Nhà báo Nguyễn Viết Lam và mối duyên tình với đồng bào miền núi

Hơn 10 năm công tác tại báo Biên phòng, nhà báo Nguyễn Viết Lam đã đến tác nghiệp ở hầu hết các vùng biên cương của Tổ quốc. Mỗi nơi anh đi qua đều để lại những cảm xúc riêng, những nỗi niềm trăn trở, để rồi khi trở về lại thao thức viết nên những tác phẩm báo chí.

Miệt mài như con tằm rút ruột nhả tơ vậy mà anh vẫn cảm thấy như còn đang “mắc nợ” với đồng bào miền núi.

Hình ảnh lũ quét ở Sa Ná dưới ống kính nhà báo Nguyễn Viết Lam.

Quyện hơi đất, bén duyên người

Không gắn bó với công việc báo chí ngay từ đầu, tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế đến tháng 10 năm 2007, Nguyễn Viết Lam viết đơn xin nhập ngũ tại một đơn vị Bộ đội Biên Phòng. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, anh được điều động về công tác tại Tiểu khu 50, BĐBP Nghệ An thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Khi đó anh vẫn đảm nhận nhiệm vụ của một chiến sĩ binh nhất nhưng với đam mê, vào những ngày nghỉ cuối tuần “chiến sĩ viết báo” Nguyễn Viết Lam lại xin cấp trên ra ngoài, đi tới các bản làng gần đó lấy tư liệu viết bài ghi chép rồi gửi các bài đến các báo Biên phòng hay Quân đội nhân dân cộng tác.

Trong chuyến “tác nghiệp” đầu tiên, “chiến sĩ viết báo” được về với bản nghèo Sa Vang, thuộc xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi của Nghệ An, anh tưởng như đã thấm đủ cái khó khăn do nghèo khó mang lại thế nhưng khi đến Tà Cạ anh mới thấy mình vẫn còn sung túc.

Nhà báo Nguyễn Viết Lam nhận giải Nhì Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục VN 2019.

“Đến Sa Vang đúng vào mùa giáp hạt, khi đó lượng gạo dự trữ của bà con hầu như không còn. Người dân họ đói quá, ăn từng miếng sắn, rồi lá đu đủ thay cơm, rau, những đứa trẻ nhem nhuốc, mặc mỏng manh trong cái rét cắt da, cắt thịt… Hình ảnh nhếch nhác, khuôn mặt tái xanh, bủng beo của đồng bào nơi đây thật sự là nỗi ám ảnh, bất cứ ai thấy cũng mủi lòng. Lần đầu tiên tôi thấy những cảnh đó, đang tác nghiệp mà nước mắt cứ chảy, có vài đồng phụ cấp lấy cho dân bản mà thực sự tâm trí cứ đau đáu, nghẹn ngào”... - anh chia sẻ lại câu chuyện.

Sau chuyến đi đó anh có viết bài “Sa Vang đang đói nặng”… Cái đói khủng khiếp và cuộc sống khốn khổ của bà con Sa Vang hiện lên một cách chân thực qua ngòi bút của một cây bút khoác áo lính đã kịp thời thông tin và lay động nhiều tấm lòng hảo tâm cũng như trách nhiệm của chính quyền.

Sau khi được đăng tải, có lẽ bởi sức lan tỏa từ bài báo mà mấy ngày sau những chuyến xe chở gạo cứu đói đã tấp nập về cứu trợ cho đồng bào. Bà con Sa Vang, Tà Cạ trong mùa giáp hạt năm ấy đã không còn bị đói nữa. Chuyến đi đến Sa Vang năm đó cũng se mối lương duyên tốt lành giữa một “chiến sĩ viết báo” với đồng bào các dân tộc nơi miền biên viễn.

Năm 2009, Nguyễn Viết Lam được điều động về công tác tại Báo Biên phòng, chính thức trở thành một quân nhân chuyên nghiệp. Cái duyên với đồng bào vùng cao cũng gắn bó với anh từ đấy.

Hình ảnh minh họa trong bài viết "Hãy yêu thương Sa Ná" đúng cách của nhà báo Nguyễn Viết Lam.

Mỗi chuyến đi vùng cao, để lại trong nhà báo Nguyễn Viết Lam những ấn tượng đáng nhớ nhất là đôi mắt thơ ngây của những đứa trẻ nơi các bản làng nghèo khó. Giữa cuộc sống còn đầy thiếu thốn, gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng những nụ cười. Đó là nguồn cảm hứng bất tận để anh đưa sự lạc quan và hy vọng vào các tác phẩm báo chí của mình.

Sẵn sàng đồng cam cộng khổ

Với sự xông xáo, nhiệt huyết của mình, chỉ trong vòng 5 năm đầu tiên về công tác tại báo Biên phòng, nhà báo Nguyễn Viết Lam đã đi đến gần 44 tỉnh, thành biên giới cả nước. Không phải đến với những đô thị phồn hoa mà chủ yếu là đặt chân tới các vùng biên cương xa ngái. Anh bảo, chính xuất thân từ một vùng quê, gia đình nghèo khó đã khiến anh thấy đồng cảm và gắn bó với bà con đồng bào dân tộc miền núi đến vậy. Cũng chính bởi tình cảm đó mà anh luôn sẵn sàng đến với bà con kể cả trong hoàn cảnh nguy cấp nhất.

Còn nhớ trận lũ lịch sử sầm sập kéo đến Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa vào tháng 8/2019, Nguyễn Viết Lam là một trong những nhà báo đầu tiên lao vào hiện trường để kịp thời đưa tin bài và hình ảnh thảm khốc nơi rốn lũ. Thời điểm đó, Sa Ná bị cô lập giữa núi rừng. Ca nô được ưu tiên cho các hoạt động cứu trợ. Phóng viên phải tự tìm cách vào được trong bản. Với kinh nghiệm nhiều năm tác nghiệp miền rừng núi anh nghĩ ngay đến con đường rừng dù con đường đó theo người dân bản địa phải băng rừng lội suối đi bộ hết 3-4 tiếng đồng hồ.

Nhà báo Nguyễn Viết Lam băng rừng suốt 4 tiếng đồng hồ để vào được bản Sa Ná tác nghiệp.

“Cả một góc bản làng trù phú, bình yên giờ đây bị san phẳng, ngổn ngang đất, cát, cây gỗ dồn ứ, chất thành đống. Nhiều gia đình bị mất người thân. Những ngôi nhà yên ấm ngày nào giờ chỉ còn trơ lại móng, xiêu vẹo trong đống đổ nát. Vào đến nơi, nhóm phóng viên không ai kìm được lòng, đâu cũng thấy nước mắt của dân. Chúng tôi vừa chụp ảnh, vừa phỏng vấn, vừa rơi nước mắt. Trước mất mát quá lớn đó, người cứng rắn nhất cũng không thể cầm được lòng mình…”, nhà báo Nguyễn Viết Lam xúc động kể lại khi chứng kiến hình ảnh tang thương nơi tâm lũ.

Thời gian sau đó, anh bám lại Sa Ná một tuần, liên tục các hoạt động để đưa những thông tin kịp thời nhất đến công chúng, dù môi trường tác nghiệp tiềm tàng nhiều rủi ro, nguy hiểm. Thêm vào đó chặng đường trèo đèo, lội suối trong ngày ra vào bản không phải là việc đơn giản nhưng theo anh, điều đó không thấm vào đâu so với nỗi đau mà người dân nơi đây phải gánh chịu.

Nhà báo Nguyễn Viết Làm cùng đồng nghiệp tiến vào Sa Ná.

Tuy nhiên, nhắc đến đau thương của bà con Sa Ná, nêu cao tinh thần lá lành đùm lá rách anh cũng không ngần ngại phản ánh những tồn tại bất cập từ công tác từ thiện. Anh không ngần ngại lên án những người từ thiện theo phong trào hay yêu thương Sa Ná không đúng cách dẫn đến sự cản trở cho công tác cứu hộ hay sự lãng phí món hàng cứu trợ. Bài viết “Hãy yêu thương Sa Ná đúng cách” có vấp phải những tranh luận nhưng đa phần là nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng.

Sau Sa Vang, Sa Ná, nhà báo Nguyễn Viết Lam vẫn còn rất nhiều những chuyến đi, đến với nhiều vùng đất con người mà anh không nhớ mặt điểm tên hết nhưng tựu chung lại vẫn là tấm lòng hướng về đồng bào nơi vùng cao của Tổ quốc.

Bên cạnh những bài viết tạo được sự lan tỏa trong xã hội, anh còn dành nhiều tình cảm cho những mảnh đời khó khăn. Anh tâm sự, mỗi lần trực tiếp đối diện với những mảnh đời bất hạnh là mỗi lần lại thấy xót xa trước nghịch cảnh và số phận của họ. Những nỗi đau, bất hạnh của những thân phận khốn khó như thôi thúc, dằn vặt anh phải cầm bút, viết một cái gì đó, lên đường nhiều hơn, đến những nơi khó khăn hơn và xông pha về phía họ.

Giống như cái cách anh nhận đỡ đầu cho Son - cô bé dân tộc Khơ Mú mồ côi cha mẹ để có đủ kinh phí để sinh sống và học tập. Đó cũng giống như cách anh chạy vạy xin từng bộ quần áo, từng cuốn sách cuốn vở hay những trái bóng cho những đứa trẻ miền núi được ấm áp, được học hành, được vui chơi. Hay như cái tâm trạng háo hức phấn khởi chờ đợi cõng từng chuyến hàng từ thiện được gửi đến đồng bào miền biên giới dù lúc đó đã nửa đêm rồi…

Cái nghĩa cái tình, cái duyên nợ với đồng bào miền núi được anh gom góp cóp nhặt trả nợ không chỉ trên những bài viết mà từ chính những hành động thiện nguyện của mình như anh quan niệm: “Mình phải làm tốt trách nhiệm của một công dân, một quân nhân, và trách nhiệm của một nhà báo. Tôi tự hứa với bản thân, sức mình tới đâu thì làm tới đó và không bao giờ được phép chùn bước, bỏ cuộc hay gục ngã”.

Nguyễn Viết Lam đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí cho những cống hiến của mình: 2 giải C cuộc thi viết về đề tài Tam nông năm 2012 - 2013; Giải Khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc xây dựng Đảng, năm 2019; Giải khuyến khích Giải Báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018-2019, Giải Nhì Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2019”. Tiền thưởng của các giải nhận được, anh đều dành một phần nhỏ cho các hoạt động thiện nguyện.

Minh Khuê

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-bao-nguyen-viet-lam-va-moi-duyen-tinh-voi-dong-bao-mien-nui-post71202.html