Nhà báo Jakarta Post: Chúng ta đã sống mà không phòng bị

Chúng ta không thể tránh được thảm họa nhưng có thể hạn chế tác động của nó, bằng chính sự hiểu biết và cố gắng của mình.

Nhà báo Indonesia Sita W. Dewi của Jakarta Post ngày 4-10 đã có bài viết về thảm họa kép động đất-sóng thần với nỗi niềm tiếc nuối, đau thương khi phải thừa nhận thực tế: Chúng ta sống mà không có sự phòng bị đối phó thảm họa thiên nhiên.

Dưới đây là nội dung bài viết:

“Năm 2010, khi còn là một nhà báo trẻ, tôi đến đưa tin sự kiện núi lửa Merapi ở TP Yogyakarta, đảo Java làm ít nhất 353 người chết và hơn 350.000 người phải sơ tán. Phần lớn nạn nhân đã sống ở các khu vực dưới chân một trong những ngọn núi lửa hoạt động tích cực nhất thế giới nhiều năm qua.

Ở đó, tôi gặp một người trong làng, ông Sukiman Mohtar Pratomo, người đã lập ra Mạng lưới Thông tin Merapi thông qua hệ thống phát thanh. Tham gia mạng lưới này là người làng, lãnh đạo cộng đồng dân cư, người tình nguyện, nhân viên các điểm giám sát, người hỗ trợ tài chính.

Ban đầu đây là kênh phát thanh bình thường nhưng sau thảm họa Merapi phun trào năm 1994, ông Pratomo đã chuyển kênh phát thanh này thành một kênh thông tin hiệu quả với người dân. Qua kênh này, họ thông báo đến người dân thông tin về núi lửa Merapi và các biện pháp giảm nhẹ thảm họa. Phần lớn thời gian, khi không có sự cố, kênh phát thanh này thường phát một chương trình hài kịch.

Thông thường núi lửa Merapi phun trào bốn năm một lần nhưng hầu hết người dân đã học được phải làm gì khi nhà chức trách địa phương phát cảnh báo qua các phương tiện thông tin. Có ba mức cảnh báo khác nhau: Wasdapa - chú ý; Siaga - chuẩn bị; và cao nhất Awas - sơ tán.

Một khi mức Waspada được phát, các lãnh đạo dân cư sẽ đọc danh sách người dân cần chú ý khả năng sơ tán, cụ thể người già, trẻ em, phụ nữ, người có bệnh, người có nhiều xe cộ. Khi mức cảnh báo Siaga được phát, các gia đình bắt đầu gói ghém đồ đạc, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán khi nghe mức cảnh báo Awas.

Núi lửa Merapi trong một lần phun trào. Ảnh: JAKARTA POST

Núi lửa Merapi trong một lần phun trào. Ảnh: JAKARTA POST

Tôi cũng gặp một lãnh đạo làng Somohitan bên cạnh, người đã lập ra một hệ thống thông tin cung cấp diễn biến về hoạt động của núi lửa Merapi. Họ cũng dự trữ hàng cứu trợ để dùng trong trường hợp khẩn cấp, để khi thảm họa xảy ra họ không phải chỉ biết trông đợi vào sự giúp đỡ bên ngoài, ít nhất là trong những ngày đầu sau thảm họa.

Trở lại thảm họa động đất sóng thần ở Palu và Donggala ở Trung Sulawesi chiều 28-9. Một đoạn video lan truyền trên mạng sau động đất cho thấy từng đợt sóng cao cuốn người dân khỏi bãi biển Talise ở Palu. Có thể nghe giọng người đàn ông quay video hét lớn “Sóng thần! Chạy lên chỗ cao! Chạy đi kẻo chết!”. Tiếng hét nhanh chóng biến thành tiếng khóc khi ông thấy sóng thần quét nhiều mạng người, trong khi những người khác chạy loạn xạ trong hoảng sợ.

Sóng thần tràn vào Palu sau trận động đất mạnh 7,4 độ Richter chiều 28-9. Ảnh: AP

Sau thảm họa, chỉ trích nhanh chóng hướng về nhà chức trách Indonesia, trong đó có Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý, rằng cơ quan này đã chấm dứt cảnh báo quá sớm. Cũng có ý kiến chỉ trích tính không hiệu quả của hệ thống cảnh báo sóng thần.

Nhưng cũng có nhiều nhà quan sát nhắc tới một thực tế rằng bản thân người dân đã không nghĩ ra được rằng sau động đất ở vùng biển thì việc đầu tiên họ cần làm là chạy lên các khu vực cao, dù không có cảnh báo sóng thần đi nữa. Nhưng việc này là mong đợi quá cao, khi người dân về cơ bản ngay từ đầu đã không được chuẩn bị ứng phó với thảm họa quy mô như thế này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1927-2012, Donggala và Palu cũng từng nhiều lần xảy ra động đất. Trong bốn tháng qua, chi nhánh Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý ở địa phương thông báo có đến khoảng 30 trận động đất nhỏ trong khu vực, do phay nứt gãy Palukoro hoạt động.

Bất kể thực tế này, người dân khu vực dường như vẫn không nghĩ nhiều đến rủi ro. Anh Ruslan Sangadji, một nhà báo Jakarta Post (đồng nghiệp của tác giả bài viết) ở Palu cho biết người dân địa phương chưa từng thực hiện một đợt diễn tập ứng phó động đất, sóng thần nào.

Chuyện ở Palu và Donggala có thể cũng là chuyện ở nhiều khu vực dễ xảy ra thảm họa thiên nhiên khác ở Indonesia. Các nhà khoa học nói nhiều về nguy cơ tiềm tàng của việc di chuyển phay nứt gãy Lembang nằm cách quê tôi là TP Bandung, Tây Java chỉ 9 km. Nhưng chúng tôi chưa từng được huấn luyện, chuẩn bị ứng phó với thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chúng ta sống trên một đất nước nhiều quần đảo nhất thế giới, nhưng phần lớn trẻ em thậm chí chưa được dạy phải bơi làm sao. Chúng ta sống trong Vòng tròn lửa Thái Bình Dương, nhưng chúng ta không dạy con em mình cách ứng phó động đất thế nào. Phần lớn mọi người chưa từng được dạy cách cấp cứu người, đơn giản như hô hấp nhân tạo. Dù sống trong vùng thường xuyên xảy ra động đất, các trường học không hề có lịch diễn tập đối phó động đất thường kỳ. Bản thân tôi từ nhỏ đến giờ chỉ tham gia duy nhất một cuộc diễn tập.

Phần lớn chúng ta không biết phải làm gì và không làm gì, nên đi đâu, nên gọi ai, nên đem theo những gì và cố gắng tồn tại ra sao trong thời điểm khẩn cấp. Trong khi ở nhiều nước dễ xảy ra thảm họa khác, các phản ứng này đã trở thành tự động, cho dù thảm họa có xảy ra ngay cả khi họ đang ngủ.

Biết phải làm gì trong thời điểm thảm họa xảy ra, trang bị khả năng giữ mình nổi trên mặt nước 30 phút đến khi được cứu, cũng như một số kỹ năng sống khác có thể sẽ giúp tăng cơ hội sống sót trong các viễn cảnh thảm họa. Khả năng cấp cứu, hô hấp nhân tạo có thể sẽ giúp chúng ta cứu được người thân, láng giềng hay bất cứ người nào cần được cứu.

Sóng thần là nguyên nhân chính gây chết nhiều nhất trong thảm họa chiều 28-9. Ảnh: AAP

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Indonesia cho thấy đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa khu vực quá thấp, các chính quyền địa phương chỉ chi chưa tới 0,1% ngân sách khu vực cho các dự án liên quan.

Sáng kiến của cộng đồng dân cư khu vực núi Merapi cũng như một số sáng kiến tương tự ở các nơi khác cho thấy ý thức chuẩn bị đối phó thảm họa hoàn toàn có thể được thấm nhuần thành một nhận thức chung. Có nhà khoa học từng đề nghị nếu có tổ chức các cuộc thi chạy marathon ở các khu vực thường có nguy cơ động đất sóng thần thì nên chọn đường chạy là tuyến đường sơ tán khi có thảm họa.

Tóm lại, chúng ta cần nghĩ ra nhiều cách khác nhau để giúp người dân có được kỹ năng ứng phó với thảm họa. Chúng ta không thể tránh được thảm họa, nhưng có thể hạn thế tối thiểu tác động của nó, bằng chính sự hiểu biết và cố gắng của mình”.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/nha-bao-jakarta-post-chung-ta-da-song-ma-khong-phong-bi-796161.html