Nhà báo phải có đạo đức tốt thì mới có thể làm cho người ta tin

Văn hóa ứng xử là một khía cạnh của đời sống văn hóa sinh động, gắn liền với sự tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trải qua thời gian, chuẩn mực văn hóa ứng xử đã được bồi đắp như thế nào và báo chí đóng vai trò ra sao trong việc tuyên truyền, định hướng văn hóa ứng xử qua các thời kỳ?

Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, nhà báo Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về vấn đề này.

Thưa Thiếu tướng, nhà báo Phan Khắc Hải, là người từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo trong cơ quan báo chí và giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông có thể cho biết, trong suốt một thời gian dài, báo chí đã có những đóng góp như thế nào trong xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử?

Thưa Thiếu tướng, nhà báo Phan Khắc Hải, là người từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo trong cơ quan báo chí và giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, ông có thể cho biết, trong suốt một thời gian dài, báo chí đã có những đóng góp như thế nào trong xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử?

- Tùy từng thời kỳ, công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử lại có nét khác nhau. Trong chiến tranh, văn hóa ứng xử là thái độ của mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định, ta thắng Mỹ là bởi Mỹ không hiểu được văn hóa của Việt Nam; ở đây, văn hóa chính là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ đùm bọc nhau vượt qua gian khó của người Việt. Nhiệm vụ của báo chí thời kỳ này chính là khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên.

Đó là những bài báo cổ động phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, là “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"... Trên mặt báo lúc bấy giờ, đâu đâu cũng có khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... Các tờ báo như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hànôịmới đều sục sôi ngợi ca tinh thần đó, và điều đó thật sự đã có tác động rất lớn tới nhân dân, nhất là thanh niên, khích lệ họ lên đường nhập ngũ chiến đấu vì lý tưởng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sau khi đất nước thống nhất, văn hóa ứng xử lúc này chính là tinh thần hăng hái thi đua sản xuất, là thái độ tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa mới. Chính vì thế, báo chí thời kỳ này thường xuyên đưa bài viết về những tấm gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

Ngày ấy, báo nào cũng có chuyên mục “Gương người tốt, việc tốt”. Những tấm gương xếp hàng trật tự, nhường cơm sẻ áo cho người khó khăn, giúp người khi hoạn nạn, nhặt được của rơi trả người đánh mất... đều được báo chí phản ánh rất nhanh và kịp thời. Đặc biệt, các đài phát thanh, truyền thanh còn phát lại những câu chuyện người tốt, phường tốt, xã tốt để nêu gương hằng ngày khiến bản thân người làm việc tốt cũng cảm thấy tự hào, và truyền cảm hứng để nhiều người làm thêm nhiều việc tốt, có thêm nhiều người tốt hơn nữa trong xã hội.

Bên cạnh việc tuyên dương những điển hình tiên tiến, trên các mặt báo như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hànôịmới, Lao Động... đều có chuyên mục với nội dung giống nhau là “xây để chống”. “Xây để chống” có nghĩa là xây cái điển hình tiên tiến rồi lấy điển hình đó để chống tiêu cực. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, phê phán những thói hư tật xấu, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tôi còn nhớ loạt bài báo Những việc cần làm ngay do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết dưới bút danh N.V.L được đăng trên chuyên mục cùng tên của báo Nhân Dân (giai đoạn 1987 - 1990) với những bài viết nhìn nhận thẳng thắn vào những tồn tại, yếu kém trong xã hội và khơi gợi những vấn đề hết sức cấp thiết “cần làm ngay”..., được người dân nhiệt liệt ủng hộ.

- Vậy ông nhận xét thế nào về vai trò của báo chí trong việc xây dựng chuẩn mực văn hóa hiện nay, nó có khác nhiều so với thời kỳ trước hay không?

- Phải khẳng định rằng, ở thời kỳ nào thì vai trò của báo chí trong việc định hướng tuyên truyền văn hóa ứng xử cũng đều quan trọng. Tuy nhiên, việc đấu tranh với những hành vi tiêu cực, xây dựng nếp sống văn hóa, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong thời đại mới phức tạp hơn rất nhiều. Nguyên nhân nằm ở mặt trái của cơ chế thị trường, sự ảnh hưởng của các luồng văn hóa ngoại lai cùng nhịp sống xã hội sôi động với nhiều áp lực đã khiến một bộ phận người Việt có những lời nói, hành động đi ngược chuẩn mực. Bên cạnh đó, các hình thức giao tiếp, kết nối trên phương tiện thông tin, mạng xã hội trong thời kỳ 4.0 rất đa dạng, song thiếu kiểm soát nên làm lan tràn lối ứng xử thiếu chuẩn mực...

Sự khó nữa là trước đây báo chí chiếm ưu thế, còn bây giờ bên cạnh báo chí còn có các kênh thông tin khác, các trang mạng xã hội... nên việc tuyên truyền gặp khó khăn hơn. Trước tình hình đó, báo chí cần thể hiện bản lĩnh vững vàng trong việc chọn lọc thông tin để định hướng người dân một cách tích cực.

- Là cơ quan ngôn luận, có vai trò định hướng dư luận, theo ông, mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần có thái độ ứng xử thế nào để là một tấm gương về văn hóa ứng xử?

- Nhà báo là phải có đạo đức tốt thì mới có thể tuyên truyền và làm cho người ta tin. Có một thực tế, báo chí nước nhà đang nặng về đào tạo nghiệp vụ chứ chưa chú trọng đầy đủ tới việc giáo dục đạo đức nghề báo. Chính vì thế mới có những nhà báo vì thiếu bản lĩnh mà bị cái này cái kia tác động, đôi khi vì không nhận thức được trách nhiệm công dân, không nhận thức được rằng mình là nhà báo thì phải làm đúng để được nhân dân tôn trọng, đã lợi dụng vị trí đó để làm điều sai trái. Đó là điều hết sức đáng tiếc.

- Sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội gần đây ít nhiều tác động tới vai trò định hướng của báo chí. Theo ông trong thời gian tới, báo chí Việt Nam cần phải làm gì để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong việc định hướng, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử?

- Hiện nay, báo chí Việt Nam vẫn đang giữ rất tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng từng bước nâng cao, báo chí cần phải đi trước một bước và phải triển khai linh hoạt, sáng tạo trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Với nhà báo, việc cần nhất là phải trau dồi nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng. Người đứng đầu tờ báo cần nêu cao trách nhiệm trước cơ quan, trước pháp luật, thường xuyên nắm bắt sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản.

Đặc biệt, báo chí cần đăng tải nhiều hơn những bài cổ vũ gương người tốt, việc tốt, giới thiệu và lan tỏa những hành vi văn hóa ứng xử tốt đẹp trong xã hội, kiểm soát và đẩy lùi những hành vi xuống cấp về đạo đức để tiến tới xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với chuẩn mực văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đoan Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/970393/nha-bao-phai-co-dao-duc-tot-thi-moi-co-the-lam-cho-nguoi-ta-tin