Nhà báo Lê Hồng Lâm: Điện ảnh Việt Nam luôn trong giai đoạn... quá độ

'Có một câu đầu lưỡi của không ít người Việt, trong đó có những người học vấn cao và gu văn hóa trên trung bình: 'Phim Việt Nam là tôi không xem'. Một câu nói nghe hùng hồn. Song nghĩ kỹ, đó là một thái độ nông cạn và thô bạo chẳng khác gì 'hễ đi tù một lần thì không bao giờ là người lương thiện '..., chia sẻ ngắn gọn của Lê Hồng Lâm đầy gợi mở để dẫn dắt người đọc bước vào cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất - dự án sách điện ảnh tâm huyết của một nhà báo có hơn 20 năm theo dõi và viết về điện ảnh. Trước ngày ra mắt cuốn sách, tác giả đã trò chuyện về hành trình ba năm thực hiện sách.

Chọn thực hiện một cuốn sách có tính thống kê theo suốt chiều dài lịch sử điện ảnh, người thực hiện sẽ rất vất vả về tư liệu. Điều anh mong đợi ở cuốn sách này là gì?

Tìm kiếm tư liệu đúng là khó khăn vì việc lưu giữ các di sản văn hóa, phim ảnh của Việt Nam không được chú trọng. Bên cạnh lưu trữ DVD qua nguồn phim mà Phương Nam Phim phát hành gần đây, tôi còn tham khảo thêm các nguồn tư liệu lưu trữ cá nhân của các đạo diễn thế hệ trước hay gia đình của họ. Đây là một nguồn tư liệu rất quý để cuốn sách này có được những hình ảnh, những tấm áp phích của các bộ phim xưa mà ngày nay khó tìm thấy.

Với cuốn sách này, tôi muốn tôn vinh những tài năng của điện ảnh Việt Nam, những bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam đang dần bị lãng quên. Một điều nữa, đây là dự án sách tuyển chọn những bộ phim hay có tính hệ thống trong suốt hơn bảy thập niên mà chưa một ấn phẩm nào trước đây từng làm. Với thế hệ khán giả trước đây, tôi hy vọng cuốn sách này giúp họ sống lại những kỷ niệm đẹp với điện ảnh Việt Nam, nơi những bộ phim là món ăn tinh thần quý giá đối với họ.

Với khán giả trẻ hôm nay, tôi hy vọng nó phần nào phá vỡ định kiến của họ về điện ảnh Việt Nam, giúp họ tìm thấy những di sản của điện ảnh. Với cá nhân tôi, nó là một bộ sưu tập mà tôi muốn lưu giữ, một nguồn tư liệu tham khảo trong quá trình làm nghề của mình.

Tiêu chí nào để phim được chọn đưa vào sách?

101 bộ phim này được tuyển chọn từ hơn 1.000 bộ phim mà điện ảnh Việt Nam đã sản xuất trong hơn bảy thập niên, tức là tỷ lệ 10 chọn 1. Tính bình quân, mỗi năm có khoảng 1,5 bộ phim được tuyển chọn vào cuốn sách.

Về tiêu chí, đây là một dự án cá nhân của một người đã có hơn 20 năm nghiên cứu và viết về điện ảnh nên nó phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người viết, tất nhiên, sự lựa chọn này cũng dựa theo thang điểm từ thấp đến cao, từ những bộ phim trung bình khá đến những bộ phim tốt và một số bộ phim xuất sắc. Bên cạnh đó, nó còn dựa vào những thành tựu, những giải thưởng điện ảnh mà các bộ phim đạt được, hay sức sống lâu bền của những bộ phim này đối với công chúng.

Trong sách, điện ảnh Sài Gòn trước 1975 có được anh nhắc tới?

Đây là một đề tài lớn mà tôi nghĩ cần có khảo cứu công phu và được nhìn nhận công bằng hơn. Trong cuốn sách này có phần Phụ lục đánh giá sự phát triển của điện ảnh Sài Gòn từ 1954 - 1975 và chọn ra danh sách 30 bộ phim tiêu biểu nhất. Riêng trong 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, tôi chọn 4 bộ phim đại diện cho các thể loại phim: Người tình không chân dung, Chiếc bóng bên đường, Nắng chiều, Tứ quái Sài Gòn.

Cảm hứng nào để anh dành ba năm cho cuốn sách?

Dự án này khởi phát từ một ý tưởng ngẫu hứng khi thấy những cuốn sách về điện ảnh Việt Nam quá ít ỏi, đặc biệt là những cuốn sách có tính tuyển chọn, có giá trị tham khảo cao, được in ấn đẹp mà bản thân tôi khi ra nước ngoài mua rất nhiều. Ví dụ như ở Mỹ họ làm một tuyển tập có tên là 1.001 bộ phim phải xem trước khi chết và được tái bản thường xuyên, cập nhật những bộ phim mới.

Sách được thiết kế bởi Tạ Quốc Kỳ Nam - một designer trẻ đang nổi tiếng, với hàng trăm bìa sách đã xuất bản. Ảnh: CTV

Chẳng lẽ điện ảnh Việt Nam trong suốt hơn bảy thập niên không chọn ra được 101 bộ phim đáng xem? Khi tôi đưa ý tưởng này lên mạng xã hội thì nhận được rất nhiều phản hồi tích cực và sau đó Nhã Nam cũng đặt vấn đề hợp tác. Từ một ý tưởng có tính ngẫu hứng và không còn đường lùi, tôi bắt tay vào khảo cứu, tìm tòi tư liệu và tuyển chọn hơn 200 phim được đánh giá khá cao mà mình đã xem trong suốt chiều dài làm báo, sau đó lần lượt xem lại bằng con mắt của ngày hôm nay để xem bộ phim nào xứng đáng được tuyển chọn, bộ phim nào loại ra.

Từ hơn 200 bộ phim đó, danh sách rút gọn còn lại 101 bộ phim và tôi bắt đầu tiến hành xem lại từng phim một, sau đó đọc tài liệu, sách báo, gặp gỡ các đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim... để nghe họ chia sẻ thêm về những bộ phim này và cuối cùng là viết.

Theo sát điện ảnh Việt với tư cách là nhà báo, phê bình phim, anh rút ra những điều gì về điện ảnh Việt? Nền điện ảnh của chúng ta đang đi lên hay đi xuống cả về tài năng đạo diễn, kịch bản, diễn viên lẫn sự suy ngẫm, chiều sâu mà tác phẩm mang lại?

Trong suốt hơn 20 năm làm báo và theo dõi sát sao điện ảnh Việt Nam với tư cách một người viết độc lập, không bị tác động bởi các nhận định bên ngoài và ba năm qua dành gần như toàn bộ thời gian để nghiên cứu, đọc, xem lại các tư liệu ngày trước, tôi nhận ra một điều là điện ảnh Việt Nam luôn trong giai đoạn... quá độ. Nghĩa là giai đoạn nào cũng có một vài đạo diễn tài năng, một vài bộ phim hay, xuất sắc, nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và cứ thế, những bộ phim hay nằm cùng những bộ phim tầm tầm, thậm chí tệ hại khiến chúng phải chịu tiếng oan. Việc của tôi với dự án này là tìm lại những bộ phim hay và đưa chúng vào một tuyển tập xứng đáng, như việc so bó đũa chọn cột cờ của các thời kỳ điện ảnh khác nhau.

Ngày 29.9, tại Galaxy Cinema TP.HCM sẽ có buổi ra mắt sách điện ảnh 101 bộ phim Việt Nam hay nhất và giao lưu với tác giả Lê Hồng Lâm. Khán giả sẽ được xem lại các trích đoạn phim kinh điển và hiện đại tiêu biểu; gặp gỡ và trò chuyện với nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam...

Điều thú vị sau khi tuyển chọn những bộ phim hay từ năm 1953 đến nay và khi đưa chúng vào một cuốn sách, ta thấy được một “biên niên sử” của Việt Nam trong gần một thế kỷ qua bằng điện ảnh; ta thấy được chân dung con người Việt Nam các thời kỳ, ta sống lại với những thăng trầm của đất nước, và đặc biệt là ta được đắm mình trong các không gian văn hóa, các vùng miền khác nhau.

Vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội trước 1954 trong Kiếp hoa (1953), những con người Việt Nam hào hùng bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; những thân phận, bi kịch hậu chiến, những cuộc trở về để tìm lại và hàn gắn vết thương; giai đoạn Đổi mới và cái nhìn phản tỉnh về đời sống, về con người Việt Nam; những bộ phim của các đạo diễn Việt kiều trở về để tìm lại những vẻ đẹp của một thời đã mất... hay gần đây là những bộ phim giải trí thay đổi chóng mặt, thậm chí có cảm giác như Việt Nam chưa từng trải qua chiến tranh cách đây chưa xa... giúp ta hình dung phần nào hình ảnh, chân dung của người Việt Nam qua điện ảnh.

Đó là một điều thú vị mà không phải bộ môn nghệ thuật nào cũng làm được như điện ảnh.

Hiện nay, một trung tâm lưu trữ các tác phẩm điện ảnh Việt để người yêu điện ảnh cần nghiên cứu, tìm hiểu vẫn là câu chuyện quá xa vời. Khi tìm hiểu để làm cuốn sách này, anh thấy điều đó có khả thi không, liệu có ai đủ khả năng thực hiện “thư viện” phim ảnh như vậy?

Câu hỏi này chắc dành cho Viện Lưu trữ điện ảnh hay những cơ quan quản lý điện ảnh bởi họ mới có đủ tài chính, điều kiện, con người để làm được điều đó. Cá nhân tôi là một người viết, một người nghiên cứu và yêu thích điện ảnh Việt Nam, tôi chỉ biết làm dày bộ sưu tập của mình trên kệ đĩa để có một bộ sưu tập cá nhân nho nhỏ và có thể chia sẻ với mọi người.

Sau khi xuất bản cuốn sách, tôi mong muốn tiếp tục quảng bá về các di sản của điện ảnh Việt Nam thông qua các hoạt động chiếu phim (tuyển chọn những bộ phim hay các thời) hay tổ chức những cuộc hội thảo nho nhỏ để bảo tồn các di sản của điện ảnh Việt Nam. Hiện tôi đang nộp hồ sơ xin tài trợ của một quỹ văn hóa nước ngoài tại Việt Nam để tiếp tục lan tỏa dự án của mình.

Tại sao anh lại chọn thời điểm 1953 để bắt đầu cuốn sách?

Điện ảnh Việt Nam những năm 1940 mới bắt đầu manh nha xuất hiện, nhưng các bộ phim thời này còn quá thô sơ, chưa thể gọi là một bộ phim hoàn chỉnh. Dự án của tôi ban đầu định chọn Chung một dòng sông (1959) là bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, khi xem bộ phim Kiếp hoa (1953), tôi ngạc nhiên trước bộ phim này. Cho dù bộ phim còn nặng yếu tố kịch nghệ, sân khấu (bộ phim do một ông chủ đoàn cải lương nổi tiếng ở Hà Nội thời đó bỏ tiền sản xuất), nhưng nó là tác phẩm điện ảnh khá hoàn chỉnh (dài hơn 90 phút), kịch bản ba hồi chặt chẽ, diễn xuất tinh tế và dàn dựng bối cảnh kỳ công.

Đây cũng là bộ phim duy nhất của điện ảnh Việt Nam trước năm 1954 được tuyển chọn vào cuốn sách này. Dù chỉ là một bộ phim, nhưng nó cũng là chứng nhân của một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử, tái hiện lại vẻ đẹp của Hà Nội thanh lịch, tao nhã một thời.

Những bộ phim sau đó, kể từ Chung một dòng sông (1959), điện ảnh Việt Nam đã bước sang một giai đoạn rất khác rồi...

Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nha-bao-le-hong-lam-dien-anh-viet-nam-luon-trong-giai-doan-qua-do-15709.html