Nhà báo liêm chính thì sẽ không hèn nhát, sợ hãi trước mọi sự đe dọa!

Hoàng Thiên Nga - Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên - từ lâu đã là một cái tên nổi tiếng trong mảng phóng sự, ký sự, điều tra. Thực hiện chuyên đề 'Nhà báo tác nghiệp tại điểm nóng, Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà báo 'kiểu cũ' này, để nghe chị chia sẻ về những trải nghiệm đáng nhớ của những năm tháng lăn lộn trong mảng phóng sự, điều tra - mảng gai góc nhất, buộc người làm báo phải xông pha vào nhiều 'điểm nóng' nhất.

+ Tôi vẫn chưa hiểu một người từng tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa Văn, tính cách bay bổng đầy nghệ sĩ như chị đã “bén duyên” với mảng phóng sự, điều tra như thế nào?

- Năm 1995, nhà báo Phạm Yên, Trưởng Ban Ảnh của Báo Tiền Phong vào Đắk Lắk làm tin bài về lễ khánh thành đường dây 500KV. Bí thư Tỉnh đoàn Đỗ Thanh Xuân phân công tôi hỗ trợ. Gặp bạn rượu, nhà báo Phạm Yên sa đà, tôi phải giúp anh từ việc cung cấp thông tin, viết bài đến... uống đỡ bia rượu. Trước khi về lại Hà Nội, anh Phạm Yên bảo: “Này, em... uống khá quá. Hay em về báo Tiền Phong đi?”. Tôi bật cười vì câu đùa, nhưng té ra anh ấy báo cáo với Ban Biên tập thật. Lãnh đạo Tiền Phong vào xin tôi sang làm phóng viên thường trú đầu tiên của báo ở Tây Nguyên. Bí thư Tỉnh Đoàn quát: “Muốn đưa cái Nga đi thì phải bước qua... xác tui!”. Báo phải nhờ Trung ương Đoàn tác động, mới xong.

Thấm thoắt, đã 23 năm.

Là phóng viên thường trú, rồi Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, tôi vẫn viết bất cứ đề tài gì thấy cần viết, thấy có ích, chứ không phân biệt đề tài. Phóng viên thường trú hầu hết đều “đa hệ” như thế, làm gì có lực lượng đông, chia nhiều mảng miếng, mà chọn lựa?

Tuy nhiên, trong vài nghìn sản phẩm báo chí đủ các thể loại tôi đã thực hiện, có lẽ phóng sự điều tra vẫn là mảng bài gây ấn tượng sâu đậm nhất. Nên tới nay, các bạn làm nghề vẫn nghiễm nhiên xếp tôi vào nhóm nhà báo chuyên về phóng sự điều tra.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga tác nghiệp trong khi điều tra về vụ bán gỗ tang vật không qua đấu giá.

+ Gần ¼ thế kỷ làm báo, chị nhớ điều gì nhất?

- Nhiều quá, thật khó chọn đâu là kỷ niệm mình nhớ nhất.

Hơn 20 năm trước, có lần tôi “đối đầu” với một đại biểu HĐND tỉnh, phanh phui thủ đoạn chiếm đoạt lô đất ở nội thành Buôn Ma Thuột mà ông mượn của một bà cụ tốt bụng. Sau rồi bà cụ “trả công” kiểu gì tôi cũng không nhận, ngoài một ký... thịt lợn mà bà lụm cụm đem đến, năn nỉ tôi dùng bồi dưỡng trước ngày sinh con đầu lòng.

Vài năm sau, con gái lớn của bà đến gặp tôi, kể rằng trước khi mất, bà dặn các con đừng quên ân nhân. Tôi không nhận mình là ân nhân, chỉ nghĩ đó là phần việc lương tâm bắt buộc phải làm. Nhưng từ đó, năm nào chị cũng gửi tặng tôi một món quà, kể cả khi đã theo con sang Pháp. Những món quà không mang nghĩa vật chất, nhưng là tình người chan chứa, khiến tôi ấm lòng.

Trong số kỷ vật nghề nghiệp của tôi, có nhiều thứ khá đặc biệt, như con voi bằng vàng 18K của một độc giả vì loạt bài tôi đã viết để bảo vệ chú voi Khăm Bun khỏi bị Liên đoàn Xiếc Việt Nam phẫu thuật cắt bỏ bàn chân hoại tử sau khi dính bẫy. Chị đặt làm chú voi bé bỏng có cả đôi ngà nhỏ mới nhú sau khi Khăm Bun qua đời; đêm đêm điện thoại từ Hà Nội, thổn thức hỏi tôi có đeo tượng voi ấy không? Chị khóc vì nhớ tiếc “thằng Bun” - bé voi cuối cùng bị săn bắt, phải lìa mẹ, xa bầy và mất cả môi trường sống giữa đại ngàn của Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Kỷ niệm không thể kể hết. Đủ các cung bậc cảm xúc vui, buồn, thương, giận. Như cảm giác sững sờ nhìn chiếc ô tô cũ của gia đình bốc cháy trước sân, sau khi cương quyết bác bỏ yêu cầu phải ngừng phanh phui tội ác của một đại gia, mà nhà chức trách đã hứa sẽ bảo vệ cho nhà báo, hứa sẽ “điều tra, xử lý nghiêm minh” nhưng rồi “chìm xuồng”. Như niềm hạnh phúc lặng lẽ khi đón nam sinh Đỗ Quang Thiện bị tù oan ra khỏi nhà tù vào một sáng Chủ nhật, tôi hỏi “Lần sau nếu đi đường lại gặp tình huống như vậy, cháu có cứu người nữa không?” Thiện ngẫm nghĩ, rồi đáp: “Cháu vẫn sẽ cứu, cô ạ...”

+ Hành trình đưa em Thiện ra khỏi nhà giam của chị đã từng gây “sửng sốt” trên cả nước. Chị có thể hé lộ một vài chi tiết “hậu trường”?

- Vào sáng 20/5/2015, báo Tiền Phong đăng bài “Tòa bỏ quên một chứng cứ quan trọng”. Báo vừa phát hành, tôi điện thoại ngay cho GĐ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk - BS Bùi Trường Phong, dặn nếu có cán bộ nào của Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột sang xin lại công văn 696 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gửi Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột khẳng định khi nhập viện nạn nhân bị đột quỵ vì bệnh nội khoa chứ không hề chấn thương do tai nạn giao thông – PV) thì ông cảnh giác giùm. Lý do: “Rất có thể đó chính là người liên quan tới việc làm thất lạc công văn 696 của Bệnh viện gửi VKS ra khỏi vụ án, khiến Thiện bị kết tội oan. Khi người đó xuất hiện, nhờ ông báo ngay cho tôi biết!”.

Quả nhiên, chiều cùng ngày, BS Phong báo tin có một cán bộ VKS sang xin cấp lại công văn 696, nhưng không lấy bản photo, mà nằn nì xin bản gốc có dấu đỏ. BS Phong trả lời sẽ chỉ cấp lại nếu có công văn chính thức từ lãnh đạo VKS. Người này hẹn sáng hôm sau trở lại.

Đầu giờ sáng hôm sau, tôi gọi một PV cùng sang “phục kích” ở Bệnh viện và dặn: “Khi nào nhân vật đến, vào phòng nào, chị vào làm việc và ra dấu thì em ập vào chụp nhiều ảnh các góc khác nhau của nhân vật và những người gần đó.”

NB Hoàng Thiên Nga hỏi chuyện nông dân làm giàu.

Hoàn toàn đúng như dự đoán. Phó GĐ Bệnh viện, người đã ký công văn 696, là BS Y Bliu Arul vừa cầm tờ báo Tiền Phong mới phát hành vào phòng đọc thì một KSV xuất hiện, vào phòng BS Y Bliu Arul. Tôi chờ khoảng 15 giây sau, vừa đủ thời gian cho nhân vật trình bày đề nghị, để bước nhanh vào phòng và vẫy PV vào theo. Tôi xin lỗi BS, nhìn bảng tên đeo trước ngực KSV thấy tên Nguyễn Duy Cành và đề nghị ông Cành cho biết: Vì sao phải xin cấp lại công văn 696? Có phải chính ông là người thụ lý hồ sơ nhưng lại cố tình không đưa công văn rất quan trọng này vào hồ sơ, để làm sai lệch bản chất vụ án?

Ông Cành ấp úng trả lời ngắc nga ngắc ngứ, trong khi PV của tôi bấm máy liên tục, đủ các góc cảnh. Điều này hoàn toàn đúng như “kịch bản” tôi đã dự liệu trước. Tôi hỏi: “Lãnh đạo Viện có cử ông sang đây xin lại công văn 696 không?”. Ông Cành nổi nóng, vặt lại: “Chị muốn biết thì đi mà hỏi Viện trưởng.” Tôi gọi ngay cho Viện trưởng VKSND TP. Buôn Ma Thuột, mở loa cho mọi người cùng nghe: “Chào anh Luyến! Tôi là Hoàng Thiên Nga báo Tiền Phong. Xin anh vui lòng cho biết sáng nay anh có cử cán bộ nào sang Bệnh viện xin cấp lại công văn 696 không? - Không, tôi chả cử ai sang đó xin giấy tờ gì cả!”. Ông Cành ngồi cúi gằm mặt. Tôi cảm ơn BS Y Bliu, rút nhanh vì đã đủ hình ảnh, âm thanh và động lực cho bài báo vào sáng hôm sau…

+ Sau hàng loạt các tuyến bài phóng sự điều tra tại Tây Nguyên, chị đã phải trải qua những khó khăn gì? Và làm thế nào để các tuyến bài ấy đi đến thành công?

- Cuộc điều tra càng kéo dài, thì khả năng PV bị tấn công bằng nhiều thủ đoạn càng lớn. Điển hình là vụ điều tra các sai phạm của lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk về rất nhiều vấn đề: Đấu thầu thuốc; mua sắm vật tư - trang thiết bị y tế; kéo bè kết cánh để dễ chia chác; loại bỏ người không cùng ê kip… Ngay từ đầu PV đã đi đúng hướng, chứng minh rõ ràng các sai phạm bằng chứng cứ, hình ảnh, tài liệu, văn bản. Tuy nhiên, quá trình xử lý tin báo của các cơ quan chức năng của tỉnh có vấn đề bất thường, lộ rõ các dấu hiệu bao che, xóa vết. Trong khi đó, những kẻ sai phạm bị nêu đích danh đã trả thù bằng cách vu khống, chửi bới, lập các Facebook ẩn danh để xúc phạm PV, dùng người giả PV VTV24 cần giúp đỡ để tiếp cận, gợi chuyện ghi âm, đem về cắt xén ráp nối rồi tung lên mạng xuyên tạc để bôi nhọ, khủng bố tinh thần nhà báo; Thuê cả luật sư làm đơn vu khống gửi tới các cơ quan chức năng, tung tràn lan trên mạng để đánh lạc hướng dư luận về những hành vi phạm pháp của nhóm cán bộ y tế…

Và để điều tra thành công, theo tôi, trước hết, mục tiêu phải vì chính nghĩa! Khi thực hiện, cần thu thập cho được càng nhiều càng tốt mọi tài liệu, chi tiết, diễn biến liên quan. Nếu có thể, nên tham khảo ý kiến những chuyên gia giỏi, người am hiểu vấn đề, có tư chất và tính cách đáng tin cậy. Càng bí mật, bất ngờ, cẩn trọng sẽ càng chắc thắng.

NB Hoàng Thiên Nga đi thực tế vùng rừng Dray Sap.

+ Và chị rút ra bài học gì từ những trải nghiệm tác nghiệp khó khăn ấy?

- Đã đấu tranh, phải đấu tranh kiên định đến cùng. Không lùi bước trước bất cứ thủ đoạn, chiêu trò nào của những kẻ bị phanh phui sai phạm. Tuy nhiên, phải luôn cảnh giác, đề phòng cho cả cá nhân lẫn gia đình, cơ quan; không để vướng bất cứ loại bẫy nào giăng mắc xung quanh, mọi nơi, mọi lúc...

+ Với những phóng viên đã làm nghề 5, 10 năm, nếu còn chông chênh về ý nghĩa, mục đích của nghề báo, chị sẽ nói gì với họ?

- Xã hội hiện đang quá phức tạp, số đông trong lớp trẻ bị phai nhạt lý tưởng, thiếu sự định hướng và gương mẫu của lớp người đi trước. Nhưng nếu bạn là một phóng viên có tố chất, giỏi kỹ năng, đủ bản lĩnh, bạn sẽ tự biết đâu là nơi cần đến, việc gì đáng làm, và bằng cách nào để mình có thể sống vững vàng với nghề mà không phải bẻ cong ngòi bút, bán rẻ lương tâm.

Nếu không sẵn có được một tập thể tốt để nương tựa vào nhau mà góp sức xây dựng xã hội công bằng văn minh, thì hãy gắng tự mình tạo ra bằng được một tập thể để làm nghề cho đàng hoàng, liêm chính. Còn nếu đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ tới tiền, muốn có nhiều tiền bằng mọi giá, thì nên làm nghề khác cho đỡ phí tuổi trẻ, lại mang tiếng với cái nghiệp gian khổ mà cao quý này.

+ Cảm ơn chị!

Trong nhiều bảng xếp hạng nghề nghiệp, nghề báo luôn bị dẫn tên trong những ô “Nguy hiểm” và “Thu nhập thấp”. Tôi chưa thấy bảng xếp hạng nào tôn vinh nghề báo là cao quý, đặc biệt có ích cho xã hội, cho chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên cá nhân tôi lại luôn thấy rõ điều đó, luôn tin như thế! Tất nhiên, sự cao quý và đặc biệt có ích này chỉ dành cho báo chí chân chính, học hỏi không ngừng để đủ năng lực nhận biết mọi sự đúng - sai, luôn đề cao sự thật và lẽ phải… Nhà báo liêm chính thì không hèn nhát sợ hãi trước mọi sự đe dọa; không tham lam trước mọi thủ đoạn mua chuộc; không vì tư lợi mà viết sai sự thật bất chấp lợi ích của cộng đồng.

(Nhà báo Hoàng Thiên Nga)

Kiên Giang (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/nha-bao-liem-chinh-thi-se-khong-hen-nhat-so-hai-truoc-moi-su-de-doa-39092