức độ, liều lượng như thế nào. Đó là những bài học báo chí mà hiện nay chúng ta vẫn đang phải nhắc lại thường xuyên. Trong quá trình mình làm Thường trực, trực tiếp chỉ đạo, mình đã làm cái này, trực tiếp giải thích nó và đôi khi đã phải trả giá. Mình nói ví dụ, báo chí tham gia chống tham nhũng tiêu cực, điều đó rất đúng. Đi liền với việc biểu dương nhân tố mới, con người mới thì phải gắn với việc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Rất nhiều văn bản của Đảng xác nhận và chúng ta ngày càng thấy báo chí đang tham gia mặt trận này có hiệu quả. Thế nhưng, ở những vụ việc cụ thể thì phải cân nhắc. Ví dụ, đời mình gặp rất nhiều vụ đau đớn, và vụ đau đớn nhất với mình, đó là vụ phải chỉ đạo xử lý thông tin về việc một cán bộ, lúc ấy là hàm Thứ trưởng, hiếp dâm một cô bé.

Có thể nói xung quanh sự kiện này mình tổng hợp tới hơn 200 bài, tin, tất cả đều là xào xáo trải dài suốt 1 tuần trên mặt báo trang nhất. Thậm chí có bài quá nhố nhăng, đi miêu tả bộ phận sinh dục của cô bé ấy bị sưng, bị phù nề lên, bên trái sưng mấy cm, bên phải bao nhiêu cm. Tức là quá trần trụi và cũng chỉ là do tưởng tượng, chứ ngành y tế người ta đâu nói những cái ấy, nhưng có người đã bịa ra để câu khách giật gân. Trong một buổi tổng kết công tác báo chí tại Đà Nẵng, trong đó có cả đồng chí Hữu Thọ, Hà Đăng dự, lúc giải lao có nói với mình: cậu và Nguyễn Khoa Điềm phải chỉ đạo báo chí! Nếu để báo chí sa đà như thế này sẽ đánh mất thuần phong mỹ tục… Và cũng cùng ở thời điểm ấy, đống chí Tổng Bí thư cũng nhận được một lá đơn kêu cứu và chuyển tới. Đó là bố mẹ cô bé này nói rằng, chúng tôi sẵn sàng chịu tội thay cháu, vì cháu mới 13 tuổi, đời còn dài mà bây giờ các bác để báo chí viết có vẻ suy diễn và bôi nhọ như thế thì cháu sẽ không sống nổi, không còn tương lai. Bây giờ chúng tôi xin nhận tội thay cháu và mong các bác chỉ đạo làm sao báo chí không nói những chuyện này nữa, để khi nào các cơ quan pháp luật kết luận thì lúc ấy thông tin, chứ còn như thế này sẽ dẫn cháu đến hành động bột phát, khó có thể kiểm soát. Thư thiết tha như thế, cộng với các nhà báo lão thành góp ý thì ngay lúc ấy, Trưởng ban Nguyễn Khoa Điềm giao cho mình với tư cách chỉ đạo báo chí và là Phó Ban Thường trực ký văn bản gửi các báo thông báo chuyện này tạm dừng để khi nào cơ quan pháp luật kết luận thì chúng ta thông tin kết quả điều tra và xử lý. Mình thực hiện và cũng thấy phải làm theo đúng tinh thần nhân văn ấy. Nhưng sau đó không ngờ có một lá đơn vu khống gửi lên UBKT TƯ cho rằng mình và ông Điềm nhận 5 nghìn USD để ra một văn bản “bịt miệng” báo chí, đề nghị xem xét tư cách (!) Theo nguyên tắc tố cáo có tên một người cụ thể, ký tên nhà báo, thì phải điều tra. Lúc ấy, bà Nguyễn Thị Doan, là Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT, xuống đọc quyết định kiểm tra (vì mình với anh Điềm thuộc diện Bộ Chính trị quản lý). Ủy ban đã cử một tổ công tác xuống ban thu thập, thẩm định các văn bản chỉ đạo tuyên truyền báo chí hàng tuần, gặp gỡ các nhân chứng. Cuối cùng kết luận không có căn cứ gì buộc tội cả. Và khẳng định, “việc chỉ đạo báo chí như thế là hoàn toàn đúng theo tinh thần Bộ Chính trị, đồng chí Hồng Vinh đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ và quyền hạn. Không có chuyện nhận tiền hối lộ để đưa ra thông báo đó…”

Bao nhiều năm rồi mà anh vẫn thuộc lòng kết luận đó, chứng tỏ “vết thương lòng” rất sâu sắc…

- (Cười buồn): Thế nhưng đau đớn nhất là, vì mình với ông Nguyễn Khoa Điềm thuộc Bộ Chính trị quản lý, mà thông báo kiểm tra lại đóng dấu mật và khi có thông báo kết quả kiểm tra chỉ gửi cho 2 nơi là ông Nguyễn Khoa Điềm và ông Nguyễn Hồng Vinh “để biết”. Nơi gửi nữa là Bộ Chính trị “để báo cáo” thôi. Trong khi họ làm đơn thì gửi đồng thời tất cả các cơ quan báo chí, tất cả các cấp ủy chính quyền địa phương. Thời điểm đó chuẩn bị Đại hội Đảng, đó là thử thách vô cùng to lớn. Có thể nói 7 tháng trời chờ đợi kiểm tra, khi có kết quả thì “được vạ, má đã sưng”.

Vâng, rất đau. Nói thực là hồi ấy, tôi, một nhà báo, cũng bán tín bán nghi về anh. Và đó cũng là lý do khiến một thời gian dài tôi cứ ngại tiếp xúc với anh

- Kỷ niệm thứ hai, là cách xử lý thế nào để khi có những vấn đề nêu lên, ví dụ vụ bán đất ở Đồ Sơn. Báo Văn nghệ trẻ là cơ quan truyền thông phát hiện đầu tiên, đưa lên mấy phóng sự. Thế là người ta cứ dồn dập hỏi, ông chỉ đạo báo chí ra răng mà để báo này làm sai chức năng, tại sao “Văn nghệ” mà lại cứ nói chuyện đất đai?! Trước tình hình đó, mình phải nêu rõ quan điểm của mình rất rõ ràng: nhiệm vụ chống giặc nội xâm là nhiệm vụ của cả hệ thống báo chí, tất nhiên, mỗi báo bám sát chức năng nhiệm vụ và xem xét cách đề cập như thế nào cho phù hợp, chứ không thể nói báo này hay báo kia thì không được tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng… Câu trả lời của mình được Hội Nhà văn Việt Nam tán đồng. Và cũng được dư luận báo chí cho rằng chỉ đạo như thế là thỏa đáng, công tâm. Vụ này cũng đã là một sức ép rất lớn, nếu mình không có bản lĩnh, không có cách nhìn đúng, thì người ta cũng lại không hiểu mình, cho rằng mình “bao che tiêu cực”.

Đó là những kỷ niệm đặc biệt về việc mình giải quyết giữa chỉ đạo gắn với thực tiễn thế nào, và việc mình vượt qua các lời vu khống như thế nào…

Thật sự qua cuộc trò chuyện này, tôi cũng hiểu thêm được rất nhiều những vấn đề, mà trước đó như nhiều người khác chỉ được biết bên ngoài, không biết thực hư, bản chất thế nào. Và người ở những vị trí như anh chắc chắn rất dễ bị vu khống, quy chụp… Ai cũng biết làm báo là phải “đi sát mép nước nhưng không để ướt chân”, đó là cái cơ cực khủng khiếp, cực kỳ khó. Vậy qua tất cả những trần ai, đoạn trường oan khiên khó giãi bày đó, đến hôm nay, nếu không được nghe nói thì người ta cũng chưa chắc đã hiểu thấu cho anh. Anh có đúc kết gì cho các cán bộ tuyên giáo, các nhà báo hiện nay, làm thế nào để mình vẫn có thể thực hiện được nhiệm vụ của một cán bộ tuyên giáo nhưng vẫn hoàn thành chức phận của một nhà báo? Nghĩa là vẫn phát hiện ra được tất cả những góc cạnh cuộc sống, những lầm bụi của cuộc đời này nhưng đủ bản lĩnh để truyền đạt thông tin và không gây ra những hiệu ứng tiêu cực từ những bài viết của mình. Mà cái này hiện nay chúng ta thấy rất dễ xảy ra trước các phương tiện thông tin đại chúng, trong sự khát khao muốn truyền bá sự thật theo góc nhìn của mình và cách thông tin đến công chúng, thì lại gây ra hệ lụy không đáng có?

- Mình xin trả lời gọn thế này, đối với người làm quản lý báo chí - xuất bản có tính chỉ đạo, phải hiểu rất sát thực tiễn đời sống. Thậm chí những vụ tiêu cực anh phải hiểu bản chất trong đó là cái gì. Anh phải gắn rất chặt với các cơ quan pháp luật để hiểu đúng bản chất vụ việc. Thứ hai, anh phải biết động cơ của nó, cách họ đang làm là như thế nào. Có những lúc báo chí mình không có đủ thông tin ấy nên nhiều khi, các cơ quan chức năng đang làm rồi thì mình lại nói, “hình như khép lại”, có cái gì đó khuất tất hay sao ấy...

Nhưng lỗi ở đây là phía cơ quan chức năng không cung cấp đủ thông tin hay một bộ phận báo chí cố tình hiểu sai lệch đi? Hay là tại cả hai phía?

- Lỗi ở đây thì có ở cả hai phía. Phía báo chí, nói thật có những người trẻ vào nghề, nhiều khi muốn nổi danh bằng việc tham gia viết các bài chống tiêu cực, nên lao vào một cách rất hăng say. Mình ghi nhận sự say mê của họ, nhưng có những người có những động cơ không trong sáng, nên bất chấp mọi thứ. Các thông tin cần nhanh nhạy kịp thời, nhưng không được kiểm chứng, dễ gây ra hậu quả tiêu cực do phản ánh không đúng. Mà bài học đắt giá là vụ PMU 18 đấy...

Tôi đồ rằng, ở vụ PMU 18, các cơ quan chức năng có những vấn đề không thống nhất, tạo hiệu ứng rất không lành mạnh tới hệ thống báo chí của chúng ta, chia rẽ hệ thống báo chí của chúng ta…

- Những người hăng hái như thế đã bị trả giá vì việc thông tin và suy diễn thông tin. Việc như thế, mà anh nói liên quan tới 40 quan chức, trong khi chỉ có mấy người. Hoặc chuyện nhà hàng Phố Núi… Dứt khoát cơ quan chỉ đạo không thể buông những chuyện tùy tiện, giật gân như thế được. Cho nên người chỉ đạo báo chí, trực tiếp là mình phải chỉ đạo báo chí thông tin như thế nào, đó là thử thách cực lớn. Mình cần có kỹ năng giải quyết giữa nguyên tắc và thực tế sao cho hài hòa…

Để “cừu no mà cỏ vẫn nguyên”? (cười)

- Không hẳn thế, để cho không gây ra những hệ lụy tiêu cực thôi.

Thực sự đã chứng minh, anh là một người rất bản lĩnh, đã chịu được rất nhiều sức ép lớn… Rất điềm tĩnh và không cần phải đi thanh minh gì cả.

- Đúng. Mình không có họp báo để thanh minh cái gì cả… Mọi chuyện tự nó sẽ sáng tỏ thôi.

Làm phóng viên thì phải đi đến cùng sự việc, nhưng khi truyền đạt với xã hội thì bao giờ cũng phải tính đến tác động tích cực. Đối với xã hội nói chung, với công việc nói riêng, thì đấy chính là sự nhuần nhuyễn của một phẩm hạnh tuyên giáo với một phẩm hạnh nhà báo. Anh có đồng ý với nhận xét này không?

- Hoàn toàn đồng ý.

Tôi đã được biết anh từ ngày mới vào nghề, từ lúc mới ở Tây Nguyên ra Hà Nội. Hồi anh làm Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, tôi đã rất ấn tượng về anh ngay lần gặp đầu tiên. Sau mấy chục năm lại được ngồi nói chuyện, tôi thấy anh vẫn giữ được chất tự tin, bình thản, rất có tình người, phong độ của một người có nhiều trải nghiệm, biết nín nhịn để làm sao giữ cho mọi chuyện trong cuộc đời yên ả. Và với một tâm thế như thế, anh làm thế nào để viết được những bài thơ, nhiều khi rất hồn nhiên, mà cũng đầy khao khát. Có những bài thơ mang tính chân quê, có bài thơ với sự yêu đương như thuở ban đầu, có bài thể hiện sự chiêm nghiệm sâu sắc, nhưng không bao giờ tức giận, thù hận cả. Bằng cách nào anh có thể giữ được cảm xúc thơ trong tâm thế một chính khách?

- Rất cảm ơn nhận xét tinh tế của Hồng Thanh Quang. Mình làm thơ cũng có sự lãng mạn mà nhiều người đã hỏi. Thời mình làm PCT Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ, rồi quyết định tiếp theo là làm Chủ tịch Hội đồng, có một đồng chí có trách nhiệm hỏi: Sao lại để ông Hồng Vinh làm lãnh đạo một Hội đồng chuyên về văn học, nghệ thuật, trong khi ông ấy chỉ học sử? Mình hỏi ngay: Vậy anh trả lời thế nào? Ông cười nói rằng, chỉ cần trả lời một câu như thế này, khi Bộ Chính trị nhìn nhận một con người, thì nhìn nhận ở hai mặt. Một là ở phẩm chất chính trị, hai là ở năng lực chuyên môn thì mới dẫn đến quyết định đó, chứ không phải tự nhiên theo cảm tính cá nhân. Ra quyết định đó đã có sự cân nhắc kỹ càng…

Còn mình thì tâm niệm, tất cả sẽ trả lời bằng thực tiễn. Mình trực tiếp chỉ đạo Hội đồng 3 khóa, mình thấy rằng không đến nỗi tủi hổ với việc mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho mình. Cái này nhiều văn nghệ sĩ cũng đã thừa nhận.

Dân tộc mình có rất nhiều định kiến. Định kiến cũng tốt vì giữ được sự kiên định, nhưng lại có mặt không tốt là rất dễ bị hiểu nhầm thực tế, mà thông thường theo cách hình dung của một bộ phận không nhỏ trong công chúng, nhà thơ phải “cầu bơ cầu bất”, phải có bi kịch, thậm chí phải nghèo khổ, nhà thơ không thể làm lãnh đạo. Nhưng thực ra hiểu văn minh thì bất cứ ai nếu có những nỗi khổ tâm, đau đớn về mặt tinh thần cho số phận của nhân loại của chính mình, cho xung quanh, cho đất nước… thì nhà thơ không cần phải có những yếu tố khác, không nhất thiết phải thất bại trong chuyên môn, không nhất thiết cứ phải chìm dưới đáy… Anh nghĩ như thế nào về những nhận xét ấy? Có thời điểm nào đấy, tình huống nào đấy anh hiểu sai về những định kiến đó hay không?

- Đó là sự thật. Và mình đã phải bằng nghị lực và ý chí của mình để vượt lên tất cả sự đố kỵ. Cũng như trong các tình huống khác của nghề làm báo và nghề làm tuyên giáo. Khi mình làm thơ thì đầu tiên họ cũng tưởng mình muốn vào Hội Nhà văn… Hiện mình đã có 7 tập thơ, trong khi quy định chỉ cần có 3 tập thơ thôi nhưng mình chưa vào. Mình làm thơ đâu phải để vào Hội nhà văn. Làm thơ vì mình có nhu cầu, trước đó mình đã yêu thơ, nhưng do điều kiện công tác quản lý với thời gian sít sao nên không làm được; về Hội đồng thì có tiếp xúc với thơ ca, có cơ hội, đánh thức tình yêu thơ ca trỗi dậy, thúc giục mình dùng thơ để giãi bày nhân tình thế thái. Thơ nói về tình yêu con người, cuộc sống làm cho mình thư thái, và khiến mình yêu đời hơn. Mặt khác, thơ giúp cho mình nâng tầm tư duy khái quát, vì thơ là sự chọn lọc tinh túy. Trong thực tế, mình viết chính luận, xã luận nhiều, chính hồn thơ ấy chắp cánh cho những bài viết có cảm xúc, giọng văn mềm mại, đọc dễ vào. Cho nên ông Phan Quang nhận xét những bài viết chính luận của mình, ông nêu hình tượng là “người giao hòa lửa báo và hơi văn”. Nhận xét đấy rất tinh tế. Mới đây khi ông đọc tập sách “Thơ và Dấu ấn cuộc đời” của mình thì ông nói là, “trong báo có thơ và thơ làm trẻ báo”. Phải nói là ông nhận xét rất sâu sắc…

Còn Hồng Thanh Quang hỏi, trải nghiệm sâu sắc nhất trong 50 năm làm báo là gì, thì mình đã gửi gắm trong bài thơ “Vô đề”, trong đó có những câu: “Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ tình người còn đọng lại/ Giữa bộn bề trái ngang”…

Xin cảm ơn anh!

Hồng Thanh Quang(thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-bao-hong-vinh-chi-tinh-nguoi-dong-lai-tintuc418537