Nhà báo Ngô Bá Lục: Để người lớn yêu Tết hơn...

Mạn đàm với TG&VN xung quanh câu chuyện Tết xưa Tết nay, nhà báo Ngô Bá Lục – Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, Báo Thể thao Việt Nam cho rằng dù chúng ta phát triển đến đâu, cuộc sống hiện đại thế nào, nếu còn tiếng Việt, còn người Việt, thì sẽ vẫn còn Tết Nguyên đán...

Nhà báo Ngô Bá Lục - Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, Báo Thể thao Việt Nam.

Nhịp sống hiện đại vội vã và gấp gáp hiện tại đã khiến Tết cổ truyền dường như không còn nhiều không khí như trước kia. Đây có phải lý do ông cho ra cuốn sách Hoài niệm Tết quê xưa trong những ngày giáp Tết?

Khi đến một giai đoạn nào đó, người ta thường hoài niệm về những điều xưa cũ, nhất là những thứ gắn liền với tuổi thơ. Riêng tôi thì không phải đến lúc trung niên mọi thứ đã ổn định, mà ngay từ lúc mới rời khỏi lũy tre làng năm 18 tuổi, là tôi đã luôn nhớ về quê hương của mình rồi. Tôi nhớ tất cả! Và tất nhiên, rất nhớ những cái Tết.

Tết ngày nay đã khác xưa rất nhiều, vì cuộc sống đủ đầy quanh năm suốt tháng, thế nên người ta đã không còn cảm giác chuẩn bị, lo lắng, tích cóp, để dành… cho ba ngày Tết nữa; trẻ con thì quần áo đẹp mặc cả ngày, đồ ngon ăn quanh năm, đi chơi cuối tuần, nghỉ hè… đủ thỏa thích, thế là chúng không còn cái sự háo hức chờ đợi Tết nữa. Ngày xưa, thời chúng tôi, tất cả những thứ đó, phải Tết mới có. Tết mới được nghỉ ngơi, được ăn ngon, được mặc đẹp… thế nên không chỉ trẻ con, mà người lớn cũng mong đến Tết.

Tôi ra cuốn Hoài niệm Tết quê xưa, thứ nhất là để thỏa mãn cảm xúc của tôi, đó là những ký ức rất đẹp về tuổi thơ ở một miền quê nghèo với những cái Tết rộn ràng, nhộn nhịp và không khí hừng hực, rạo rực trước Tết cả tháng trời. Thứ hai, tôi muốn lưu giữ lại những ký ức đó, bằng chữ để cho những người bạn của tôi có thể được quay trở về tuổi thơ khi đọc nó. Và nữa, tôi muốn những đứa trẻ ngày nay, trong đó có các con của tôi, sẽ hiểu thêm về những phong tục tập quán, đặc biệt là lễ nghi, quy cách, tục lệ... của Tết xưa như thế nào.

Tại sao mọi người cứ phải hoài niệm về Tết xưa?

Thường những thứ đã mất đi, hoặc đang có chiều hướng nhạt dần… thì người ta hay tiếc và hay nhớ về nó. Với cái Tết, nó không chỉ là những phong tục tập quán, những bữa ăn no, những bộ quần áo đẹp... mà còn là “không khí Tết". Còn bây giờ, người ta có thể không cần phải suy nghĩ hoặc chuẩn bị bất cứ một thứ gì, ngoài Tiền, để lo cho một cái Tết, thậm chí chuẩn bị Tết trong vòng “một nốt nhạc” là có đủ. Vì thế, cái “không khí Tết” cứ dần mất đi một cách rất tự nhiên, rất logic với sự phát triển của đời sống hiện đại.

Vậy nên, những người đã có cả một tuổi thơ đẹp vô cùng, nhiều kỷ niệm vô cùng với Tết, họ sẽ thấy tiếc, thấy nhớ, thấy thèm “không khí Tết” của thời xa xưa...

Tết luôn là những hình ảnh vui tươi, quây quần bên gia đình. Thế nhưng, ngày nay nhiều người chọn cách cày phim suốt những ngày nghỉ Tết, không cần đến tận nhà chỉ cần một chiếc smartphone là đã có thể gửi lời chúc đi khắp nơi và Tết còn là dịp đi du lịch xa... Phải chăng những phong tục Tết xưa không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại?

Tôi nghĩ hủ tục sẽ bị đào thải một cách tự nhiên, nhưng phong tục tập quán thì cần phải được gìn giữ và bảo tồn. Lễ nghi không chỉ là một phong tục ngày Tết, mà còn là hành vi ứng xử văn hóa. Ví dụ như sáng mùng Một, con cháu sẽ trực tiếp chúc Tết ông bà, cha mẹ. Đó không chỉ là một phong tục rất đẹp, mà còn thể hiện sự hiếu nghĩa, kính trọng những bậc cao niên và đấng sinh thành.

Tôi rất thích hình ảnh những đứa trẻ vừa hồn nhiên vui tươi nhưng vẫn đủ nghiêm túc đứng khoanh tay chúc Tết ông bà, cha mẹ, rồi ông bà cha mẹ cười tươi xoa đầu, chúc lại con cháu và lì xì cho chúng, đó là một trong những nét đẹp cần phải được gìn giữ. Ngoài giá trị về phong tục, tập quán, những hành động thể hiện sự giáo dục của mỗi gia đình, đó chính là văn hóa.

Tất nhiên, chúng ta cũng không quá câu nệ vào những thứ không còn phù hợp, khiến nhiều người cảm thấy áp lực, mệt mỏi và nảy sinh tâm lý sợ Tết. Đó chính là việc bày vẽ cầu kỳ, ăn uống linh đình, nhậu nhẹt liên miên mà cánh chị em phụ nữ lại trở thành “ô sin”, thay vì được ăn mặc đẹp, trang điểm xinh để ra đường du xuân, chúc Tết...

“Đang yên đang lành lại Tết” - câu thở than quen thuộc của người lớn hiện nay liệu có tác động gì đến tâm lý trẻ em khi suy nghĩ về truyền thống văn hóa này không?

Tôi cho rằng, sự than thở đó thường chỉ nằm trong những tiếng thở dài, hoặc trong tâm trí của những người… sợ Tết. Còn trẻ con, bản chất của chúng là vui chơi, học hành và những điều đó dường như không ảnh hưởng đến suy nghĩ về Tết. Bởi trên thực tế, cho dù bạn có kêu ca, than vãn thì bạn vẫn phải chuẩn bị mọi thứ cho ba ngày Tết đó thôi.

Tôi nghĩ việc vất vả hay nhàn hạ, mệt mỏi hay vui tươi trong những ngày Tết, lỗi không phải do Tết, mà là do chính chúng ta. Nếu gia đình bạn ở riêng, bạn hoàn toàn tự do lên kế hoạch cho Tết, lịch hoạt động cụ thể cho từng ngày, từ đó có sự chuẩn bị cho phù hợp. Còn nếu sống với bố mẹ, thì cũng nên thẳng thắn và thoải mái (tất nhiên khéo léo) để trao đổi với bố mẹ về những thứ liên quan đến Tết.

Còn đối với trẻ con, thì hãy bồi đắp cho chúng tình yêu và sự trân trọng dành cho những tập quán tốt đẹp của dân tộc, cho chúng hiểu và thấy được nét đẹp của Tết cổ truyền, ý nghĩa của Tết để chúng thêm yêu những giá trị truyền thống ấy.

Như vậy người lớn cần làm gì để biết yêu Tết hơn và có thể khởi dậy những ấn tượng đẹp về Tết cổ truyền trong lòng còn trẻ?

Quan điểm của tôi là cho dù chúng ta phát triển đến đâu đi chăng nữa, cuộc sống hiện đại thế nào đi chăng nữa, nếu còn tiếng Việt, còn người Việt, thì vẫn còn Tết Nguyên đán. Hãy tự hào vì những điều làm nên giá trị văn hóa, tinh thần và cốt cách cũng như bản sắc dân tộc của các tập quán xưa cũ mà cha ông ta đã dựng nên. Nếu bạn thực sự coi trọng giá trị cốt lõi của Tết, bạn sẽ có ứng xử văn minh với nó, và khi ấy bạn sẽ biết cách làm như thế nào để cho các con của mình yêu Tết và luôn có ứng xử đúng mực với các hoạt động trong những ngày Tết cổ truyền.

(thực hiện)

TRỌNG VŨ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-bao-ngo-ba-luc-de-nguoi-lon-yeu-tet-hon-107890.html